Su654FHX45QdmdDVYZ8LbU-1200-80-7644-1724748894.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i4OJhUPblZG7SNRd3-BwXw

Một bức tượng nhân sư với khuôn mặt của nữ pharaoh Hatshepsut. Ảnh: Miguel Cabezón

Cai trị Ai Cập cổ đại thường được coi là công việc của nam giới, nhưng có một người phụ nữ đã phá vỡ truyền thống vào thế kỷ 15 trước Công nguyên: Hatshepsut. Dù thành tựu trong 21 năm trị vì đã đưa Hatshepsut vào hàng ngũ các pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập, một chiến dịch thanh lọc khiến mọi dấu vết về sự tồn tại của bà bị xóa sạch ngay sau khi bà qua đời.

Bị ẩn khỏi lịch sử suốt 3.500 năm, trong thời cổ đại, Hatshepsut là nhân vật quan trọng hơn nhiều so với Cleopatra nổi tiếng. Trong thời gian trị vì, nữ pharaoh này đã giám sát việc xây dựng nhiều công trình kỳ vĩ, bao gồm cụm công trình tang lễ Deir el-Bahri ấn tượng gần Thung lũng các vị Vua, đồng thời vẫn duy trì sự hòa bình và thịnh vượng.

Tuy nhiên, quyền cai trị của bà không có nền móng vững chắc. Là con gái của pharaoh Thutmose I và vợ Ahmose, Hatshepsut trở thành hoàng hậu sau khi kết hôn với em trai cùng cha khác mẹ, Thutmose II. Khi chồng qua đời năm 1479 trước Công nguyên, bà được chọn làm quan nhiếp chính cho con trai kế, Thutmose III, khi đó còn quá nhỏ để tự cai quản đất nước.

Dù được kỳ vọng sẽ từ bỏ quyền lực khi Thutmose III đủ tuổi, Hatshepsut lại suy nghĩ khác và tự tuyên bố mình là pharaoh, giữ ngai vàng cho đến khi qua đời vào năm 1458 trước Công nguyên. Để củng cố ngôi vị, bà đã tự khắc họa mình như một người đàn ông trong vô số bức tượng và bích họa, với trang phục của pharaoh và râu.

Tuy nhiên, sự lãnh đạo tài tình mới là yếu tố quan trọng nhất giúp bà giữ vững ngai vàng. Một trong những thành tựu lớn nhất của bà là chuyến thám hiểm thành công rực rỡ đến vùng Punt gần Biển Đỏ. Chuyến thám hiểm do bà dẫn đầu mang về vô số tài nguyên bao gồm vàng, ngà voi và nhiều động vật lạ.

LADxrubSLfKPRh4N3TfE7B-9939-1724748894.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jopPoEY5Gq_kClWBpPQRuQ

Đền thờ Hatshepsut ở Thung lũng các vị Vua tại Luxor, Ai Cập. Ảnh: Mirek Hejnicki

Sau khi Hatshepsut qua đời, Thutmose III cuối cùng cũng có cơ hội cai trị. Tuy nhiên, ông bắt đầu phá hủy tất cả các công trình tưởng niệm và xóa bỏ mọi thứ nhắc đến tên bà. Dù bản thân cũng là một pharaoh thành công về quân sự, có vẻ ông không hài lòng khi phải chờ đợi quá lâu để lên ngôi và quyết định hợp nhất những thành tựu của mẹ kế vào triều đại của mình.

Phải đến năm 1822, các nhà khảo cổ mới phát hiện lại tên của Hatshepsut khi giải mã chữ tượng hình tại Deir el-Bahri, từ đó bắt đầu khôi phục những thiệt hại do Thutmose III gây ra và lắp ghép lại câu chuyện về người phụ nữ quyền lực nhất Ai Cập cổ đại. Năm 1903, nhà Ai Cập học nổi tiếng Howard Carter tìm ra quan tài rỗng của nữ pharaoh tại Thung lũng các vị Vua. Các nhà khoa học mất thêm một thế kỷ nữa mới xác định được xác ướp của bà trên sàn của một hầm mộ nhỏ gần đó.

Trong những năm sau đó, giới chuyên gia tìm thấy tàn tích của nhiều công trình bị phá hủy ghi tên Hatshepsut, thường bị gạch bỏ hoặc che phủ bằng tên của một pharaoh nam. Cuối cùng, tất cả những gì Thutmose III đạt được chỉ là làm thú vị thêm câu chuyện về Hatshepsut, nữ pharaoh có hành trình mở rộng quyền lực được coi là một trong những giai đoạn đáng chú ý nhất lịch sử Ai Cập cổ đại.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022