Quảng Bình hiện có hơn 590.000 ha rừng, trong đó khoảng 469.000ha rừng tự nhiên. Tỷ lệ che phủ rừng 68,70%, chất lượng rừng khá tốt với trữ lượng trên 50 triệu m3. Diện tích rừng tự nhiên này được giao cho ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, UBND cấp xã quản lý, bảo vệ.
Quảng Bình hiện có hơn 590.000ha rừng, trong đó khoảng 469.000ha rừng tự nhiên.
Xác định tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực mua bán tín chỉ carbon rừng, Quảng Bình sớm đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia dự án "Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam". Dự án do Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ (REDD+ là sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng carbon rừng).
Giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Bình được phân bổ từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên hơn 235 tỷ đồng. Đến nay, quỹ bảo vệ, quản lý rừng đã thực hiện chi trả số tiền 68 tỷ đồng cho các đối tượng được hưởng lợi với số tiền bình quân hơn 170 nghìn đồng/ha.
Diện tích rừng tự nhiên tại Quảng Bình chủ yếu được giao cho ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng và các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình, cá nhân... quản lý, bảo vệ.
Ông Đỗ Minh Cừ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh cho biết, đơn vị đang quản lý, bảo vệ trên 52.000ha rừng. Năm 2023, đơn vị được chi trả 8,2 tỷ đồng tiền bán tín chỉ carbon.
"Số tiền này sẽ chi cho hoạt động mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, hỗ trợ xăng dầu cho xe, thuyền khi tuần tra truy quét, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Số còn lại sẽ hỗ trợ cho người dân trên địa bàn tham gia bảo vệ rừng và xây dựng các mô hình sinh kế", ông Cừ chia sẻ.
Hiện, bản Phú Minh, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đang quản lý, bảo vệ trên 720ha rừng. Khu rừng này hiện có nhiều loại gỗ quý với trữ lượng lớn. Trước đây, bà con bảo tham gia bảo vệ rừng được hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm. Cộng đồng dân bản vui mừng khi được nhận thêm mỗi ha rừng hơn 170 nghìn đồng/năm từ tiền bán tín chỉ carbon.
Tiền thu từ việc bán tín chỉ carbon sẽ phục vụ mua sắm trang thiết bị, phương tiện cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.
"Có thêm nguồn hỗ trợ, tôi và bà con dân bản rất vui nên phải có trách nhiệm với rừng hơn. Dù có khó khăn, vất vả bao nhiêu mọi người quyết tâm bảo vệ rừng", ông Thái Xuân Hồng, Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng bản Phú Minh chia sẻ.
Các nguồn hỗ trợ và từ bán tín chỉ carbon sẽ góp phần giảm áp lực về công tác bảo vệ rừng cho lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng, giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến rừng.
Lực lượng bảo vệ rừng và người dân được giao rừng vui mừng khi có thêm kinh phí phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.
"Quảng Bình sẽ mở rộng đối tượng rừng, đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao trữ lượng carbon rừng. Cùng với đó tổ chức các cuộc họp để tham vấn về các kết quả và đề xuất hoạt động nhằm phát triển dự án tín chỉ carbon rừng", Nguyễn Văn Duẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết.
Từ việc thí điểm chuyển nhượng tín chỉ carbon, cơ quan chức năng của Việt Nam đã chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung bộ cho IBRD với giá khoảng 5 USD/tấn. Qua đó, Quỹ BV-PTR Trung ương là đơn vị đại diện được nhận 51,5 triệu USD. Sau khi trích khoảng 1,8 triệu USD tiền quản lý phí và các khoản chi hợp lệ khác, 49,7 triệu USD còn lại được Quỹ BV-PTR Trung ương điều phối cho các tỉnh trong khu vực theo quy định.
GiadinhNet - Hơn 500 năm từ ngày cụ tổ dẫn dân về lập làng, rừng trâm bầu đã che chở cho bao thế hệ người làng Thanh Bình. Đáp lại, người làng Thanh Bình thay nhau bảo vệ hơn 150ha trâm bầu qua bao đời nay.