Tác phẩm mang tên L'Age mur (The Mature Age - Tuổi trưởng thành) thất lạc hơn 100 năm trước khi xuất hiện trong buổi đấu giá của nhà Philocale ở thành phố Orléans, hôm 16/2. Theo Telegraph, ban tổ chức dự tính thu về từ 1,5 đến2 triệu euro. Sau 20 phút, phiên đấu kết thúc. Đây là bức tượng có giá cao thứ hai trong di sản của Camille Claudel. Vị trí đầu thuộc về La Valse với 5,2 triệu euro - do Sotheby's mở bán ở London năm 2013.

Bức tượng "L'Age mur (The Mature Age)" trị giá 3,1 triệu euro (khoảng 83 tỷ đồng). Ảnh: AFP
Theo AFP, đấu giá viên Matthieu Semont vô tình tìm thấy tác phẩm tại căn hộ bỏ hoang 15 năm gần tháp Eiffel (Paris) hồi tháng 9/2024. Lúc đó, anh kiểm kê tài sản sau khi chủ sở hữu cơ ngơi qua đời, cho biết tượng bị "lãng quên trong bóng tối" và phủ đầy bụi trong ngần ấy thời gian. Semont không tiết lộ danh tính chủ trước.
Matthieu Semont khẳng định anh nhận ra L'Age mur ngay khi giở tấm vải che, rất xúc động vào giây phút đó. Anh nói: "Tôi nghĩ đây là một cuộc gặp gỡ hơn là sự khám phá. Điều này thật kỳ diệu, khiến tôi rơi nước mắt. Bức tượng thất lạc hơn một thế kỷ vẫn giữ chất lượng đáng kinh ngạc".
Tác phẩm ra đời trong giai đoạn 1892 đến 1898, sau cuộc chia tay giữa bà và Auguste Rodin - người tình kiêm thầy giáo hơn 24 tuổi. Tượng cao khoảng 84 cm, mô tả cảnh một cô gái quỳ gối níu kéo một người đàn ông lớn tuổi, trong khi anh đang bị người phụ nữ khác kéo đi. Bà còn thực hiện nhiều phiên bản khác, hai trong số chúng đang được trưng bày tại Orsay (Paris) và Musée Camille Claudel (Nogent-sur-Seine).

Pho tượng "The Implorer" (1905) cũng do Camille Claudel thực hiện được trưng bày tại bảo tàng mỹ thuật Metropolitan. Ảnh: Met Museum
Camille Claudel (1864-1943) sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ nhỏ, nhận nhà điêu khắc Alfred Boucher - bạn của Auguste Rodin - làm thầy đầu tiên. Sau đó, Boucher khuyên gia đình đến Paris để Claudel có thêm cơ hội trau dồi tài năng. Bà học điêu khắc tại học viện Académie Colarossi - một trong nơi hiếm hoi cho phép học sinh nữ vẽ nam khỏa thân. Năm 1885, Boucher thuyết phục Rodin hướng dẫn Claudel vì ông phải đến Italy nhưng không nỡ bỏ rơi học trò. Về sau, bà trở thành trợ lý của Rodin.
Theo Guardian, Auguste Rodin nhanh chóng "rơi vào lưới tình" của Claudel. Trong hơn 10 năm, Claudel vừa là nhân tình, vừa là người mẫu và "nàng thơ" của ông. Sau khi mối tình tan vỡ, Claudel gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự công nhận, cũng như thoát khỏi cái bóng của Rodin. Do bị ám ảnh bởi tình cũ, bà trở nên điên loạn, phá hủy phần lớn sáng tác của mình. Năm 1913, em trai đưa bà vào bệnh viện tâm thần. Dù sau đó bác sĩ và bạn bè khẳng định bà tỉnh táo và không cần nhập viện, gia đình quyết để bà ở lại cho đến khi qua đời ở tuổi 79.

Chân dung nhà điêu khắc Camille Claudel (trái) và thầy giáo Auguste Rodin. Ảnh: Marie Claire
Matthieu Semont cho biết qua nhiều nghiên cứu về cuộc đời của nữ điêu khắc gia, có vẻ Auguste Rodin "chưa từng ngừng yêu bà". Ông đã khóc khi phát hiện The Implorer - tượng cô gái quỳ gối van xin do Camille Claudel tạo tác - trong một xưởng đúc. Các nhà sử học nghệ thuật nhận định nhân vật là hiện thân của Claudel, phản ánh sự suy sụp của bà khi Rodin rời xa.
Cuộc đời và mối tình của Camille Claudel với tình nhân hơn 20 tuổi là nguồn cảm hứng cho giới điện ảnh. 45 năm sau khi nghệ sĩ qua đời, đạo diễn Pháp Bruno Nuytten gây tiếng vang với phim tiểu sử mang tên bà. Dự án mang về hai đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Isabelle Adjani (đóng vai Claudel) và Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 1990. Năm 2013, đời bà lên màn ảnh rộng lần nữa qua màn diễn xuất của Juliette Binoche trong Camille Claudel 1915.

Trailer phim "Camille Claudel 1915". Video: YouTube Thunderbird Releasing
Auguste Rodin (1840-1917) là được xem như cha đẻ của điêu khắc hiện đại, nổi tiếng với khả năng truyền tải cảm xúc mãnh liệt của con người qua tượng. Theo Art Story, ông định hình tương lai của bộ môn này bằng các tác phẩm như Người suy tư (The Thinker), Nụ hôn (The Kiss) và Cổng địa ngục (The Gates of Hell).
Theo AFP, các nhà phê bình nữ quyền "chưa bao giờ tha thứ cho Auguste Rodin vì cách ông đối xử với Claudel". Theo họ, Camille Claudel có nhiều đóng góp cho một số tác phẩm nổi tiếng của Rodin, bao gồm The Gates of Hell. Nhiều người đánh giá tài năng nghệ thuật của bà sánh ngang ông.
Phương Thảo (theo AFP, Telegraph, Guardian)