Sáng 9/12, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết các nhiệm vụ của Sở trong thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025"
Việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Hà Nội ngày càng đi vào chiều sâu
Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình Bùi Minh Hoàng cho biết, Sở được giao triển khai thực hiện 14 chỉ tiêu, kết quả 13/14 chỉ tiêu hoàn thành. Cụ thể, nhóm các chỉ tiêu đã hoàn thành và tập trung nâng cao chất lượng (13 chỉ tiêu) bao gồm: Tỷ lệ Gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; Tỷ lệ Thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa; Tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; Tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; Số di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; Nâng cấp xếp hạng di tích quốc gia; Xếp hạng di tích cấp Thành phố; Số vở diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống được dàn dựng mới và biểu diễn hàng năm; Số buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hằng năm… Bên cạnh đó chỉ còn 01 chỉ tiêu khó thực hiện (Tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa).
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình Bùi Minh Hoàng báo cáo tóm tắt kết quả triển khai các nhiệm vụ của Chương trình 06 tại Hội nghị
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đạt được những kết quả tích cực; các chỉ tiêu xây dựng "Gia đình văn hóa", "Thôn văn hóa", Tổ dân phố văn hóa" các năm đều hoàn thành, đạt và có nhiều đơn vị vượt chỉ tiêu đề ra. Phong trào đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội một cách bền vững. Truyền thống đoàn kết và đạo lý dân tộc được phát huy, trở thành nội lực trong các phong trào giúp nhau "xóa đói, giảm nghèo", "đền ơn, đáp nghĩa"; từ đó, vai trò và vị trí của gia đình và cộng đồng được nâng lên; tình làng, nghĩa xóm được củng cố. Nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy, làm phong phú đời sống văn hóa của người dân Thủ đô.
Việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu. Các giá trị, chuẩn mực cốt lõi của văn hóa, của môi trường văn hóa được gìn giữ, phát huy; các giá trị mới, chuẩn mực mới từng bước được hình thành, hoàn thiện; nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân Thủ đô được quan tâm; các sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, bám sát chủ trương của Thành ủy Hà Nội đổi mới công tác quán triệt nội dung 10 Chương trình công tác lớn của nhiệm kỳ tới cán bộ chủ chốt từ Thành phố tới cơ sở, nhằm đảm bảo tính nhất quán, kịp thời. Sở chỉ đạo 100% phòng, ban, đơn vị ngay sau hội nghị của Thành phố, tập trung quán triệt sâu rộng tới cán bộ, đảng viên triển khai thực hiện Chương trình số 06 gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 và phương hướng, nhiệm vụ công tác hàng năm của đơn vị.
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh: "Về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình số 06, việc xây dựng môi trường văn hóa đã đi vào nền nếp; hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý được ban hành đúng, đủ, kịp thời; sư quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở thống nhất, đồng bộ, hệ thống. Công tác xây dựng nếp sống văn hóa, đạo đức, lối sống trên địa bàn Thành phố ngày càng được chú trọng và phát huy hiệu quả. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có những chuyển biến rõ nét. Thực hiện hiệu quả 02 quy tắc ứng xử của Thành phố đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân; quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy mạnh mẽ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
Nhằm nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện các quy tắc ứng xử của Thành phố , với mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, Sở ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh trong đó có phân công cho các sở, ban, ngành hướng dẫn thực hiện các tiêu chí. Thành lập Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định xét, công nhận và công nhận lại quận, thị xã đạt chuẩn đô thị văn minh. Tổ chức Hội nghị tọa đàm "Cách làm và kinh nghiệm hay trong triển khai thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh", Hội nghị tập huấn "Nâng cao chất lượng xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh"...
Đặc biệt, vừa qua Sở đã tham mưu Thành ủy ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 14/6/2024 của UBND Thành phố về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025". Thực hiện khảo sát, tổ chức 05 Hội nghị tọa đàm triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Thực hiện nhiệm vụ: xây dựng tiêu chí người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2025-2030…
Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu kết luận Hội nghị
Phát huy hiệu quả của quy ước, hương ước và các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đến nay, 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố có quy ước, hương ước; việc xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước đã góp phần thực hiện có hiệu quả các hoạt động tự quản, hỗ trợ cho hoạt động quản lý nhà nước, giữ vững ổn định an ninh trật tự, tạo tiền đề trong việc quản lý, giải quyết, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực phát sinh, thiết thực thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa tại các khu dân cư, cụ thể:
Bên cạnh những kết quả nổi bật, theo báo cáo của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện chưa tương xứng với yêu cầu Thủ đô ngàn năm văn hiến và xu thế phát triển của thời đại. Việc tập trung các điều kiện để đầu tư toàn diện cho con người với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa chưa được tương xứng với tầm vóc của Thủ đô. Việc thực hiện 02 Quy tắc ứng xử (nhất là ứng xử nơi công cộng) chuyển biến chưa rõ rệt. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, các chỉ tiêu pháp lệnh về mô hình văn hóa phát triển chưa đều, chạy theo thành tích, chưa quan tâm thực sự đến chất lượng; thiếu quan tâm đến khu vực kinh tế ngoài nhà nước, khu dân cư mới (chung cư, nhà ở tập trung của công nhân lao động...). Việc nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau còn chậm đổi mới, thiếu sức lan tỏa. Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng văn hóa của Thủ đô, chưa đáp ứng được chỉ tiêu phát triển của ngành văn hóa, cũng như còn thấp so với đầu tư trong lĩnh vực kinh tế và một số lĩnh vực khác…
Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có thành tích tốt trong thực hiện Chương trình số 06
Phát biểu kết luận Hội nghị, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, Hội nghị là dịp để Ban Lãnh đạo, mỗi tập thể, cá nhân thuộc Sở đánh giá những điều đã làm được để tiếp tục phát huy, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, cách thức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình 06, góp phần khẳng định văn hóa - nguồn lực, động lực nội sinh phát triển bền vững đất nước và Thủ đô Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.