Phùng Thị Thúy (SN 2004) sinh ra và lớn lên tại thôn Nậm Giang 2, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Với hơn 100 hộ dân sinh sống, đây là một trong những thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn, nơi mà quá nửa hộ dân là hộ nghèo, số còn lại là cận nghèo và hộ thoát nghèo. Người dân ở đây quen gọi nơi mình sinh sống là "bản", một từ mộc mạc và thân thương.

Dù cuộc sống ở bản còn nhiều khó khăn, Thúy vẫn giữ cho mình một tinh thần lạc quan và tích cực. (Ảnh: NVCC)
Tại nơi bản làng ấy, con đường học vấn không phải là lựa chọn phổ biến. Đa số người dân sau khi học xong cấp 2 hoặc cấp 3 sẽ chọn làm nương rẫy, chăn nuôi để mưu sinh, hoặc lập gia đình sớm. Trong bản chỉ có Thúy xuống Hà Nội học đại học.
"Bản làng vẫn còn nhiều khó khăn vì cách làm kinh tế truyền thống đã ăn sâu vào nếp sống. Cha mẹ làm nương rẫy, con cái cũng nối nghiệp. Mình mong muốn được học hành, mở mang kiến thức để góp phần thay đổi bản làng, giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn", Phùng Thị Thúy bày tỏ.
Những khó khăn từ nhỏ đã rèn giũa nên một Phùng Thị Thúy mạnh mẽ. Biến cố gia đình năm lớp 4 khiến Thúy phải sống xa bố mẹ, ở với ông bà. Đến lớp 6, Thúy đỗ vào trường nội trú của huyện và cấp 3 là trường nội trú của tỉnh. Xa nhà từ bé, cô chia sẻ thời gian lớp 4, lớp 5 là khoảng thời gian khó khăn nhất với cô, không chỉ khó khăn về vật chất mà cả về tinh thần.
"Dù còn nhỏ, em vẫn nhớ rõ những ngày tháng ấy. Minh luôn nhớ bố mẹ da diết, đêm đến lại ngóng ra cửa sổ, tự hỏi không biết bố mẹ đang làm gì. Ở nhà ông bà, mỗi khi trời mưa, bà phải trải tấm áo mưa lên trên màn để che chắn. Có những đêm mưa lớn, nước dội ướt cả mặt em khi đang ngủ. Nghe được những lời bàn tán từ mọi người xung quanh, em thấy rất tủi thân nên càng muốn sau này mình lớn sẽ học hành cẩn thận để giúp gia đình", Thúy chia sẻ.
Khi cầm trên tay giấy báo trúng tuyển Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Thúy và gia đình không giấu nổi niềm vui. Nhưng bên cạnh đó, họ cũng không khỏi lo lắng. Trong ánh mắt của bố mẹ, Thúy thấy được nỗi trăn trở về việc liệu có thể lo cho con ăn học đầy đủ trong 4 năm tới hay không. "Bố ít chữ, chỉ học hết lớp 3 nên bố muốn con được học đầy đủ", lời động viên của bố đã tiếp thêm sức mạnh cho Thúy, giúp cô luôn nỗ lực học tập không ngừng.
"Câu nói của bố là động lực lớn nhất để em học tập. Nhìn gia đình vất vả, người dân trong bản hằng ngày vẫn phải vật lộn với cái nghèo càng thôi thúc em phải đi học vì chỉ học mới thay đổi được cuộc sống", Thúy tâm sự.

Thúy và bà con trên bản. (Ảnh: NVCC)
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, điều khiến Thúy xúc động nhất chính là tấm lòng của bà con thôn bản. Dù cuộc sống của mỗi người nơi đây cũng chẳng mấy dư dả nhưng họ vẫn sẵn sàng chung tay giúp đỡ Thúy. Từng món đồ nhỏ, từng đồng tiền được gom góp, không chỉ từ những người thân mà còn từ những người hàng xóm. Thúy không phải là họ hàng ruột thịt, chỉ là một người con của bản, nhưng họ xem cô như người nhà. Họ hiểu rằng, con đường học vấn của Thúy không chỉ là ước mơ của riêng cô, mà còn là niềm hy vọng của bản làng. Sự giúp đỡ ấy không chỉ là vật chất mà còn là sự động viên tinh thần lớn lao, giúp Thúy có thêm động lực để bước tiếp trên con đường học tập.
Thời gian đầu xuống Hà Nội, Thúy choáng ngợp vì ở đây cuộc sống hoàn toàn khác, vội vã và xô bồ. Đã có hôm, Thúy ngủ cho qua cơn đói, không dám nói với bố mẹ. Vì biết kinh tế gia đình còn khó khăn, dù đã cố gắng đi làm thêm nhưng số tiền kiếm được vẫn không đủ để Thúy trang trải cuộc sống.
Dù cuộc sống ở Hà Nội không hề dễ dàng, Thúy vẫn không từ bỏ ước mơ của mình. Từ nhỏ, cô nàng đã yêu thích công việc dẫn chương trình, được đứng trên sân khấu. Cô từng được thầy cô chọn làm MC từ cấp 1. Đến cấp 2, cấp 3, cô liên tục giành giải Nhất trong các cuộc thi MC. Tuy nhiên, ở bản làng nhỏ bé của mình, ước mơ này dường như quá xa vời. Đến khi bước chân vào giảng đường đại học, Thúy mới nhận ra rằng, đây không chỉ là sở thích, mà còn là đam mê, là con đường mà em muốn theo đuổi. Ngoài ra, Phùng Thúy còn đang sở hữu một kênh Tiktok với gần 10.000 người theo dõi với nội dung gần gũi, mộc mạc.

