DSCF20772.jpg

“Với nhiều video chúng tôi phải làm mờ khi nhân vật hở chân, nếu không có thể bị bóp tương tác hoặc 'ăn gậy'”, ông Q.H., quản lý của 3 tài khoản TikTok mảng giải trí, công nghệ với tổng cộng hơn 10 triệu lượt theo dõi, chia sẻ với Zing.

Trong khi đó, TikTok Việt Nam vẫn cho phép lưu hành nhiều nội dung khoe da thịt, khiêu dâm, theo ghi nhận của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT). Các nội dung này tạo thành luồng nhiều gồm bài đăng, dưới các hashtag #vitamingai, #gaixinh, #adoptme.

Bí mật của TikTok

“Ăn gậy” là cách mô tả việc tài khoản bị TikTok cấm tương tác, đăng video hoặc cấm hoàn toàn mọi hoạt động trong một khoảng thời gian, nếu vi phạm các Tiêu chuẩn cộng đồng.

DSCF20742.jpg
TikTok công khai các Tiêu chuẩn cộng đồng, nhưng việc diễn giải nội dung và kiểm duyệt hoàn toàn do nền tảng quyết định. Ảnh: Hoàng Nam.

Giải thích việc nội dung hở ngực không bị cấm đăng, ông L.H. cho biết các nội dung này thường được đăng gắn với không gian bãi biển, bể bơi, do đó được TikTok cho phép hình ảnh “thiếu vải” hơn.

“Ranh giới giữa ‘ăn gậy’ hoặc không rất mong manh”, vị quản lý cho biết. Chủ sở hữu kênh cũng không được thông báo video như thế nào sẽ bị rơi vào diện hạn chế hiển thị do vi phạm, hay “bóp tương tác”, do đó phải cẩn trọng và tự theo dõi khi đăng tải.

337525776_538503005135333_512780875473581772_n_1_1.jpg

Nội dung cờ bạc có thể tránh hiển thị tiền mặt để được coi là trò chơi. Ảnh: Hoàng Nam.

“Về nguyên tắc, Tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok cấm một số nội dung, trong đó có hình ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục, hành động và thử thách nguy hiểm, tin giả, cờ bạc”, ông Võ Quốc Hưng, CGO công ty truyền thông Tonkin Media, nói với Zing.

“Nhưng việc kiểm soát hiện nay có vẻ khá lỏng lẻo và có nhiều lỗ hổng để các bên có thể lách được”, ông Quốc Hưng lưu ý. Ví dụ, các hình ảnh hở hang đặt trong bối cảnh bãi biển, bể bơi có thể được TikTok coi là nội dung phong cách sống, thay vì nội dung khỏa thân.

Giải thích các nội dung cờ bạc được nền tảng 12+ cho phép lan truyền, chuyên gia cho biết các video này nói đến “đánh đề”, “binh xập xám” nhưng đã cố tình không hiển thị tiền mặt hay việc ăn thua bằng tiền, do đó có thể được TikTok diễn giải là nội dung trò chơi, chưa phải cờ bạc.

Người dùng, nhà sáng tạo nội dung và cả cơ quan quản lý có thể tiếp cận bộ Tiêu chuẩn cộng đồng mà TikTok công khai. Nhưng trên thực tế, quy trình kiểm duyệt của nền tảng này như một hộp đen mà người dùng chỉ được biết đầu vào và đầu ra. Không ai được biết TikTok đánh giá nội dung video thế nào là “khỏa thân”, “cờ bạc” hay “nguy hiểm”, “tin giả”.

Mở “hộp đen” TikTok

Trong thông tin gửi đến báo chí ngày 12/4, TikTok cho biết quản lý nội dung trên nền tảng bằng cách “thiết lập Tiêu chuẩn cộng đồng nhằm khuyến khích người dùng sáng tạo những nội dung phù hợp với nền tảng” và “gỡ bỏ những nội dung vi phạm, đánh giá dựa trên hính sách, công nghệ và đội ngũ kiểm duyệt của nền tảng”.

Trong đó, công nghệ kiểm duyệt tự động hoạt động dựa trên nội dung video, từ khóa, hình ảnh, tiêu đề, mô tả và âm thanh. Đội ngũ kiểm duyệt sẽ bổ trợ cho các điểm yếu của công nghệ, phân biệt ngoại cảnh và sắc thái.

TikTok không giải thích cụ thể cách nền tảng diễn giải thế nào là nội dung khiêu dâm, cờ bạc hay tin giả, và vì sao những nội dung này vẫn lan truyền trên nền tảng.

“Tiêu chuẩn có, nhưng cách diễn giải và kiểm duyệt như thế nào thuộc về ‘chủ nhà’ - TikTok”, ông Quốc Hưng nhận định.

Giải thích nguyên nhân xuất hiện các nội dung rõ ràng vi phạm Tiêu chuẩn và khó có cách diễn giải nào khác, chẳng hạn như “kumanthong”, “tự mài răng ở nhà” hay tin giả về các lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, chuyên gia cho biết đây là hệ quả của quy trình kiểm duyệt lỏng lẻo.

Và dù bằng nguyên nhân nào, thì một loạt nội dung lan truyền trên TikTok vẫn bị cơ quan quản lý coi là vi phạm pháp luật tại Việt Nam.

sonr3454.jpg

Công kích cá nhân là một trong hàng loạt dạng nội dung lan truyền trên TikTok bị cơ quan chức năng ghi nhận là vi phạm pháp luật Việt Nam. Ảnh: MS.

“TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm chống phá Đảng, Nhà nước, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, cho biết tại họp báo của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 6/4.

Dạng nội dung này, cùng nội dung quảng cáo hàng giả, vi phạm bản quyền và xúc phạm cá nhân đều vi phạm Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Đây cũng là nguyên nhân nền tảng này sẽ bị kiểm tra toàn diện vào tháng 5 tới bởi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và Tổng cục Thuế. Trao đổi với Zing, đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết TikTok sẽ phải giải trình cách phân phối nội dung đến người dùng, cũng như lý do cho phép các “trend” độc hại và vi phạm pháp luật Việt Nam.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022