Mô phỏng gió siêu thanh trên hành tinh WASP-127b. Ảnh: ESO
WASP-127b là một hành tinh khí khổng lồ cách Trái Đất 500 năm ánh sáng khác với bất cứ thứ gì giới thiên văn học từng thấy. Hành tinh này lớn hơn sao Mộc nhưng có khối lượng nhỏ hơn nhiều, khiến nó cực kỳ "xốp". Hiện nay, các nhà khoa học phát hiện gió siêu thanh quét qua xích đạo của WASP-127b. Những cơn gió này có thể đạt tốc độ 33.000 km/h, nhanh gấp 6 lần tốc độ xoay của chính hành tinh.
"Chúng tôi chưa từng thấy điều tương tự trước đây", Lisa Nortmann, nhà khoa học ở Đại học Göttingen, Đức, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. "Một phần khí quyển của hành tinh di chuyển về phía chúng ta ở tốc độ cao trong khi phần còn lại chuyển động ra xa chúng ta ở cùng tốc độ. Tín hiệu này cho thấy có một luồng gió siêu thanh rất nhanh quanh xích đạo của hành tinh".
Tốc độ gió trên WASP-127b cực kỳ nhanh, đạt gần 9 km/giây (33.000 km/h), biến nó thành loại gió nhanh nhất từng được ghi nhận đối với dòng tia quanh hành tinh. So với nó, những cơn gió nhanh nhất từng quan sát trong hệ Mặt Trời nằm ở sao Hải Vương với tốc độ khiêm tốn 2.000 km/h.
Nhóm nghiên cứu sử dụng thiết bị CRIRES+ trên Kính viễn vọng rất lớn (VLT) của Đài quan sát miền nam châu Âu (ESO) để lập bản đồ thời tiết và thành phần của WASP-127b. Thành phần cấu tạo hành tinh được xác định thông qua phân tích cách ánh sáng sao truyền qua nó. Kết quả phân tích hé lộ sự tồn tại của hơi nước và carbon monoxide ở tầng thượng quyển của hành tinh.
Nhóm nghiên cứu quan sát một "đỉnh kép" trong tốc độ của vật chất khí quyển trên hành tinh. Điều này chỉ ra nhiều nơi trong khí quyển di chuyển rất nhanh, cả hướng tới và ra xa điểm quan sát trên Trái Đất. Họ kết luận chuyển động nhanh chóng đó gây ra bởi luồng gió cực mạnh xoay quanh xích đạo hành tinh. Bản đồ thời tiết của WASP-127b hé lộ vài biến động nhiệt thú vị. Đáng chú ý là các cực mát hơn so với nhiều khu vực khác của hành tinh. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu quan sát một chênh lệch nhiệt độ nhỏ giữa phía ban ngày và phía ban đêm, cho thấy WASP-127b có mô hình thời tiết phức tạp giống Trái Đất và những hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, theo Fei Yan, giáo sư ở Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, đồng tác giả nghiên cứu.
Kính viễn vọng Cực lớn (ELT) của ESO đang trong quá trình xây dựng tại Chile, sẽ tăng cường khả năng nghiên cứu mô hình thời tiết trên những hành tinh xa xôi. Nhóm nghiên cứu mô tả chi tiết phát hiện về gió siêu thanh của WASP-127b trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.
An Khang (Theo Interesting Engineering)