Theo Chinanews, dịp cuối năm, đoàn ca múa nhạc Thẩm Dương thực hiện vở múa mô phỏng bức tranh Trâm hoa sĩ nữ (Cô gái cài hoa), nhận khen ngợi của nhiều khán giả. Các nghệ sĩ múa ăn vận, làm tóc, thể hiện biểu cảm như thiếu nữ trong bức tranh nổi tiếng.
Bài múa tái hiện tranh cổ. Video: CCTV
Tranh lụa Trâm hoa sĩ nữ hiện được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Liêu Ninh, lần gần nhất tác phẩm được triển lãm là năm 2015. Mã Bảo Kiệt, giám đốc Bảo tàng tỉnh Liêu Ninh, nói để bảo vệ bảo vật, những người ở cấp quản lý như ông cũng khó có cơ hội ngắm nhìn bức tranh. Vì một khi thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, tác phẩm rất dễ bị hư hại. Mã Bảo Kiệt nói: "Người xưa có câu 'Giấy thọ nghìn năm, lụa thọ bát bách', Trâm hoa sĩ nữ tồn tại sau hơn 1.100 năm là việc không dễ dàng".
Theo Xinhua, tác phẩm vẫn nguyên vẹn, lưu giữ được màu sắc tươi sáng sau vô vàn cuộc bể dâu. Người vẽ không đề tên lên tranh nhưng giới nghiên cứu phổ biến cho rằng tác phẩm của Chu Phưởng (sinh khoảng năm 730, mất khoảng năm 800). Ông khắc họa sáu cô gái dạo bước trong đình viện, người bắt bướm, chơi với cún, người ngắm hoa, chỉnh xiêm y.
"Trâm hoa sĩ nữ". Video: Bilibili
Điểm chung của các cô gái là trang phục màu sắc rực rỡ, đầu cài hoa. Các đặc điểm trang phục cho thấy họ thuộc tầng lớp quý tộc. Các cô gái đầy đặn, điển hình cho quan niệm thẩm mỹ đương thời.
Trâm hoa sĩ nữ nhiều lần đổi chủ. Thời Tống, tranh thuộc sở hữu của tể tướng Giả Tư Đạo (1213-1275). Cuối Minh đầu Thanh, báu vật trong tay Lương Thanh Tiêu - một viên quan đam mê sưu tầm cổ vật. Sau đó, tác phẩm được lưu giữ trong Tử Cấm Thành. Tới cuối triều Thanh, trước khi bị đuổi khỏi Tử Cấm Thành, vua Phổ Nghi rà soát lại hơn 1.000 tranh, thư pháp quý hiếm, lấy lý do "ban thưởng" để đưa cho em ruột và em họ là Phổ Kiệt, Phổ Giai mang ra khỏi cung, lưu giữ cho ông. Trâm hoa sĩ nữ nằm trong số đó.
Một cô gái trong bức tranh. Ảnh: Sohu
Năm 1934, Nhật Bản dựng Phổ Nghi làm người đứng đầu của nhà nước Mãn Châu quốc. Khi Nhật đầu hàng ở Thế chiến thứ 2 năm 1945, Phổ Nghi bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ trên đường chạy trốn sang Nhật, các tranh của ông được giao cho chính quyền ở Đông Bắc, Trung Quốc. Sau đó, Trâm hoa sĩ nữ được giao cho Bảo tàng tỉnh Liêu Ninh.
Theo nhà nghiên cứu Kim Diệp, ngoài tính chất hiếm có, tác phẩm quý báu vì giá trị nghệ thuật cao. Phong cách hội họa của Chu Phưởng ảnh hưởng tới các thế hệ họa sĩ sau này.
Nghinh Xuân