Miền Bắc còn mưa lớn nhiều nơi

a1-17260667899831694677037.jpg

Khu vực xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định chìm trong "biển nước" do ảnh hưởng từ bão số 3. Ảnh: Gia đình và Xã hội

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 12/9, khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, cục bộ có nơi trên 120mm.

Ngày và đêm 12/9, khu vực phía Đông Bắc Bộ, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình có mưa, mưa vừa và có nơi có giông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa giông và mưa lớn cục bộ ở Trung Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới. Từ khoảng 13/9, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng xảy ra một đợt mưa lớn.

Dự báo xa hơn, thời kỳ từ 12/9 đến 10/10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, cả nước tiếp tục có nhiều ngày mưa; trong đó xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Mùa mưa có khả năng xuất hiện tại khu vực miền Trung từ nửa cuối tháng 9.

Thời kỳ này, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ cao hơn 20-40% so với trung bình nhiều năm (TBNN); Bắc - Trung Trung Bộ, cao hơn từ 15-30%; Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, xấp xỉ trên so với TBNN; riêng tại Phan Rang - Phan Thiết và miền Tây Nam Bộ, tổng lượng mưa xấp xỉ dưới so với TBNN.

Đáng lưu ý, trong thời kỳ dự báo, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ (TBNN trên biển Đông: 2,3 cơn; TBNN đổ bộ: 1,1 cơn).

Riêng về nắng nóng, thời kỳ 12/9-10/10, vẫn có khả năng xuất hiện cục bộ ở khu vực Trung Bộ.

Cơ quan khí tượng nhấn mạnh, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam, giông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa lớn, giông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Lào Cai lại xảy ra sạt lở khiến 6 người trong 1 gia đình ở Lào Cai bị vùi lấp

a2-17260667899941550454604.jpg

Lực lượng chức năng đang tìm kiếm thi thể ông Giàng Seo Dần bị vùi lấp. Ảnh: NLĐ

Theo Người lao động, một vạt đồi ta-luy dương Quốc lộ 279 ở huyện Bảo Yên (Lào Cai) bất ngờ sạt lở đổ xuống vùi lấp một gia đình phía ta-luy âm khiến 6 người gặp nạn, 3 người được xác định đã tử vong.

Chiều 11/9, ông Đặng Văn Thắng, Bí thư chi bộ thôn Muối 3, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, cho biết công tác tìm kiếm nạn nhân cuối cùng mắc kẹt trong ngôi nhà sập có 6 người gặp nạn vào chiều 10/9 tại thôn vẫn đang được tìm kiếm, Quốc lộ 279 qua đoạn đường này vẫn chưa thể thông xe.

Theo ông Thắng, vụ sạt lở đất vùi lấp gia đình ông Giàng Seo Dần và Giàng Thị Hồ xảy ra vào lúc 15 giờ ngày 10/9. Thời điểm này, gia đình ông có 6 người, 2 người may mắn thoát được ra ngoài, lực lượng chức năng cứu được 2 người ra ngoài nhưng một cháu bé đã tử vong.

Cũng theo ông Thắng, mưa lớn những ngày qua khiến núi phía ta-tuy dương Quốc lộ 279 qua thôn Muối 3 xuất hiện vệt nứt, lực lượng chức năng đã kịp di dời 8 hộ gia đình khác phía ta-luy âm đến nơi an toàn. Riêng gia đình ông Dần chưa kịp di dời thì gặp nạn.

Hà Nam và Nam Định sơ tán hàng nghìn hộ dân tránh lũ

Chiều ngày 11/9, mực nước trên sông Đáy tại Trạm thủy văn Phủ Lý là 5,05m, trên báo động 3 là 105cm. Đến 19h cùng ngày, lũ trên sông Đáy dự báo sẽ vượt báo động 3 là 110cm, trên trận lũ lịch sử 17cm.

Được biết, tổng số hộ dân bị ngập lụt tại Hà Nam do lũ trên sông Đáy, sông Châu Giang, sông Hồng dâng cao là 6.387 hộ dân. Các lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam đã khẩn trương triển khai di dời, sơ tán 1.344 hộ dân đến khu vực an toàn.

Các hộ dân chưa di dời đều ở khu vực phía trong đê bối, theo diễn biến lũ các địa phương sẽ chủ động triển khai phương án di dời. Tại các địa điểm sơ tán, đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết.

a5-17260667900672110577365.jpg

Lực lượng chức năng hỗ trợ hơn 1.400 người dân tại phường Cửa Nam (TP Nam Định). Ảnh: Vietnamnet

UBND tỉnh Hà Nam ban hành văn bản chỉ đạo về việc tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các công tác khắc phục; Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.

Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, rà soát, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, gia cố hệ thống công trình thủy lợi, đê điều; chỉ đạo các lực lượng trực 24/24 giờ, nhất là các vị trí xung yếu, các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Tại Nam Định, trước diễn biến lũ phức tạp trên các tuyến sông, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương vận động, hỗ trợ di dời hàng nghìn người dân ven đê bối đến nơi tránh trú an toàn.

Trao đổi trên Vietnamnet, Chủ tịch UBND TP Nam Định (tỉnh Nam Định) Nguyễn Tiến Dũng cho biết, trên toàn TP đã di dời hơn 8.000 người dân về điểm an toàn.

Tại địa bàn phường Cửa Nam (TP Nam Định), trước tình trạng lũ báo động 3, lực lượng chức năng đã tổ chức di dời toàn bộ hộ dân vùng xung yếu ra khỏi nơi nguy hiểm.

