VNE-Storm-3383-1725704351.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MQ7Te-8VKj8sU5Ho3LQTVg

Cỗ xe săn bão Dominator 3 là một phòng thí nghiệm khoa học di động. Ảnh: Wired

Ở Hành lang Lốc xoáy của Mỹ ở Oklahoma, Texas, Kansas, một nhóm nhà khoa học và nhà phiêu lưu mạo hiểm đang cách mạng hóa hiểu biết của con người về thời tiết khắc nghiệt. Trang bị những phương tiện trông giống xe tăng hơn là xe tải, các thợ săn bão hiện đại này đang mở rộng ranh giới của nghiên cứu khí tượng, theo Interesting Engineering.

Câu chuyện săn bão bắt đầu năm 1956 với David Hoadley, người được xem như cha đẻ của ngành này. Không có gì ngoài chiếc xe Chevrolet Bel Air, dự báo vô tuyến và đôi mắt tinh tường, Hoadley đặt nền móng cho nhiều thế hệ tiếp theo. Ghi chép viết tay và cách tiếp cận thận trọng của ông trở thành cơ sở cho một cộng đồng lớn dần, ươm mầm cho sự ra đời của tạp chí Storm Track hoạt động từ năm 1977 đến năm 2002 và truyền cảm hứng cho những thợ săn bão.

Khi công nghệ ngày càng phát triển, công cụ phục vụ hoạt động này cũng trở nên tinh vi hơn. Thập niên 1970 chứng kiến loạt xe tải và xe van cải tiến của Phòng thí nghiệm bão mạnh quốc gia trang bị nhiều thiết bị khí tượng, cho phép thu thập dữ liệu linh động ở quy mô chưa từng thấy. Vào những năm 1990, độ phức tạp của thiết bị thời tiết đã tăng theo cấp số nhân, mở đường cho sự kết hợp giữa công nghệ và kỹ thuật phương tiện, giúp định hình lĩnh vực săn bão.

Một cột mốc chủ chốt diễn ra khi tiến sĩ ở Trung tâm nghiên cứu thời tiết khắc nghiệt giới thiệu "Doppler on Wheels", một cụm radar di động đặt trên xe tải. Sáng kiến này cho phép theo dõi nhanh chóng sự kiện thời tiết khắc nghiệt, cung cấp dữ liệu thời gian thực về lượng mưa, tốc độ gió và cấu trúc bão. Hoạt động săn bão tập trung vào quan sát và thu thập dữ liệu khoa học thiết yếu có thể cứu sống sinh mạng.

Năm 2003, nhà làm phim Sean Casey ra mắt Phương tiện đón đầu lốc xoáy (TIV), một chiếc Ford F-450 cải tiến được thiết kế để chịu điều kiện cực hạn của lốc xoáy trong khi ghi hình. Với lớp vỏ bọc thép dày tới 2,5 cm, kính chống đạn và hệ thống thủy lực giúp tăng độ cân bằng, TIV đại diện cho kỷ nguyên mới của phương tiện săn bão. Phiên bản kế nhiệm là TIV 2, xây dựng dựa trên bộ khung gầm Dodge Ram 3500, thậm chí còn tiến xa hơn, nặng 7.500 kg nhưng có thể đạt tốc độ hơn 160 km/h.

Không thua kém, nhà khí tượng học Reed Timmer cho ra đời dòng xe Dominator. Phiên bản mới nhất Dominator 3 là một kỳ quan công nghệ chế tạo trên bộ khung gầm Ford F340 Super Duty. Nặng hơn 4.500 kg, "pháo đài trên bánh xe" này có thể chịu sức gió lên tới 516,6 km/h và trang bị một loạt sáng kiến thiết kế để bảo vệ an toàn cho người trên xe trong điều kiện khắc nghiệt nhất. Dominator 3 có vỏ thép và polycarbonate dày 7,6 - 10 cm, kính chống đạn dày gần 4 cm, hệ thống thủy lực có thể hạ thấp phương tiện. Các thanh nhọn dài 20 cm có thể neo giữ phương tiện trong khi cửa kiểu cánh chim nặng 360 kg bảo vệ bên trên.

Điều khiến Dominator 3 khác biệt là chức năng kép: vừa là phương tiện săn bão vừa là phòng thí nghiệm khoa học di động. Trang bị máy đo gió, áp kế, nhiệt kế, ẩm kế, máy đo mưa, cảm biến điểm sương, cỗ xe có thể thu thập dữ liệu đa dạng về mọi mặt của cơn bão. Thông tin này được phân tích tại chỗ theo thời gian thực và chuyển tới các cơ sở nghiên cứu, góp phần cải tiến mô hình thời tiết và cảnh báo thời tiết khắc nghiệt.

Kết quả đo trên mặt đất mà phương tiện như Dominator 3 cung cấp trở thành một phần không thể thiếu đối với nghiên cứu khí tượng, bổ trợ cho dữ liệu thu thập bởi trạm khí tượng và vệ tinh. Thông qua tiếp xúc gần với lốc xoáy và bão mạnh, những phương tiện như vậy cung cấp hiểu biết không thể thu được qua quan sát từ xa.

Trang bị quan trọng nhất của Dominator 3 là máy phóng tên lửa. Hệ thống tiên tiến này được thiết kế để triển khai cảm biến "Dominator Skyfall" trực tiếp vào vòng xoáy của cơn lốc. Điều đó từng được cho là bất khả thi bởi bức tường không khí chìm xuống quanh cơn lốc. Tên lửa phóng qua hệ thống khai hỏa vận hành bằng tay, sử dụng thanh cân bằng để thiết lập đường bay. Chóp nhọn của nó giải phóng gói cảm biến trang bị dù ngay khi xuyên quan rào chắn bảo vệ cơn lốc. Cảm biến thu thập dữ liệu về áp suất, độ ẩm và gia tốc khi xoay tròn bên trong vòng xoáy, cung cấp hình ảnh chưa từng thấy về cơ chế hoạt động bên trong của loại bão cực mạnh này.

Khi các phương tiện săn bão ngày càng phát triển, chúng hứa hẹn đem lại hiểu biết khoa học vô giá. Dữ liệu thu thập bởi cỗ xe săn bão đang cải thiện dự đoán và phản ứng của con người đối với những sự kiện thời tiết khắc nghiệt, góp phần cứu sống vô số sinh mạng.

An Khang (Theo Interesting Engineering)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022