Kịch bản lừa đảo đe doạ lộ thông tin thẻ tín dụng

Ảnh minh họa: NLĐ
Anh N. (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ trên Người Lao Động về một vụ lừa đảo mà anh vừa gặp phải.
Cụ thể, anh N. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0948 247 544. Người gọi tự xưng là Lê Trọng Đạt, thuộc PC03 Công an quận Bình Thạnh, TP HCM và thông báo rằng anh N. đã để lộ thông tin thẻ tín dụng, dẫn đến việc bị liên đới trong một vụ án do một lãnh đạo ngân hàng thực hiện.
Để tăng tính thuyết phục, Đạt mô tả chi tiết ngoại hình của đối tượng và cảnh báo rằng không chỉ anh N. mà nhiều người tại TP HCM cũng đang gặp tình huống tương tự.
Trong suốt cuộc gọi, Đạt liên tục nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vụ việc, yêu cầu anh N. hợp tác để "làm rõ" và tránh bị xử lý hình sự.
Sau đó, người này hướng dẫn anh cung cấp số tài khoản ngân hàng để "kiểm tra giao dịch" và yêu cầu chuyển tiền để "xác minh tài chính".
Nghi ngờ lừa đảo, anh N. liên hệ tổng đài ngân hàng – nơi anh mở thẻ tín dụng, để xác minh. Phía ngân hàng khẳng định không cung cấp thông tin bảo mật khách hàng cho bất kỳ ai, trừ chính chủ tài khoản hoặc theo yêu cầu bằng văn bản từ cơ quan chức năng.
Đại diện ngân hàng cảnh báo khách hàng cần cảnh giác với các cuộc gọi giả danh, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản.
Theo anh N., thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, kết hợp đe dọa và thuyết phục để tạo tâm lý hoang mang. Anh khuyến cáo mọi người nên cảnh giác, đặc biệt với các cuộc gọi tự xưng cơ quan chức năng và yêu cầu cung cấp thông tin tài chính.
Nam sinh Yên Bái bị bố bạn học đánh trước cổng trường

Vụ việc xảy ra tại trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. (ảnh cắt từ clip).
Ngày 14/2, trao đổi trên Lao Động, ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch UBND xã Cảm Ân (huyện Yên Bình) xác nhận vụ việc xảy ra vào cuối giờ chiều ngày 12/2.
Lúc này, 2 nam sinh lớp 10 Trường THPT Cảm Ân do có mâu thuẫn nên đã ẩu đả ngoài khu vực cổng trường. Khi đến trường đón con và chứng kiến vụ việc, bố của 1 trong 2 nam sinh đã dùng mũ bảo hiểm đánh vào người, vào đầu học sinh còn lại.
"Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo UBND xã và lực lượng công an, nhà trường đã kiểm tra và tiến hành lập biên bản. Nam sinh bị đánh được gia đình đưa đi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Hiện, sức khỏe của em diễn tiến tốt, không có gì đáng ngại", ông Công nói.
Trao đổi với Lao Động, đại diện Công an xã Cảm Ân cho biết hai học sinh đều là người tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Hai bên gia đình cũng có quen biết nhau và đang tiến hành hòa giải.
"Tình hình sức khỏe của nam sinh bị đánh ổn định, kết quả chụp chiếu không bị làm sao và không bị thương tích, chiều nay được ra viện", lãnh đạo Công an xã Cảm Ân thông tin thêm.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 13/2, anh H.V.C. - phụ huynh của nam sinh bị đánh - đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo hành vi cố ý gây thương tích đối với người hành hung con mình.
Theo nội dung đơn tố giác, quá trình chứng kiến vụ đánh nhau, ông Đ. (bố nam sinh còn lại) không những không can ngăn mà còn có lời nói kích động như: "Đánh chết nó đi, tội đâu tao chịu…" và sau đó trực tiếp dùng mũ bảo hiểm lao vào đánh con của anh C đến vỡ mũ bảo hiểm.
Tin vui cho người lao động, 45 tuổi bắt đầu tham gia BHXH vẫn có lương hưu

Ảnh minh họa
Theo quy định của Luật BHXH 2024, từ 1/7 tới, người lao động đóng BHXH 15 năm sẽ được hưởng lương hưu thay vì phải đóng 20 năm như quy định hiện hành.
Luật BHXH 2024 tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội đóng đủ 15 năm để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần. Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Do giảm điều kiện thời gian đóng BHXH còn 15 năm nên tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu 45% theo Luật BHXH 2014 không còn phù hợp. Vì vậy, Luật BHXH 2024 quy định cách tính mức hưởng lương hưu mới.
Cụ thể, đối với lao động nữ, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Đối với lao động nam, mức lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá, đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm là một sự tiến bộ vì người lao động.
Việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu là giải pháp đem lại "lợi ích kép", chính sách này không chỉ góp phần ngăn làn sóng rút BHXH một lần mà còn giúp gia tăng số lượng người tham gia hệ thống BHXH.
Đặc biệt, với nhóm người lao động tham gia BHXH muộn (khoảng 45 - 47 tuổi mới tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH, cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.
Đề xuất miễn thuế hàng nhập qua sàn thương mại điện tử dưới 2 triệu đồng