Với sự chân thật và tự nhiên, kênh TikTok của Thúy đã thu hút được nhiều người xem.
Cô nàng còn chia sẻ thêm sau khi học xong vẫn muốn theo đuổi ước mơ của mình, đồng thời sẽ phát triển nông sản địa phương: "Em luôn muốn phát triển nông sản địa phương. Ở bản không có đặc sản gì nhưng điều kiện tự nhiên có thể trồng được củ sâm đất Hoàng Si Cô. Em đã vạch ra kế hoạch và hình dung sẽ làm gì để phát triển nó trên bản. Em sẽ cố gắng để các em trong bản thấy chị Thúy làm được thì mình cũng phải cố gắng để làm như chị Thúy".
Không chỉ nỗ lực trong học tập, Thúy còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như Trưởng dự án "Nấu ăn cho em" tại Lào Cai, mang đến những bữa ăn ấm áp và niềm vui cho các em nhỏ. Tại Hà Giang là "Sưởi". Đặc biệt, sau cơn bão Yagi, Thúy đã kêu gọi quyên góp vật phẩm cứu trợ cho chính bản làng mình. Mỗi dự án mang đến cho Thúy những trải nghiệm quý giá và niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ cộng đồng.

Thúy cùng cộng đồng chung tay thực hiện dự án "Nhà Nhỏ" tại bản làng. (Ảnh: NVCC)
"Dự án nào cũng ý nghĩa và có những trải nghiệm riêng nhưng có lẽ, "Nấu ăn cho em" là dự án em nhớ nhất vì được thực hiện tại chính nơi mình sống. Em chỉ nấu những món đơn giản như bún, xúc xích nhưng lại là lần đầu các em nhỏ được ăn. Lúc ấy em rất hạnh phúc và mong các em luôn được no bụng để mang được con chữ về", Thúy chia sẻ.
Phùng Thị Thúy, cô gái trẻ đến từ bản Nậm Chạc, đã viết nên một câu chuyện đầy cảm hứng về nghị lực và khát vọng vươn lên. Thúy đã chứng minh rằng, dù xuất phát điểm có thế nào, nếu có ước mơ và quyết tâm, chúng ta đều có thể đạt được thành công. Cô gái trẻ đã vượt qua những khó khăn về kinh tế, những thiếu thốn về vật chất để theo đuổi con đường học vấn của mình. Thúy cũng cho thấy rằng, việc học không chỉ giúp chúng ta thay đổi cuộc đời mà còn có thể góp phần xây dựng quê hương. Hành trình của Thúy không chỉ là câu chuyện của riêng cô, mà còn là nguồn động lực lớn lao cho các em nhỏ tại bản làng.

GĐXH - Giữa lòng Hà Nội, có một cậu bé 7 tuổi nhưng chỉ nặng 8kg, nhỏ bé nhưng mang nghị lực phi thường. Cậu bé ấy là Tiến Minh, mắc căn bệnh ruột búi hiếm gặp, tỉ lệ chỉ 1/100.000. Đồng hành cùng con là chị Lan - người phụ nữ đã đi qua bao nhiêu lần nhập viện, giằng xé giữa nềm tin và tuyệt vọng.

GĐXH - Giữa bộn bề công việc của một chiến sĩ công an, trung úy Đỗ Văn Linh vẫn dành thời gian dạy học miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Lớp học 0 đồng của anh không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là nơi thắp sáng ước mơ, lan tỏa yêu thương.

GĐXH - Những nét phấn tưởng chừng đơn giản lại 'biến hóa' thành những hình ảnh sống động giúp học trò không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn say mê từng bài giảng.