Mẹ không hay biết con gái bị bạn trai đánh trong 2 năm cho đến khi mang thai

Nhung gặp bạn trai trong câu lạc bộ bóng rổ ở trường đại học. Ngoại hình cao lớn, vạm vỡ nổi bật của bạn trai thu hút cô. Nhung chủ động làm quen, cả hai nhanh chóng tiến tới hẹn hò. Họ thuê nhà ở chung sau 3 tháng công khai tình cảm với bạn bè.

Ở chung được khoảng hai tuần, Nhung bị bạn trai tát, đấm vào mặt lần đầu tiên. Lý do là Nhung muốn đi ăn hàng trong khi bạn trai muốn nấu ăn tại nhà. Cả hai cãi vã và xô xát. Đánh Nhung xong, bạn trai bỏ đi.

Nhung hoang mang, sợ hãi, giận bạn trai nhưng lại tự trách mình lười việc bếp núc khiến bạn trai không hài lòng. Tối hôm đó, bạn trai trở về, ôm Nhung xin lỗi nhưng không quên trách móc cô lười biếng, bừa bộn, khiến anh ức chế mà không kìm được cơn giận.

len-ha-noi-hoc-nu-sinh-vien-bi-nguoi-yeu-bao-hanh-2-nam-moi-dam-ke-voi-me-1-edited-1711852261330-1711870604279-17118706047291348483555.jpeg

Cô gái bị bạn trai đánh trong thang máy chung cư tại TPHCM (Ảnh cắt từ clip).

Trong 2 năm tiếp theo, Nhung không nhớ được mình bị đánh bao nhiêu lần. Một lần Nhung bị bạn trai tát, bóp cổ ngay giữa phố. Nhiều người chứng kiến nhưng thấy bạn trai Nhung cao lớn, hung hãn, không ai dám vào can.

Theo yêu cầu của bạn trai, cô không được kết bạn với bất kỳ ai có giới tính nam trên mạng xã hội. Nhung cũng không kết thân với bạn bè ở trường đại học, bạn cũ chỉ thi thoảng hỏi thăm. Đi học về là Nhung ở nhà, muốn đi đâu đều phải có bạn trai đi cùng mới được đi.

Mỗi lần Nhung đòi chia tay, cô sẽ bị bạn trai đánh và dọa giết. Nhung không dám kể với bố mẹ vì sợ lộ chuyện sống chung với bạn trai.

Năm thứ hai đại học, Nhung mang thai. Bạn trai dẫn Nhung đi phá thai nhưng thai nhi lúc này đã 4 tháng, bệnh viện từ chối làm thủ thuật. Bác sĩ khuyên cặp đôi nên giữ lại để sinh con. Bạn trai Nhung không đồng ý và bỏ đi suốt 1 tuần không về.

Không biết phải giải quyết cái thai ra sao, Nhung bắt xe về quê nói thật với bố mẹ. Khi đó bố mẹ Nhung mới biết suốt 2 năm qua con gái đã bị bạn trai bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần.

Ban đầu, bố Nhung có ý định sang nhà bạn trai con để yêu cầu họ có trách nhiệm cưới hỏi. Song mẹ Nhung phản đối quyết liệt, vì nếu cưới, Nhung sẽ bị đánh cả cuộc đời. Bà chấp nhận để Nhung làm mẹ đơn thân ở tuổi 21, tiếp tục việc học, cắt đứt hoàn toàn quan hệ với bạn trai.

Bà cũng lên Hà Nội sống cùng con gái để chăm cháu và bảo vệ con không bị bạn trai cũ làm phiền.

Nhung tâm sự, việc mang thai ngoài ý muốn cuối cùng lại là cơ hội để cô thoát khỏi mối quan hệ bị bạo hành. Nếu như bạn trai không chủ động "quất ngựa truy phong", chối bỏ trách nhiệm làm cha, Nhung có lẽ vẫn đang luẩn quẩn trong tình yêu độc hại của mình mà không dám kể với ai.

Lê Thị Thanh Thúy (SN 2003, Thái Bình) đang học năm thứ ba ngành marketing cũng từng trải qua một năm yêu trong bạo hành.

Gia đình Thúy có điều kiện kinh tế, cô được bố mẹ mua cho một căn chung cư tại Hà Nội. Tuy nhiên, bố mẹ Thúy không biết con gái lén đưa bạn trai về sống chung. Mỗi lần bố mẹ lên thăm, bạn trai Thúy phải dọn đồ sang nhà bạn ở nhờ.

Thúy bị đánh lần đầu tiên trong một lần cô giục bạn trai dọn đồ đi gấp vì bố mẹ đang lên Hà Nội. Cô bị đánh thêm 6, 7 lần nữa vì những lý do vụn vặt khác như đi học về muộn, nói chuyện trên mạng với người mà bạn trai không thích, quên không mua hành lá về nấu bữa tối…

Mỗi lần bị đánh, Thúy đòi chia tay, bạn trai Thúy lại xin lỗi, hứa sẽ thay đổi và chiều chuộng Thúy hơn. Tuy nhiên, chiều chuộng hơn cũng đồng nghĩa với việc Thúy bị đánh đau hơn.