Chủ tịch UBND phường Cửa Nam Đỗ Thị Tuyết cho biết: Trên địa bàn có tuyến đê dài hơn 2km, trước tình hình lũ báo động 3, đã kịp thời triển khai công tác di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

"Sau khi di dời các hộ dân, phường đã lập 3 chốt an ninh, căng dây cảnh báo tại 3 tổ dân phố để ngăn người dân quay trở lại địa bàn úng lụt", bà Tuyết cho biết.

Trực thăng quân sự cất cánh trong mưa lớn chuyển hàng cứu trợ tới vùng lũ

a3-17260667900161953550520.jpg

Bộ Quốc phòng đã lệnh cho máy bay của Công ty Trực thăng Miền Bắc tham gia vận chuyển hàng hóa cứu trợ vùng lũ. Ảnh: Cục Tuyên huấn

Được lệnh của Bộ Quốc phòng, lúc 13 giờ 4 phút ngày 11/9, máy bay EC-155B1 số hiệu VN-8621 của Công ty Trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18 (Bộ Quốc phòng) đã cất cánh từ sân bay Gia Lâm, vận chuyển hàng hóa cứu trợ gồm nước uống, lương khô, sữa, mì ăn liền...

Máy bay cất cánh thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện mưa to, thời tiết diễn biến phức tạp.

Máy bay hạ cánh xuống huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng lúc 14 giờ 8 phút cùng ngày. Tổ bay bàn giao toàn bộ vật chất tới Ban Chỉ huy quân sự huyện Nguyên Bình để phục vụ công tác tiếp tế cho bà con đang chịu hậu quả của mưa lũ.

Sau đó, máy bay VN-8621 đã cất cánh từ huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng về sân bay Gia Lâm lúc 15 giờ 25 phút, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Tổ bay gồm Trung tá phi công Lê Hải Đăng, Phó Giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc, lái chính; Đại úy Hoàng Anh Đức, lái phụ; và Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp Ngô Tiến Dũng, cơ giới trên không.

Trước đó, ngày 9/9, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có Công điện số 3923 gửi các đơn vị về việc tập trung khắc phục hậu quả sự cố sập nhịp cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tại các tỉnh miền núi trung du Bắc Bộ do mưa, lũ gây ra.

Công điện nêu rõ, Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh đoàn 18 chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Chợ Hà Nội: Giá rau xanh tăng gấp 2-3 lần

a4-1726066790046719420425.png

Các loại rau ở chợ Hà Nội tăng giá mạnh sau bão Yagi. Ảnh: Tâm An

Theo Vietnamnet, tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) ngày 11/9, rau muống từ 10.000 đồng/mớ nay tăng lên 22.000 đồng/mớ, mồng tơi tăng lên 17.000 đồng/mớ trong khi ngày thường chỉ 5.000-6.000 đồng, rau ngót 15.000 đồng/mớ, cải ngọt và cải chíp giá 35.000 đồng/kg, tức tăng 10.000 đồng/kg…

Tại các sạp hàng, rau ăn lá không có nhiều, chủ yếu là các loại rau ăn củ, quả. Tuy nhiên, giá các loại rau này cũng tăng thêm 10.000-15.000 đồng/kg. Đơn cử, dưa chuột tăng 15.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg; củ cải trắng có giá 35.000 đồng/kg; bắp cải giá 30.000 đồng/kg; khoai tây 40.000 đồng/kg; bí đao tăng gấp đôi lên 35.000 đồng/kg; cà chua giá 45.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg…

Tại chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngày 11/9, các mặt hàng rau xanh cũng tăng mạnh. Trong đó, rau muống, mồng tơi đắt gấp đôi so với thời điểm trước bão số 3, lên mức 15.000 đồng/mớ, rau ngót 20.000 đồng/mớ, cải thảo 35.000 đồng/kg…

Tiểu thương tại chợ này cho biết, rau xanh ăn lá loại nào cũng khan hiếm. Hiện nay mưa lũ khắp nơi, dự báo giá còn tăng mạnh hơn nữa vì mưa ngập kéo dài, rau màu sẽ thối hỏng hết. Nhiều loại rau mới hơn 7 giờ sáng đã "cháy hàng". Những mớ rau bị dập hỏng nhẹ ngày thường thì vứt bỏ, nay cũng được khách mua "sạch bách".

Ngoài mặt hàng rau, thịt lợn ở chợ giá cũng tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg, lên 110.000-170.000 đồng/kg tuỳ loại.

"Hai ngày hôm trước còn không có thịt để bán. Nay nguồn thịt có nhiều hơn nhưng vận chuyển khó khăn do mưa ngập khắp nơi nên giá cũng được điều chỉnh tăng hơn ngày thường", tiểu thương tại chợ Đại Từ chia sẻ thêm.

Tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung rau vẫn ổn định, giá gần như không tăng so với ngày thường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi mưa lũ, chuỗi cung ứng rau xanh ở các tỉnh phía Bắc bị đứt gãy, các hệ thống siêu thị phải vận chuyển hàng từ trong Nam ra bổ sung gấp, tránh tình trạng khan hiếm giá tăng.

anh-3-17260643422451037539811-0-0-600-960-crop-1726064348470574586506.jpgHà Nam: Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra

GĐXH - Các địa phương đã di dời hơn 640/2.795 hộ dân cần di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tại các địa điểm sơ tán, đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cho sinh hoạt của các hộ dân tránh lũ.

z582079193192825d27b349988d3722c00968faf2ded1e-17260591089211007978048-0-0-1440-2304-crop-1726061733668170975990.jpgHình ảnh từ trên cao loạt nhà dân ở Nam Định bị ngập trong nước

GĐXH - Do ảnh hưởng bão số 3, mưa lớn kéo dài nước các sông lớn ở Nam Định dâng cao, hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Nam Định ngập trong nước và phải di dời đến nơi an toàn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022