Tảng băng A23a có kích thước gấp đôi khu Greater London đang trôi nổi trên đại dương. Ảnh: Cơ quan Khảo sát châu Nam Cực của Anh
A23a nặng gần 1.000 tỷ tấn, rộng 3.900 km2 và dày khoảng 400 m, tương đương độ cao của tòa Empire State. Nó tách khỏi thềm băng Filchner-Ronne của châu Nam Cực năm 1986, nhanh chóng mắc kẹt dưới đáy biển ở biển Weddell, đứng yên khoảng 30 năm, sau đó bắt đầu dịch chuyển nhẹ vài năm trước. Hiện tại, tảng băng đang trôi qua Nam Đại Dương và tiến về phía đảo Nam Georgia, IFL Science hôm 23/1 đưa tin.
Các tảng băng trôi có thể rất nguy hiểm. Năm 2016, tảng băng B09B với diện tích 100 km2 đâm vào Cape Denison ở Vịnh Commonwealth, châu Nam Cực. Khối băng đã chặn đường ra biển của chim cánh cụt địa phương, đồng nghĩa với chặn nguồn thức ăn là cá, khiến số lượng cá thể giảm mạnh. Một nghiên cứu ước tính, 150.000 trong số 160.000 con chim cánh cụt trong vùng có thể đã mất mạng do sự cố này.
Đảo Nam Georgia nằm trong Hẻm băng trôi, một hành lang tự nhiên ở châu Nam Cực thường xuyên có các tảng băng trôi bị Hải lưu vòng Nam Cực cuốn vào. Do đó, hệ sinh thái địa phương đã quen với những vụ va chạm băng trôi và có khả năng chống chọi nhất định trước tác động. "Nam Georgia nằm trong Hẻm băng trôi nên các vụ va chạm là điều có thể dự đoán với ngành hải sản và động vật hoang dã, và cả hai đều có khả năng thích nghi tốt", Mark Belchier, nhà sinh thái học biển tư vấn cho chính quyền Nam Georgia, giải thích.
Tuy nhiên, các tảng băng trôi cũng từng gây hỗn loạn trên hòn đảo xa xôi này. Khi tảng băng A38 mắc kẹt gần Nam Georgia năm 2004, một lượng lớn chim cánh cụt con và hải cẩu con đã chết vì tuyến đường kiếm ăn của cha mẹ chúng bị gián đoạn.
Là tảng băng trôi lớn nhất thế giới, A23a có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, các tảng băng trôi vốn khó dự đoán và không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Dù A23a tránh được Nam Georgia hay mắc kẹt dọc theo đảo, sự kiện này cũng sẽ mang lại cơ hội hiếm có cho các nhà khoa học nghiên cứu khả năng phục hồi của hệ sinh thái trước sự thay đổi môi trường lớn.
Thu Thảo (Theo IFL Science)