“Con ơi, mẹ xin lỗi con, là lỗi của mẹ!”
Đã vài giờ trôi qua, tiếng khóc nấc nghẹn của em Và Y Dở như vẫn còn văng văng ngay đây, nơi trái tim chúng tôi - những người chứng kiến tận mắt một người mẹ vật vã trong nỗi đau mất con. Và Y Dở tự trách bản thân mình, lấy bản thân ra để đổ lỗi cho cái chết của con, chúng tôi thấy rõ điều đó trong ánh mắt trong trẻo tuổi 19 nhưng giờ phút này đang dại đi.
“Chắc là con không muốn ở với em, em còn chưa kịp bế con lần cuối, con chưa kịp bú sữa no”, nước mắt lăn dài trên má Và Y Dở là những giọt nước mắt hiếm hoi gia đình nhìn thấy được. Thấy cháu dâu vừa nức nở, chú của em Và Y Dở cũng thất thần theo.
“Hắn cứ như người mất hồn, không biết gì cả, khóc cũng chẳng nổi”.
Chồng Dở là Mùa Xuân Tình (21 tuổi), cả 2 vừa chào đón bé đầu lòng hồi tháng 6. Vì hoàn cảnh, vì khoảng cách xa xôi mà Dở cũng chưa có dịp đưa con về thăm ông bà ngoại.
Làm mẹ ở tuổi 19, nỗi đau mất con với Và Y Dở là quá sức chịu đựng
"Em không nghĩ gì ngoài con, con ở trong đầu em, tiếng cười của con em nghe được ngay bây giờ. Em chợp mắt em cũng nhìn thấy con, thấy rất nhiều lần. Đến khi thức dậy, em hỏi bản thân mình sao lúc đấy em không bế con, bên ngoại và bên nội cũng hỏi em: "Vì sao em không bế con em đi?". Nhưng lúc ấy em rối lắm".
"Con ngoan lắm, hai mẹ con rất quấn nhau, ngày thường em không để con khóc lâu, cứ sụt sùi một tí em đã bế trên tay nhưng không hiểu vì sao ngày hôm ấy em không bế rất lâu, con xa mẹ lâu cũng không khóc, không quấy gì", Dở mếu máo kể với chúng tôi.
"Em chỉ có 200 trong túi, em để dành cho con, mua váy 100 hay 200 nghìn em không tiếc gì cả, em mua cả. Em vừa mua váy trắng thêu hoa để ra Tết con mặc, nhưng bé chưa kịp mặc mà".
Lần duy nhất kể từ khi con mất, người mẹ trẻ khoe chiếc váy trắng tinh với người ngoài, chiếc váy là món quà Dở chạy lên thị trấn mua cho con. Dù không có nhiều tiền nhưng vẫn dứt khoát không tiếc một đồng nào, dự định khi đến Tết con có thể mặc lên như một cô "công chúa nhỏ".
Dở bên chiếc váy trắng mua cho con gái xấu số
Nghe tiếng nhà rung, tiếng la hét của bà con đang thay nhau tháo chạy trên bản, Dở đang phụ việc ở xóm trên mới biết có lũ quét nhưng đến khi chứng kiến tận mắt dòng nước đục màu bùn đất, những hòn đá lớn bán kính chừng nửa mét và cây cối, tre rừng thay nhau tràn xuống chân mình, quét sạch nhà cửa, đồ đạc, chạy về không thấy nhà mình đâu. Dở mới hoảng hốt hét lên: "Em bé, em bé đâu rồi? Ai bồng em bé".
Nghĩ lại, Dở nói đó là lần duy nhất từ khi chào đời, em rời vòng tay con mình trong suốt 2 giờ đồng hồ. Lần cuối cùng được ôm con, Dở còn chưa kịp cho con bú no.
Nghe tiếng la thất thanh của Dở, cả nhà vừa chạy vừa thay nhau tìm kiếm. Đứa bé thời điểm lúc bấy giờ được em Mùa Chí Mùa (sinh năm 2012, em chồng của Dở, chú của em bé xấu số) bế trên tay. Cả hai bị mắc kẹt lại một con dốc.
Mùa Chí Mùa (sinh năm 2012, là chú của em bé 4 tháng tuổi bị lũ cuốn) cho biết, cả mình và cháu khi ấy đều bị cuốn nhưng Mùa không giữ nổi cháu vì dòng nước quá siết.
Mặc dù chỉ vừa 10 tuổi nhưng Mùa đã rất hiểu chuyện, mỗi khi nhìn thấy chị dâu khóc hay ai nhắc đến em bé, Mùa thở dài rồi cũng khóc theo.
"Lúc đó em đang bế em bé trong nhà, nghe tiếng nước với đá đấm vào cửa. Bố nói là lũ đến, chạy đi, thì em bế em bé chạy, nhưng chạy không kịp, lũ cuốn em với em bé xuống dốc. Em tưởng em chết rồi nhưng lúc bị cuốn vào một thanh sắt chắn ngang bụng, đau quá em thả em bé ra rồi trèo lên tường".
Trên người đầy vết thương do lũ cuốn, Mùa bần thần kể thời khắc mình và cháu gái bị quét đi, tưởng như không thể sống. Và dù trải qua cơn kinh hoàng kia nhưng thứ ám ảnh cậu bé 10 tuổi nhất vẫn là khoảnh khắc không giữ được cháu 4 tháng tuổi.
"Lúc tìm được em bé, ngón tay của em bé sắp đứt lìa ra. Mặt em bé dính nhiều bùn đất. Họ bế em bé lên rồi nói em bé không còn sống nữa", Mùa kể lại.
Mùa chỉ chúng tôi đi đến chỗ cháu gái bị lũ cuốn và mắc kẹt lại. Em đồng thời cũng tả lại thời điểm có một thanh sắt chắn ngang bụng mình. Chỉ có thể miêu tả một rằng: "Nó đau đớn và khủng khiếp".
Toàn thể người dân Sơn Hà đều nhớ và ám ảnh cảnh đất, đá hoà trong dòng nước lũ, thi nhau cuốn sạch bản làng trong vòng vài giờ đồng hồ, tài sản suốt mấy năm tích cóp không còn lại một thứ gì ngoài sự mất mát và nỗi đau.
Sườn dốc nơi cháu bé bị lũ cuốn