Kich bản Trạng Tí phiêu lưu ký do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng Lại Hoàng Lê và Bình Bồng Bột viết, dựa theo những câu chuyện trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt nổi tiếng, với hình mẫu bộ tứ nhân vật Tí - Sửu - Dần - Mẹo.

Tuy nhiên, nếu hiểu phim chỉ là đưa những câu chuyện của bộ truyện lên màn ảnh rộng thì không phải, Trạng Tí phiêu lưu ký thực sự là câu chuyện với nhiều sáng tạo của ê kíp viết kịch bản.

Khoan nói về sự đúng sai trong những lùm xùm giữa đoàn phim và họa sĩ Lê Linh - tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt thời gian vừa qua. Trước hết, hãy xem xét Trạng tí phiêu lưu ký dưới góc độ của một bộ phim điện ảnh. Không quá lời khi nói Trạng Tí phiêu lưu ký nằm trong số những phim Việt tốt nhất ra rạp từ đầu năm đến giờ và là bộ phim đáng xem cho cả trẻ em lẫn người lớn.

Tí - một cậu bé sinh ra chỉ biết mẹ, mà không biết cha. Những đứa trẻ luôn trêu trọc Tí, còn những người dân làng thì dè bỉu mẹ cậu. Muốn biết cha mình là ai, Tí quyết định lên đường đi tìm câu trả lời. Đi cùng Tí là các bạn Sửu, Dần, Mẹo. Bốn đứa trẻ đã trải qua một hành trình với nhiều thử thách cho sự gan dạ, dũng cảm, đoàn kết, yêu thương. Để cuối cùng, không chỉ Tí tìm được câu trả lời mà cả khán giả cũng tự tìm thấy những câu trả lời cho chính mình về tình cảm gia đình, tình bạn, tình người.
bts2_uwki.jpg

Bốn diễn viên nhí gây bất ngờ với diễn xuất

Ảnh TL

Có một tâm lý là không ít người nghĩ phim Việt chiếu rạp mà do trẻ con đóng chính thì sẽ đơn điệu. Nhưng những gì diễn ra trên màn ảnh với Trạng Tí phiêu lưu ký hoàn toàn ngược lại. Diễn xuất tự nhiên và dễ thương của những diễn viên nhí trong phim không chỉ khiến khán giả nhỏ tuổi mà còn làm khán giả người lớn rơi nước mắt.

Khó có thể phủ nhận, chính nét “diễn mà như không diễn” của những cô cậu bé này đã góp phần lớn cho thành công của bộ phim. Một Tí (Huỳnh Hữu Khang đóng) vừa ngây thơ, thông minh, vừa nhiều ưu tư khi luôn bị chọc ghẹo có cha là một hòn đá; một Sửu (Phan Bảo Tiên) lí lắc và dễ mít ướt; một Dần (Vương Hoàng Long) dễ động lòng, hay thương người; một Mẹo (Trần Đức Anh) khôn lanh nhưng tình nghĩa.

Dù không nằm trong bộ tứ Tí - Sửu - Dần - Mẹo, nhưng vai Tiểu Tị và Mùi trong phim lại là những nét chấm phá hấp dẫn của phim. Tiểu Tị là một chú tiểu võ công cao cường luôn sẵn sàng chống lại cái xấu, còn Mùi là cô bé đáng thương luôn khát khao tình yêu thương. Hai vai diễn được 2 diễn viên nhí Hoàng Duy và Kim Thư đảm nhận có thể khiến nhiều khán giả bất ngờ.

3_rqel.jpg

Những nét diễn xuất tự nhiên "diễn mà như không diễn" của các diễn viên nhí thuyết phục khán giả

Ảnh TL

Những pha hành động của Hoàng Duy “ngầu” không kém những diễn viên hành động người lớn. Bất ngờ hơn là cậu bé học taekwondo 4 năm này tự thực hiện những cảnh võ thuật trong phim. Trong khi, cô bé Kim Thư có vẻ dễ dàng vượt qua thử thách với vai Mùi, một nhân vật phức tạp và “biến hóa” ở những trạng thái đối lập khi xấu, khi tốt, khi vui, khi buồn.

Để chọn được những diễn viên nhí phù hợp và tài năng này có công của nhóm “cast” (tuyển) diễn viên, nhưng tất nhiên bên cạnh đó phải có sự dẫn dắt của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Cùng với việc chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên nhí, Phan Gia Nhật Linh xứng đáng nhận nhiều lời khen tặng cho bộ phim này.

