2024 là năm đầu tiên Tesla ghi nhận doanh số toàn cầu đi xuống, 1% so với 2023. Mức giảm này có thể không đáng kể với nhiều công ty khác, nhưng là dấu hiệu đáng chú ý khi hãng xe điện Mỹ đã tăng trưởng 38% và 40% hai năm trước.

Thực tế, giá cổ phiếu Tesla tăng mạnh suốt thập kỷ qua chủ yếu dựa trên kỳ vọng hãng tăng trưởng trong tương lai. Doanh số tiếp tục sụt giảm 16% trong tháng đầu năm nay so với tháng 12/2024.

Kinh doanh tại châu Âu của hãng cũng đi xuống, với doanh số ở Anh giảm gần 12% dù lượng đăng ký xe điện tại nước này tăng kỷ lục, theo New AutoMotive. Các thị trường khác giảm đậm hơn trong tháng qua, với doanh số đi lùi 63% tại Pháp, 44% ở Thụy Điển, Hà Lan và Na Uy lần lượt sụt 42% và 38%.

Xe hơi Tesla tiêu thụ kém hơn trong bối cảnh CEO Elon Musk dấn thân vào con đường chính trị, từ việc tài trợ cho hoạt động tranh cử của ông Donald Trump năm ngoái đến trở thành cố vấn cấp cao của Tổng thống.

Nhà Trắng mới đây tuyên bố Musk không có thẩm quyền ra quyết định tại Ban hiệu suất chính phủ (DOGE), nhưng việc tỷ phú này đồng tổ chức các cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục với ông Trump chứng minh tầm ảnh hưởng không nhỏ.

2025-02-11T214804Z-871611295-R-2391-8364-1739870246.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jMilDtKH0we64Gsvw5_N_Q

Elon Musk phát biểu tại Phòng Bầu Dục của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 11/2. Ảnh: Reuters

Việc doanh số bán của Tesle liên tục tụt dốc, theo giới phân tích phần nào do Musk tham gia sâu vào chính trị.

Tại Mỹ, dữ liệu từ S&P Global Mobility cho thấy mức độ trung thành của khách hàng với Tesla đang giảm, đặc biệt tại các "bang xanh" - nơi ủng hộ đảng Dân chủ. Theo đó, tỷ lệ khách hàng mua xe của hãng tại các bang này hạ 7% trong một năm, còn 65% vào quý IV/2024.

Ngược lại, tại các "bang đỏ", tức nơi do đảng Cộng hòa kiểm soát, con số này chỉ nhích nhẹ từ 47,6% lên 48,2%. Kết quả khảo sát khác của Morning Consult cũng chỉ ra tỷ lệ người Mỹ "không cân nhắc" mua Tesla tăng từ 27% vào 2024 lên gần 32% năm nay. Mức này tăng gần gấp đôi so với 4 năm trước.

Tương tự, tại châu Âu, các cuộc thăm dò cho thấy dư luận không còn ủng hộ CEO Elon Musk. Theo kết quả khảo sát cuối tháng trước của trang web đánh giá Electrifying, 59% chủ sở hữu ôtô điện tại Anh và những người có ý định mua cho biết ảnh hưởng của Musk ngăn họ chọn Tesla.

"Ảnh hưởng của Musk với thương hiệu ngày càng phân cực, khiến nhiều người mua phải tìm kiếm thương hiệu khác", Ginny Buckley, CEO Electrifying nói.

Thị trường Anh hiện có hơn 130 mẫu xe điện phổ thông, gấp hơn 5 lần so với 2020, giúp việc quay lưng với Tesla dễ dàng hơn. "Cạnh tranh chưa bao giờ khốc liệt đến vậy và hãng xe điện của Musk đã cảm nhận được áp lực", ông bình luận.

Tại Đức, tháng 1 doanh số hãng xe điện Mỹ giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ phú Musk bị chỉ trích vì công khai ủng hộ đảng cực hữu Alternative for Germany (AfD), gây ra phản ứng trái chiều trên thị trường.

Hay ở Thụy Điển, tỷ lệ khách hàng có quan điểm tích cực về Tesla giảm xuống còn 11% sau lễ nhậm chức của ông Trump. Ngược lại, tỷ lệ tiêu cực tăng từ 47% lên 63%.

Tuy nhiên, CNN cho rằng chưa thể khẳng định liệu các quan điểm chính trị gây tranh cãi của CEO Elon Musk có phải là nguyên nhân chính khiến doanh số Tesla đi xuống hay không.

Stephanie Valdez Streaty, Giám đốc phân tích ngành tại Cox Automotive nói "còn quá sớm để kết luận những tranh cãi xung quanh Elon Musk tác động đáng kể đến doanh số Tesla".

Các chuyên gia cho rằng yếu tố chính khiến kinh doanh của hãng xe Mỹ đi lùi không phải do yếu tố chính trị, mà bởi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. BYD - đối thủ lớn từ Trung Quốc - đã vượt Tesla về doanh số trong quý IV/2024, đồng thời đang giành thị phần tại châu Âu và Trung Quốc.

Các hãng phương Tây như GM, Ford và Volkswagen cũng liên tục ra mắt mẫu xe điện mới với giá cạnh tranh hơn. Trong khi, Tesla gần như không có thay đổi lớn với các dòng xe chính như Model 3, Model Y, Model S và Model X. Chiếc Cybertruck vừa ra mắt là dòng ôtô bán tải đắt đỏ và kén khách.

Giám đốc điều hành New AutoMotive Ben Nelmes cho rằng các vấn đề của Tesla phần nhiều do hãng không tung ra mẫu xe nào mới kể từ Model Y vào năm 2020. "Không phải do quan điểm của Musk hay những người lái xe Anh về ông, mà bởi hãng đã ngừng đổi mới sau Model Y", ông nói.

Bất chấp những tranh cãi xoay quanh Musk, giới phân tích nhận định yếu tố quan trọng nhất vẫn là giá cả và giá trị sản phẩm. "Đa số người mua xe sẽ ưu tiên giá, các tùy chọn và giá trị sản phẩm hơn là quan điểm chính trị của CEO", Ivan Drury, chuyên gia tại công ty dữ liệu ôtô Edmunds nhấn mạnh.

Tesla dường như cũng hiểu rõ vấn đề này. Tháng trước, công ty ra mắt phiên bản cải tiến của mẫu SUV Model Y tại Trung Quốc, nơi họ chịu áp lực ngày càng tăng từ cuộc chiến giá, ưu đãi tài chính của các đối thủ nội địa.

Đầu tháng 2, hãng còn đưa ra khoản trợ cấp bảo hiểm 8.000 nhân dân tệ cho tất cả xe Model 3. Chương trình này tiến hành song song việc gia hạn mức giảm giá 10.000 nhân dân tệ (1.372 USD) cho các khoản vay mẫu Model Y cũ và hỗ trợ lãi suất 0% trong 5 năm một số xe Model 3 và Model Y cũ.

Phiên An (theo CNN, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022