Võ Minh Lâm trong vở Thầy Ba Đợi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Võ Minh Lâm (sinh năm 1989) nói: "Giải thưởng như động lực lớn để người trẻ chúng tôi tiếp tục làm nghề, đưa cải lương đến gần hơn với khán giả hôm nay".
Sinh ra trong một gánh hát
* Có ba mẹ là đào kép hát, như vậy bạn là con nhà nghề, hẳn con đường nghệ thuật cũng thuận lợi hơn?
- Ba tôi là kép chánh Duy Sơn của các gánh hát Sông Hậu 1, Chuông Vàng... Mẹ tôi cũng là đào hát. Trong một lần ba lưu diễn ở Huế, mẹ bụng chửa vượt mặt vẫn đi theo ba và đã hạ sinh tôi ngay tại gánh hát, trong sự chúc phúc của các cô chú nghệ sĩ trong đoàn.
Người đỡ đẻ đã đặt luôn tên cho tôi là Võ Đông Hà như một kỷ niệm đẹp. Nhưng sau đó về Cần Thơ, ông nội đã đặt lại tên tôi là Võ Minh Lâm.
Ai cũng nghĩ tôi là con nhà nghề thì theo hát là lẽ đương nhiên. Nhưng nhà nội tôi thấy nghề hát cực quá nên cấm. Nhưng cấm sao được, mới sanh ra tôi đã theo ba mẹ bôn ba khắp các nẻo đường lưu diễn.
Khi ba mẹ và các cô chú tập tuồng, tôi mải miết chạy chơi với đám trẻ con của nghệ sĩ trong đoàn, lâu lâu dừng lại dỏng tai nghe. Vài ba lần buột miệng hát lên một câu mà khiến ai cũng tròn mắt: sao nó hát đúng nhịp nhàng quá vậy.
Có lúc đoàn diễn khuya quá, ba tôi mắc cái võng dưới gầm sân khấu, tôi leo lên ngủ ngon lành, thỉnh thoảng luýnh quýnh phủi mặt vì bụi trên sàn sân khấu rớt xuống. Sau mệt quá, tôi ụp một cánh võng trùm lên che bụi. Vậy đó, tôi chơi, tôi ngủ trong tiếng đàn, lời ca...
Võ Minh Lâm - Ảnh: GIA TIẾN
* Có lẽ ước mơ trở thành nghệ sĩ đã nhen nhóm trong bạn từ ngày đó?
- Nói thật là đến khi đoạt giải Chuông vàng tại cuộc thi Ngôi sao vọng cổ truyền hình năm 2006, tôi vẫn không nghĩ mình sẽ trở thành nghệ sĩ, tôi không biết nghệ sĩ là như thế nào và phải làm gì.
Lên 6 tuổi, tôi chấm dứt những ngày bôn ba cùng ba mẹ, ở lại Cần Thơ với nội để đi học. Hồi cấp II, tôi từng đoạt giải học sinh giỏi văn của TP Cần Thơ.
Hết lớp 9, thấy nhà khó khăn quá, tôi thi vào lớp đào tạo diễn viên cải lương của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ. Cũng không hề mơ làm nghệ sĩ, chỉ vì vào trường không phải đóng học phí và còn được cấp học bổng.
Võ Minh Lâm lần đầu tiên vào vai chính Lý Huệ Tông trong vở cải lương Dấu ấn giao thời - Ảnh: LINH ĐOAN
* Không mơ làm nghề, không mơ làm nghệ sĩ nhưng bạn là người đầu tiên đoạt giải Chuông vàng tại cuộc thi Ngôi sao vọng cổ truyền hình (sau đổi thành Chuông vàng vọng cổ) năm 2006 và năm đó cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất?
- Ở trường, tôi từng được cử làm đại diện tham gia Liên hoan âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc, đoạt HCV với trích đoạn Lục Vân Tiên. Vòng sơ tuyển, tôi phải nhờ vé vớt mới được vào vòng trong.
Khi được yêu cầu lên TP.HCM thi, tôi cứ ngần ngừ vì vòng sơ tuyển còn rớt lên rớt xuống, mấy vòng trong sao đậu được. Nhưng rồi vì ước mơ một lần đi thi cho biết Sài Gòn và được... gặp mặt nghệ sĩ, hai cha con tôi đã khăn gói lên thành phố.
Trước khi đi, ba dắt tôi vô quầy cho thuê áo cưới để mướn áo sơmi, áo vest. Áo nào cũng rộng thùng thình khiến thằng nhỏ 17 tuổi là tôi như lọt thỏm.
Võ Minh Lâm - Ảnh: GIA TIẾN
Ngôi nhà tôi muốn trở về
* Chuông vàng, đó có phải là bước đệm tốt cho bạn?
- Sau khi đoạt giải xong, tôi tiếp tục về trường học cho đến ngày tốt nghiệp năm 2008, vẫn diễn minh họa cho các nghệ sĩ khác. Mỗi lần có lời mời thâu âm ở các đài, ba xách xe gắn máy chở tôi từ Cần Thơ lên thành phố để đỡ tốn chi phí.
Mặc dù thích cuộc sống yên bình ở Cần Thơ nhưng tốt nghiệp rồi, nhận thấy cơ hội cho người trẻ không nhiều nên tôi đánh bạo lên Sài Gòn thuê nhà trọ để mong được phát triển nghề.
Lên thành phố, tiền thì không, sô cũng ít, không thể ngồi đó chờ mãi, tôi nhận các sô từ thiện hát miễn phí, ở nhà thì đọc sách, xem băng tự rèn luyện nghề. Nhờ hát những sô diễn đó mà tôi năng động hơn và có thêm nhiều mối quan hệ.