Phan Gia Nhật Linh đã kể câu chuyện chặt chẽ, lôi cuốn, cùng những khoảng lặng để người xem được ngẫm nghĩ, cũng như chìm vào cảm xúc cùng nhân vật. Không có nhiều những cú “twist” đáng kể, nhưng Trạng Tí phiêu lưu ký lại có những chi tiết xúc động có thể lấy nước mắt người xem. Những bài học được đưa ra một cách nhẹ nhàng, sâu sắc và nhất là không hề giáo điều dành cho con trẻ; mà cũng từ đó, người lớn phải ngẫm lại mình đã nghĩ được, làm được như trẻ con.

bts3_gdme.jpg

Bộ phim giúp khán giả tìm câu trả lời về tình gia đình, tình bạn, tình người

Ảnh TL

Đạo diễn cũng dẫn người xem vào những khung hình thiên nhiên đẹp như mơ, và có lúc chẳng khác nào một thế giới cổ tích mà nhiều đứa trẻ tưởng tượng ra, chẳng hạn như hình ảnh đàn đom đóm thắp sáng trong đêm trong khu rừng kỳ ảo. Không lấy mẫu hình làng quê cụ thể ở bất cứ nơi nào, nhưng Phan Gia Nhật Linh vẫn khiến làng quê trong những khung hình anh đưa ra thật gần gũi với người Việt, từ trang phục cho đến những nét kiến trúc. Có thể nói, Trạng Tí phiêu lưu ký chính là một bước tiến dài của Phan Gia Nhật Linh kể từ phim Em là bà nội của anh.

Yếu tố thuần Việt chính là điểm cộng cho bộ phim Trạng Tí phiêu lưu ký. Từ hình ảnh của ông Thiện và ông Ác, cho đến hình ảnh của Thần Hổ, đều rất Việt. Một lời khen dành tặng cho nhóm thiết kế của bộ phim khi đã đưa những hình ảnh, họa tiết, kiến trúc của mỹ thuật dân gian Việt vào trong bộ phim.

Điều mà Trạng Tí phiêu lưu ký làm được còn là trở thành một trong những phim Việt có kỹ xảo tốt nhất từ trước đến giờ. Không ít người đã ngạc nhiên khi thấy những nét cử động như thật của ông Thiện và ông Ác, hay sự xuất hiện của Thần Hồ lấy hình ảnh của chính chú hổ trong tranh dân gian Hàng Trống với những chuyển động “không hề giả trân”...

Những điểm hạn chế trong Trạng Tí phiêu lưu ký tất nhiên là có, nhưng rõ ràng phim có nhiều những điểm cộng hơn hẳn với một câu chuyện lôi cuốn và cảm động, cùng những khung hình đẹp như mơ, kỹ xảo chuyên nghiệp… Hơn hết, đoàn phim đã làm được một bộ phim đúng như mong muốn để thiếu nhi Việt được xem một bộ phim thuần Việt với những nét văn hóa Việt.

Đôi khi trẻ con hồn nhiên mà lại sâu sắc hơn cả người lớn

Quay lại những lùm xùm giữa đoàn làm phim và tác giả Lê Linh của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt.  Phía nhà sản xuất là Ngô Thanh Vân đã mua bản quyền từ Công ty Phan Thị - đơn vị xuất bản và cũng sở hữu bản quyền bộ truyện. Trong khi, họa sĩ Lê Linh đã thắng kiện Công ty Phan Thị tại phiên phúc thẩm sáng 3.9.2019 tại Tòa án nhân dân TP.HCM.

Theo đó, ông được công nhận là tác giả duy nhất của hình tượng 4 nhân vật trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Ông Lê Linh không chấp nhận việc nhà sản xuất Trạng tí phiêu lưu ký thỏa thuận bản quyền với Công ty Phan Thị mà không có sự thỏa thuận từ ông. Chính bởi những lùm xùm này mà một bộ phận không nhỏ độc giả Thần đồng đất Việt tẩy chay bộ phim.

Phía luật sư của nhà sản xuất đã đưa ra những luận điểm cho thấy, nhà sản xuất không sai khi thỏa thuận bản quyền với đơn vị đang nắm giữ. Ngô Thanh Vân lên tiếng nhận lỗi vì không liên lạc với ông Lê Linh sớm hơn và cho hay phía cô đã nhiều lần liên lạc với họa sĩ nhưng đều bị từ chối. Họa sĩ Lê Linh cũng có cái lý của mình khi ông đã quá mệt mỏi với vụ kiện kéo dài hơn chục năm với Công ty Phan Thị. Dù vậy, liệu việc tẩy chay có phải là hành động quá cực đoan với bộ phim?

Họa sĩ Lê Linh hẳn là người dành nhiều tình cảm cho trẻ em thì mới có thể sáng tạo nên bộ truyện sinh động và hấp dẫn độc giả nhiều thế hệ đến thế. Và Ngô Thanh Vân hẳn là nếu không yêu trẻ em thì cũng không làm bộ phim mà không dễ “sinh lời” như thể loại hành động mà cô có sở trường.

Đã rất lâu rồi, điện ảnh Việt mới có một bộ phim thực sự dành cho trẻ con mà lại có "tầm" như vậy, trước sự độc tôn quá lâu của những bộ phim hoạt hình đến từ Hollywood. Đôi khi trẻ con hồn nhiên mà lại sâu sắc hơn cả người lớn. Và đó có khi cũng là điều mà người lớn cần học từ trẻ con! 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022