Bộ Tài chính đề xuất hàng dưới 2 triệu đồng giao dịch qua sàn thương mại điện tử xuyên biên giới mới được miễn thuế.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, thông tin trên Tiền Phong.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong dự thảo là phần về kiểm tra, quản lý chuyên ngành, chính sách thuế đối với hàng xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.
Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế đối với hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử có trị giá từ 2 triệu đồng trở xuống. Tuy nhiên, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế không quá 96 triệu đồng/năm.
Trường hợp hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử vượt quá định mức miễn thuế thì phải nộp thuế đối với toàn bộ trị giá hàng nhập khẩu của đơn hàng phát sinh.
Đây cũng là nội dung mới so với quy định tại Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg (về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế). Trước đây, hàng hóa xuất nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử dưới 1 triệu đồng (tương đương 50 USD - thời điểm đó) mới được miễn thuế.
Theo Bộ Tài chính, quy định này nhằm thực hiện công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (công ước Kyoto) mà Việt Nam đã ký kết. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động thương mại quốc tế cũng đã có nhiều thay đổi, châu Âu đã xóa bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT) với các lô hàng từ 22 euro trở xuống.
Vương quốc Anh cũng bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống. Từ ngày 1/5/2024, Thái Lan cũng đã thu thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, không phân biệt giá trị.
Để đảm bảo thương mại công bằng, Việt Nam cũng thay đổi quy định về miễn thuế đối với hàng xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử. Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng dự thảo nghị định nhằm tạo hành lang pháp lý riêng, đầy đủ, rõ ràng, minh bạch về chính sách quản lý, thủ tục hải quan điện tử tạo thuận lợi cho tổ chức và cá nhân thực hiện xuất, nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử; đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiệu quả.
Bỏ 1 tỉ đồng mua đất nền, sau 2 năm lãi gấp đôi

Giá đất nền nhiều khu vực tăng mạnh trong 2 năm qua. Ảnh: Cao Nguyên
Đầu năm 2025, thị trường đất nền ghi nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc sau giai đoạn trầm lắng. Tại nhiều khu vực vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận, giá đất đã tăng đáng kể, một số nhà đầu tư "thắng lớn" nhờ xuống tiền từ lúc giá còn thấp.
Theo khảo sát của Lao Động, giá đất nền tại các khu vực vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tăng trung bình từ 50-100% sau hai năm.
Đơn cử, tại Đông Anh, đầu năm 2023, giá đất nền dao động từ 30-40 triệu đồng/m2, thì đến đầu năm 2025, mức giá này đã tăng lên 50-75 triệu đồng/m2 tùy khu vực.
Những vị trí đắc địa gần trục đường lớn, cầu Nhật Tân thậm chí có mức tăng cao hơn, với giá bán vượt 150 triệu đồng/m2.
Ở Hoài Đức, giá đất nền từ mức 18-25 triệu đồng/m2 nay đã lên tới 45-60 triệu đồng/m2, ghi nhận mức tăng trung bình 120% trong hai năm.
Tại Sóc Sơn, đất nền gần thị trấn hoặc sân bay Nội Bài cũng ghi nhận mức tăng mạnh. Nếu năm 2023, giá đất khu vực này dao động trong khoảng 15-18 triệu đồng/m2 thì đến đầu năm 2025 đã tăng lên 30-35 triệu đồng/m2, tức tăng hơn 100%. Những lô đất kinh doanh mặt đường gần sân bay thậm chí đã chạm mức 45-55 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với hai năm trước.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (một nhà đầu tư tại Hà Nội) chia sẻ, đầu năm 2023, anh quyết định xuống tiền mua một lô đất 50m2 tại Hoài Đức với giá 1 tỉ đồng. Khi đó, thị trường vẫn chưa thực sự sôi động, giao dịch diễn ra khá chậm. Tuy nhiên, với thông tin huyện này chuẩn bị lên quận cùng hàng loạt dự án hạ tầng lớn, giá đất đã tăng nhanh chóng. Đến nay, lô đất của anh Mạnh đã có giá khoảng 2 tỉ đồng, tương đương mức lợi nhuận gấp đôi chỉ sau hai năm.
Chị Lê Thu Hà (một nhà đầu tư tại Bắc Ninh) cũng ghi nhận mức lãi lớn từ đất nền. Chị cho biết, năm 2023, chị mua một lô đất 70m2 tại khu vực gần KCN Yên Phong với giá 1,2 tỉ đồng. Nhờ sự phát triển của khu công nghiệp và dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào, hiện giá trị lô đất này đã đạt 2,4 tỉ đồng, giúp chị đạt được mức lợi nhuận tốt.
Việc bỏ vốn đầu tư đất nền trong giai đoạn thị trường chưa quá nóng đã giúp nhiều nhà đầu tư gặt hái lợi nhuận lớn.
Nhận định về phân khúc đất nền, ông Lê Đình Chung - Thành viên Tổ công tác thị trường Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Vars) - cho rằng, từ tháng 4/2024 đến nay, đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá cục bộ, một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh cũng tăng 10-20% so với thời kỳ đáy.
Vị chuyên gia dự báo phải đến quý II/2025, thị trường đất nền mới thấy rõ sự tích cực. Vì vậy, người dân có nhu cầu mua đất nền thời điểm này cần xác định tầm nhìn đầu tư dài hạn, tránh đầu tư ồ ạt theo hiệu ứng đám đông, cần xác định thu hồi vốn trung hạn ít nhất từ 1-3 năm, thay vì đầu tư lướt sóng.

GĐXH – Cơ quan Công an mới bắt giữ đối tượng giả Công an gọi điện đe dọa nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

GĐXH - Đỗ Tuấn Anh mang súng vào nhà Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước, khống chế người giúp việc để cướp tài sản.