VNE-Bow-1717-1724211498.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m1ZaYjzwdl2rx6zQSYTuzw

Cầu vồng mặt trăng kép ở Colorado hôm 18/8. Ảnh: Aaron Watson

Cầu vồng mặt trăng cực hiếm thắp sáng bầu trời đêm phía trên nước Mỹ không lâu trước khi siêu trăng xanh nhô cao. Còn gọi là cầu vồng ban đêm, hiện tượng này được tạo ra tương tự cầu vồng thông thường nhưng khác biệt ở chỗ chúng xuất hiện khi ánh trăng thay vì ánh nắng phản chiếu và khúc xạ qua những giọt mưa. Nhưng chúng hiếm hơn nhiều do chỉ có thể nhìn thấy vào đêm trăng tròn, khi vệ tinh tự nhiên của Trái Đất sáng nhất trên bầu trời đêm, theo Live Science.

Ánh trăng quá mờ nhạt so với ánh sáng Mặt Trời đến mức cầu vồng thường có màu trắng do thụ thể nhận biết màu sắc trong mắt người không hoạt động tốt trong điều kiện ánh sáng yếu để phân biệt quang phổ của các màu, theo Cơ quan Khí tượng Anh. Tuy nhiên, Mặt Trăng sáng khác thường trong vài ngày qua trước siêu trăng xanh, nhờ đó cầu vồng này cũng có nhiều màu sắc sống động hơn.

Nhiếp ảnh gia thiên văn Aaron Watson nhìn thấy cầu vồng mặt trăng kép phía trên Paonia, Colorado, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 18/8, theo Spaceweather.com. "Cầu vồng rất rực rỡ thậm chí có thể quan sát bằng mắt thường và tồn tại thêm vài phút rồi chậm rãi tan biến", Watson chia sẻ. Một cầu vồng mặt trăng cũng được phát hiện cùng đêm ở phía trên hồ Keuka tại bang New York. Cầu vồng này không sáng bằng cầu vồng ở Colorado nhưng vẫn có nhiều dải màu đặc trưng khi chụp bằng camera.

Dù Mặt Trăng sẽ kém sáng hơn trong vài đêm tới, các chuyên gia cho biết cầu vồng mặt trăng vẫn có thể xuất hiện khi trời mưa, miễn là ánh trăng có thể khúc xạ qua giọt mưa. Ngoài ra, hiện tượng này chỉ có thể nhìn thấy khi nguồn sáng là Mặt Trăng nằm phía sau người quan sát. Màu sắc của cầu vồng có thể thấy rõ hơn trong ảnh chụp bởi máy ảnh có thể thu được màu sắc mờ ảo mà mắt người bỏ sót.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022