Dự án mới đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Hyundai và Boston Dynamics, công ty Mỹ phát triển Atlas, Interesting Engineering hôm 2/5 đưa tin. Tháng trước, nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc cũng cam kết mua hàng chục nghìn robot từ Boston Dynamics nhằm củng cố vị thế đi đầu về robot di động.

Cropped-174618919920250502N-20-9695-5241-1746248335.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0ao3EeBTZtEOsX6xNI_UYg

Robot hình người Atlas vận chuyển vỏ động cơ trong một thử nghiệm. Ảnh: Boston Dynamics

Tại Metaplant America, Atlas sẽ đảm nhận nhiều nhiệm vụ từng do công nhân thực hiện, bao gồm nâng các bộ phận nặng và lắp đặt cửa xe. Robot hai chân tiên tiến này được Boston Dynamics phát triển từ năm 2009, cao 1,5 m, nặng 89 km và có thể di chuyển với tốc độ 9 km/h. Qua nhiều năm, Atlas đạt được nhiều thành tích mà giới chuyên gia nhận xét là "đáng kinh ngạc", như bước đi giống người, chạy nhảy trên địa hình gồ ghề, giữ thăng bằng tốt.

Bên cạnh Atlas, Metaplant America còn sử dụng robot truyền thống để lắp ráp và vận chuyển các bộ phận của xe. Spot, robot 4 chân giống chó của Boston Dynamics, sẽ kiểm tra dây chuyền sản xuất và thân xe.

Ngoài lắp ráp, một số quy trình khác như ép và hàn cũng dự kiến được tự động hóa để tăng cường hiệu quả tại Metaplant America. Hyundai đặt mục tiêu sản xuất 100.000 xe điện và xe hybrid mỗi năm tại cơ sở này trong giai đoạn đầu. Mục tiêu cuối cùng là đạt sản lượng 500.000 chiếc mỗi năm.

Hyundai dự định tăng cường sử dụng robot tại mọi cơ sở sản xuất trên thế giới nhằm tối ưu hóa quy trình và nâng cao hiệu quả. Tự động hóa là một phần trong kế hoạch đầu tư 21 tỷ USD đầy tham vọng của nhà sản xuất ôtô Hàn Quốc tại Mỹ, trong đó có 6 tỷ USD dành riêng cho đổi mới, tự động hóa và hợp tác chiến lược. Chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump với ôtô nhập khẩu cũng buộc Hyundai đẩy mạnh những nỗ lực này.

Ngoài Atlas, các mẫu robot hình người khác trên thế giới cũng đang tham gia vào quá trình sản xuất ôtô. Mẫu Walker S1 của công ty UBTech đang làm việc tại nhà máy ôtô năng lượng mới Audi-FAW ở Trung Quốc. Ngoài Audi, một số nhà sản xuất lớn như BYD, Zeekr, Geely và Foxconn cũng sử dụng dòng Walker S và hơn 500 robot đã được đặt hàng trước. Tại nhà máy của BYD ở Thâm Quyến, Walker S1 giúp tăng hiệu quả phân loại thêm 120%.

Thu Thảo (Theo Interesting Engineering, Nikkei Asia)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022