Tượng được công nhận là bảo vật quốc gia từ năm 2012, đang trưng bày cùng nhiều hiện vật tại khu Di tích văn hóa Đông Sơn ở tầng một, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Với kích thước khá nhỏ, bảo vật dễ bị bỏ qua nếu người thưởng lãm hiện vật ở bảo tàng không quan sát kỹ.
Tác phẩm khắc họa hình ảnh một người ở dưới trong tư thế cong lưng, hai chân như đang nhún nhảy, tay choàng ra sau ôm đỡ người trên lưng. Người ngồi trên miệng ngậm khèn, một tay đỡ khèn, một tay vịn người cõng. Mắt, mũi, miệng của nhân vật được mô tả chi tiết.
Các nhà khoa học nhận định đây là tượng hai người đàn ông, với các đặc điểm như đóng khố, tóc búi cao, đầu chít khăn đầu rìu (loại khăn chít đầu của đàn ông Việt thời xưa, có mối vểnh lên trước trán như hình cái đầu rìu), tai đeo khuyên to, vòng đeo tay... Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh - từng công tác tại Viện khảo cổ học, các nghiên cứu về tượng nữ trên hoa văn thời Đông Sơn thì họ diện trang phục khác.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tượng có từ thời văn hóa Đông Sơn, cách nay khoảng 2.500 - 2.000 năm. Tác phẩm được nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Janse phát hiện trong quá trình khai quật mộ cổ ở Lạch Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa vào năm 1934 và chuyển về Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng bảo vật do ông Pajot - nhân viên thuế quan của Pháp - thu được khi khai quật các di tích ở Thanh Hóa từ 1925-1927.
Tượng hai người cõng nhau thổi khèn (hiện vật màu vàng, thứ ba, từ phải qua) tại khu trưng bày ở bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: Hiểu Nhân
Tượng cung cấp tư liệu để nghiên cứu về trang phục, trang sức, đời sống vật chất, tinh thần của người Việt cổ. Theo Hồ sơ di sản, Cục Di sản văn hóa, tượng là tiêu bản hiếm hoi về nghệ thuật tượng tròn thời Đông Sơn. Tác phẩm phản ánh sinh hoạt âm nhạc mang đậm yếu tố truyền thống, được khởi nguồn từ nghệ thuật Đông Sơn, đến nay còn đọng lại trong nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam. Tượng được coi là tác phẩm tượng nghệ thuật cổ độc đáo, như một thông điệp của thời đại Hùng Vương dựng nước gửi lại cho muôn đời sau.
Bảo vật phản ánh trình độ đúc đồng của người xưa. Giáo sư Trịnh Sinh nhận định tượng đúc bằng khuôn đất, liền khối, không chắp vá. Kỹ nghệ làm khuôn giỏi khi ghép nhiều bộ phận nhỏ tạo thành các khối thanh mảnh, lồi lõm, đến khi đổ đồng vào vẫn điền đầy chi tiết.
Người cõng đang trong tư thế động khi chân cao, chân thấp như nhún nhảy, muốn bước thêm một bước nữa. Người này đóng khố, đuôi khố thòng ra phía sau chấm đất được xử lý thành một chân tượng, kết hợp hai chân người, tạo thành thế chân vạc vững vàng.
Tượng được cho là khối trang trí hoặc tay cầm trên nắp đồ dùng sinh hoạt. Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á - nhận định người Đông Sơn chưa phát triển đến mức làm tượng riêng để trưng bày mà khi sản xuất nồi, thạp, trống... họ dùng tượng khối để trang trí. Tượng hai người cõng nhau cũng ở tình trạng tương tự. Trong một công trình nghiên cứu, nhà khảo cổ Olov Janse đã thử gắn tượng lên nắp ấm và cho kết quả khá hợp lý.
Theo ông Trịnh Sinh, cây khèn trên tượng là loại nhạc cụ phổ biến thời Hùng Vương, được khắc họa nhiều trên trống đồng, rìu đồng, tượng người thổi kèn trên cán muôi... Tượng còn cho thấy nét sinh hoạt văn nghệ đương thời là múa nhảy. Người Việt cổ vừa khổi khèn, vừa múa nhảy. Họ đeo nhiều vòng đồng, các nhà khoa học gọi là vòng ống gắn thêm lục lạc ở dọc cánh tay, cổ chân và khuyên tai, xà tích... Khi nhảy múa, vang lên âm thanh rộn ràng. Múa và nhảy là đặc điểm văn hóa thời Đông Sơn, đa phần thực hiện trong các ngày mừng năm mới, cơm mới, cưới...
Tượng thể hiện tâm thái lạc quan, vô tư của người Việt cổ, như trong thư tịch cũ ghi: "Vào thời Hùng Vương, Vua tôi hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, cùng nhau vui chơi vô sự, gọi là đời rất hồn nhiên".
Hiểu Nhân