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm trong vở Thầy Ba Đợi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Trong năm 2009 đó, bạn có luôn vai chính đầu tiên - nhân vật Lý Huệ Tông trong vở cải lương lịch sử Dấu ấn giao thời. Nhanh chóng được giao vai chánh và đoạt ngay giải thưởng chuyên nghiệp, con đường nghề và cuộc sống của bạn chắc rộng mở từ đó?
- Lại được dàn dựng bởi đạo diễn nổi tiếng Hoa Hạ. Trước khi vô tập tuồng, tôi nghe họ đồn cô Hạ khó và dữ lắm, làm không được cô... đánh trên sân khấu luôn.
Tôi sợ quá nên chuẩn bị mọi thứ rất kỹ càng, nhưng tập xong tôi mới thấy cô dễ thương mà, không hề la tôi. Năm đó, với nhân vật này, tôi đoạt huy chương bạc cá nhân đầu tiên trong Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
Tôi đã mất đến 10 năm để học hỏi, rèn luyện. Tôi học thêm cải lương tuồng cổ, học diễn cải lương xã hội. Thường có giọng ca chỉ cần vài câu vọng cổ đã có thể chạy sô kiếm tiền.
Nhưng tôi cho rằng đó là ngắn hạn, muốn đi đường dài phải được rèn luyện trong những vai diễn của một vở tuồng trọn vẹn. Tập một vở cải lương mất rất nhiều thời gian, nhưng với tình hình khó khăn hiện nay thì chỉ diễn chừng 1, 2 suất, catsê thì không bao nhiêu.
Có nhiều lúc tôi đau đầu giữa lựa chọn chạy sô và làm nghề bởi còn phải lo cho cuộc sống của mình. Có người cho rằng cải lương là màu mè, lạc hậu nhưng 100 năm qua cải lương vẫn sống và vẫn là mạch ngầm trong tâm hồn người Nam Bộ.
Tôi đã bị cải lương quyến rũ và cùng với các nghệ sĩ cùng trang lứa chúng tôi khao khát được tiếp nối ngọn lửa nghề. Tôi nghĩ cải lương đang khó khăn thì mình càng phải gắn bó với nghề hơn, tập dợt thật tốt mỗi vai diễn để chinh phục, thu hút khán giả trở lại với sàn diễn.
Nghệ sĩ Võ Minh Lâm trong vở Thầy Ba Đợi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Không chỉ bó hẹp ở lĩnh vực cải lương, người ta còn bắt gặp Võ Minh Lâm ở lĩnh vực kịch nói, phim truyền hình, game show, làm MC...
- Tôi muốn mình là nghệ sĩ đa năng tham gia các lĩnh vực khác để có thêm kinh nghiệm. Nhờ quá trình tham gia nhiều loại hình nghệ thuật đó mà hiện nay tôi khá chủ động, ế sô chỗ này tôi có sô chỗ khác (cười), nhà tổ chức cần gì mình cũng đáp ứng được. Thế nhưng, làm gì thì làm, ngôi nhà tôi muốn trở về vẫn là cải lương.
Võ Minh Lâm và NSƯT Tú Sương trong vở Sám hối - Ảnh: LINH ĐOAN
Võ Minh Lâm trong vở Trung thần - Ảnh: LINH ĐOAN
Võ Minh Lâm là nghệ sĩ nam duy nhất trong 7 nghệ sĩ đoạt HCV Tài năng trẻ sân khấu cải lương và dân ca kịch toàn quốc năm 2014 - Ảnh: LINH ĐOAN
Từ năm 14 tuổi, Võ Minh Lâm đã đoạt nhiều HCV trong các cuộc thi đờn ca tài tử của thành phố Cần Thơ. Là thí sinh đầu tiên và trẻ tuổi nhất đoạt Chuông vàng tại cuộc thi Chuông vàng vọng cổ của Đài truyền hình TP.HCM, HCV giải Trần Hữu Trang, HCV và HCB cá nhân trong các kỳ liên hoan cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, HCV Tài năng trẻ sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc... Hiện Lâm là diễn viên của đoàn 2 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Với chiều cao 1,8m, gương mặt sáng đẹp, giọng ca khỏe khoắn, trữ tình nên không chỉ ở Nhà hát Trần Hữu Trang, Võ Minh Lâm còn được các đoàn hát xã hội hóa mời vào vai kép chánh trong nhiều vở diễn. Lâm cũng là anh kép không "kén đào", có thể đóng cặp cùng bạn diễn trang lứa hoặc đàn chị như Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền, Quế Trân... mà vẫn rất tình.
Soạn giả Hoàng Song Việt: Cố gắng, miệt mài nhiều năm
Võ Minh Lâm (phải) tập hát tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Sau khi tốt nghiệp ở Cần Thơ, Lâm về TP.HCM và có tham gia sinh hoạt nhóm Thắp sáng niềm tin do tôi quản lý.
Lúc đó, em gần như là một tờ giấy trắng về nghề nghiệp và khá chông chênh vì chưa được học, chưa có nhiều kinh nghiệm về sân khấu. Nhưng điều tôi quý ở em là Lâm rất có ý thức nghề nghiệp, biết tự hoàn thiện bản thân, thấy mình yếu, thiếu chỗ nào là tự tìm kiếm thầy để học.
Cứ vậy, thiếu đâu bù đó ngay khiến Lâm ngày càng tiến bộ và việc em đoạt những giải thưởng nghề nghiệp là hoàn toàn xứng đáng với những cố gắng, miệt mài mà em bỏ ra trong nhiều năm qua.
TT - Đạo diễn Xuân Phước vừa bấm máy bộ phim dài 20 tập Tơ đồng vương vấn. Nghệ sĩ trẻ Võ Minh Lâm đã được chọn đảm nhiệm nhân vật Cao Văn Lầu.