Thử thách nhóm của người và kiến trong nghiên cứu mới. Video: Viện Khoa học Weizmann
Nhóm nghiên cứu do chuyên gia Ofer Feinerman từ Viện Khoa học Weizmann dẫn đầu tìm hiểu khả năng kiến và người vượt qua một mê cung phức tạp khi làm việc cá nhân và theo nhóm, Interesting Engineering hôm 26/12 đưa tin. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu thiết kế một mê cung dựa trên "bài toán vận chuyển đàn piano". Nhưng thay vì piano, đối tượng tham gia sẽ vận chuyển một vật lớn hình chữ T đi qua 3 căn phòng nối liền nhau bằng các khe hẹp.
Con người thực hiện nhiệm vụ này một mình hoặc theo nhóm tối đa 26 người, trong khi kiến Paratrechina longicornis - còn gọi là "kiến điên" vì chuyển động thất thường - làm việc theo nhóm 1 - 80 thành viên. Nhằm phản ánh hạn chế tự nhiên của kiến, người tham gia không được giao tiếp bằng lời nói hay cử chỉ mà chỉ có thể xử lý vật thể bằng những tay cầm trang bị đồng hồ đo lực.
Kết quả, khi làm việc một mình, con người vượt trội hơn kiến với khoảng cách lớn, hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả nhờ lập kế hoạch chiến lược. Nhưng kết quả lại đảo ngược khi làm việc nhóm.
Các đàn kiến, đặc biệt là đàn lớn, thể hiện khả năng phối hợp và giải quyết vấn đề ấn tượng. Chúng hành động như một thực thể thống nhất, sử dụng trí nhớ tập thể để học từ sai lầm và duy trì sự tiến bộ ổn định hướng tới mục tiêu. Ngược lại, các nhóm người gặp khó khăn trong việc cải thiện hiệu suất. Khi giao tiếp bị hạn chế, kết quả của nhóm thường tệ hơn so với những người làm việc một mình.
Thay vì khai thác sức mạnh nhóm, người tham gia thường áp dụng chiến lược "tham lam", tập trung vào các giải pháp ngắn hạn làm cản trở sự thành công. Nhóm chuyên gia cho rằng sự khác biệt này là do cấu trúc xã hội của kiến. Là một tập thể, kiến hoạt động như một "siêu sinh vật", với lợi ích chung và sự phối hợp liền mạch. Tuy nhiên, con người phải đối mặt với những thách thức về sự phối hợp và ưu tiên khác nhau, làm giảm lợi ích khi làm việc nhóm.
Nghiên cứu mới hé lộ sự phức tạp của quá trình làm việc nhóm và ra quyết định giữa các loài. Với kiến, hợp tác giúp năng lực tăng lên, biến nỗ lực tập thể thành kết quả lớn hơn tổng các đóng góp cá nhân. Ngược lại, con người gặp khó khăn trong việc khai thác toàn bộ tiềm năng của làm việc nhóm, đặc biệt là trong điều kiện hạn chế giao tiếp.
Nhóm nhà khoa học hy vọng phát hiện mới sẽ cung cấp thông tin cho những nghiên cứu tương lai về động lực nhóm, cả ngoài tự nhiên lẫn trong xã hội con người. Bằng cách khám phá điểm mạnh và yếu của hành vi tập thể, họ mong muốn làm sáng tỏ quá trình sự hợp tác phát triển và cách tối ưu hóa.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)