Bố mẹ Thúy phát hiện ra chuyện con gái bị bạn trai đánh và bắt cô phải chấm dứt quan hệ. Tuy nhiên, chỉ đôi ba tuần, Thúy lại lén lút quay lại với bạn trai và không tâm sự với những bạn bè khuyên cô bỏ người yêu nữa.

Mới đây nhất, Thúy đã chia tay được 3 tháng. Lần này, bố mẹ Thúy tìm bác sĩ tâm lý tư vấn cho con gái để Thúy nhận ra vấn đề và không lặp lại sai lầm cũ.

Nữ sinh cần xây dựng mối quan hệ ấm áp ngoài tình yêu để tránh bị bạo hành

Nhà tham vấn tâm lý Trần Thị Huyền Trang nhận định, ở ngoài nhìn vào, chúng ta dễ dàng cho rằng hai nữ sinh nói trên là kẻ dại khờ, mù quáng khi họ liên tục bị bạo hành và không dứt bỏ kẻ bạo hành. Nhưng thực chất họ là nạn nhân đang nằm trong vòng tròn bạo lực.

11593030035122932088150665533572468937365984n-edited-1711773042866-1711870605601-1711870605763645625911.jpeg

Nhà tham vấn tâm lý Trần Thị Huyền Trang (Ảnh: NVCC).

"Bạo lực trong tình yêu hoặc trong gia đình mang tính chất chu kỳ. Đầu tiên bạo lực có thể bắt đầu bằng những lời dọa dẫm, đe nẹt, sau đó diễn biến đến mức cao hơn là hành vi bạo lực như bạo hành thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế.

Sau khi có hành vi bạo lực, kẻ bạo hành thường tỏ ra ân hận, hối lỗi, có thể tặng quà và hứa hẹn thay đổi. Giai đoạn này gọi là "tuần trăng mật". Người phụ nữ sẽ tha thứ và nuôi hy vọng người đàn ông thay đổi, nhưng sau đó, bạo lực tái lặp.

Cứ như vậy, nạn nhân sẽ loanh quanh trong vòng bạo lực, với tuần trăng mật dần ngắn lại và bạo lực diễn biến ở mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Điều trớ trêu là trong mối quan hệ bạo lực, kẻ bạo hành thường có vẻ "đáng tin" hơn. Điều này được củng cố hơn bởi việc đổ lỗi cho nạn nhân, kiểu đặt nghi vấn chắc phải làm gì mới bị đánh. Cùng với tâm lý dĩ hòa vi quý của số đông, kẻ bạo hành tự tin về việc mình được bảo vệ", bà Trang phân tích.

Bà Trang cũng cho hay, có nhiều lý do khiến nạn nhân không dám thoát ra khỏi mối quan hệ bạo hành. Một trong số đó là nỗi sợ. Họ sợ xấu hổ, sợ gia đình đau khổ, sợ bị làm hại…

Kẻ bạo hành có thể là những người giỏi "thao túng tâm lý" nạn nhân, khiến nạn nhân luôn sống trong niềm tin rằng mình mới là kẻ có lỗi, có thiếu sót và cần thay đổi.

Lòng tự trọng thấp cũng là đặc điểm thường thấy ở các nạn nhân của tình yêu bạo hành.

Ngoài ra, nạn nhân thường bị cô lập, "bẻ gãy" các mối quan hệ lành mạnh, ấm áp khác và gia tăng sự phụ thuộc vào kẻ bạo hành.

Họ bị suy giảm niềm tin rằng mình có thể được hỗ trợ thoát ra khỏi mối quan hệ độc hại, do ảnh hưởng của kẻ bạo hành quá lớn. Hoặc họ không tin rằng mình có thể sống tiếp yên ổn sau chia tay.

"Và cuối cùng, nạn nhân dường như luôn hy vọng rằng kẻ bạo hành sẽ thay đổi, bất chấp việc mối quan hệ bạo hành khiến họ khổ đau. Chỉ khi được hỗ trợ hoặc nỗ lực phá vỡ một trong những mắt xích của chu kỳ bạo lực này, nạn nhân mới có thể vượt qua", bà Trang nói.

Nhà tham vấn tâm lý đưa ra lời khuyên với các nữ sinh đi học xa nhà: "Các bạn nữ trẻ cần xây dựng hệ thống các mối quan hệ ấm áp, lành mạnh ngoài tình yêu, ví dụ như duy trì tình cảm với gia đình, bạn bè, câu lạc bộ, hội nhóm... để tình yêu không phải là mối quan hệ chất lượng duy nhất.

Điều quan trọng là cần xây dựng lòng tự trắc ẩn với bản thân, hiểu được giá trị của bản thân, yêu thương bản thân, để không ngầm cho phép việc bị chà đạp hoặc trả giá trong tình yêu. Chỉ khi đó, các bạn mới thoát khỏi những bẫy thao túng kiểu "nếu yêu anh thật lòng thì em sẽ phải...", "làm gì có ai tốt với em hơn anh...".

Lòng tự trắc ẩn với bản thân được xây dựng trên nền tảng gia đình gốc yêu thương, thấu hiểu và có gắn bó lành mạnh cũng như quá trình sống, giao tiếp xã hội của mỗi cá nhân. Nó sẽ giúp các cô gái trẻ có sự vững vàng, tự tin nhìn ra cảnh báo đỏ từ phía người yêu và giúp họ tìm thấy một tình yêu lành mạnh, an toàn".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022