Mới đây, một hình ảnh được chia sẻ lên Facebook và một số nền tảng mạng xã hội như Twitter, Reddit… cho thấy trái bóng được sử dụng tại World Cup 2022 đang được cắm sạc pin trước khi trận đấu diễn ra.
Hình ảnh này đã gây sốt cộng đồng mạng và khiến nhiều người xôn xao khi họ lần đầu tiên nhìn thấy trái bóng trong môn thể thao vua cần phải cắm sạc. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một hình ảnh được chỉnh sửa và không có thật. Vậy sự thật đằng sau bức ảnh này là gì?
Hình ảnh những trái bóng tại World Cup 2022 đang được cắm sạc khiến dân mạng xôn xao (Ảnh: Reddit).
Trái bóng được sử dụng tại World Cup 2022 có tên gọi "Al Rihla" (có nghĩa là "cuộc hành trình" trong tiếng Ả Rập), do Adidas phát triển và sản xuất. Trái bóng này được tích hợp những công nghệ hiện đại, không chỉ cần bơm đầy hơi để sử dụng mà còn phải sạc đầy pin, như một thiết bị công nghệ thực sự.
Theo đó, trái bóng Al Rihla được tích hợp một cảm biến bên trong để đo các dữ liệu như tốc độ, hướng di chuyển. Cảm biến này cũng kết nối với hệ thống camera trên sân vận động, cho phép công nghệ VAR (Video hỗ trợ trọng tài) theo dõi bóng giúp bắt lỗi việt vị chính xác hơn.
Cảm biến này sử dụng pin để hoạt động, đó là lý do trái bóng Al Rihla cần phải được sạc đầy pin trước khi sử dụng cho các trận đấu. Khi sạc đầy, cảm biến có thể hoạt động liên tục trong 6 giờ hoặc kéo dài lên 18 ngày nếu không sử dụng.
Al Rihla là trái bóng đầu tiên được tích hợp công nghệ thông minh và sử dụng cho một kỳ World Cup (Ảnh: Reddit).
Cảm biến có kích thước nhỏ gọn, chỉ 14g, được gắn vào bên trong trái bóng nhờ công nghệ treo do Adidas phát triển, giúp cảm biến được giữ cố định ở trung tâm quả bóng mà không xê dịch khi chịu tác động mạnh từ bên ngoài. Điều này sẽ giúp cảm biến không làm ảnh hưởng đến cân nặng cũng như hướng di chuyển của quả bóng khi chuyền hoặc sút.
"Bất cứ khi nào quả bóng được đá, ném hoặc va chạm, cảm biến sẽ ghi lại các chuyển động và kết hợp với hệ thống camera trên sân để ghi lại mọi thông số", Maximilian Schmidt, đồng sáng lập và giám đốc điều hành KINEXON, nhà sản xuất cảm biến sử dụng trong quả bóng Al Rihla, cho biết.
Đáng chú ý, khi một quả bóng bị văng ra khỏi sân và một quả bóng mới được ném vào để thay thế, hệ thống ghi dữ liệu của KINEXON sẽ tự động chuyển sang theo dõi dữ liệu từ cảm biến của trái bóng mới mà không cần có sự can thiệp của con người, điều này sẽ không làm gián đoạn trận đấu.
Cảm biến bên trong trái bóng được giữ cố định để không làm ảnh hưởng đến hướng di chuyển (Ảnh: Twitter).
Cận cảnh công nghệ treo cảm biến của Adidas (Ảnh: Adidas).
Trái bóng được tích hợp cảm biến của KINEXON đã được thử nghiệm nghiêm ngặt tại một số giải đấu, bao gồm Cúp các Quốc gia Ả Rập 2021 và FIFA Club World Cup 2021, trước khi được chính thức áp dụng tại giải đấu lớn và quan trọng như World Cup 2022. Các cầu thủ đã không nhận ra bất kỳ sự khác biệt nào về trái bóng được tích hợp cảm biến của KINEXON.
"Công nghệ này là đỉnh cao của 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm và hợp tác giữa FIFA và các đối tác, nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất có thể cho các trọng tài, cầu thủ và người hâm mộ", Johannes Holzmuller, Giám đốc công nghệ và Đổi mới bóng đá tại FIFA, cho biết về trái bóng thông minh được sử dụng tại World Cup 2022.
Adidas cho biết những trái bóng với công nghệ kết nối thông minh sẽ không được thương mại hóa hoặc bán lẻ. Tuy nhiên, những người hâm mộ bóng đá vẫn có thể mua những bản sao của trái bóng Al Rihla, dĩ nhiên không được tích hợp cảm biến bên trong, với giá 160 USD (khoảng 4 triệu đồng).
Theo Federal/538