Bài viết không tiết lộ nội dung phim.
Có lẽ, Trạng Tí chính là bộ phim "số nhọ" nhất của màn ảnh Việt khi hết gặp phải dịch lại vướng phải vô số lùm xùm và tranh cãi bên lề. Thế nhưng, sự tẩy chay của cộng đồng mạng chủ yếu đến từ những phát ngôn gây tranh cãi của ê-kíp hay đánh giá dựa trên một vài hình ảnh, đoạn trích mà chưa từng xem qua tác phẩm. Trên thực tế, phim có chất lượng tốt, chỉn chu khi nhắm đến đối tượng trẻ em.
Giống với Thần Đồng Đất Việt, nhân vật chính của Trạng Tí vẫn là bộ tứ: Tí (Hữu Khang), Sửu (Bảo Tiên), Dần (Hoàng Long) và Mẹo (Đức Anh). Mẹ Tí là cô Hai Hậu (Oanh Kiều) có mang sau khi ngủ quên trên một tảng đá nên cậu không hề có cha. Vì thế mà Tí thường xuyên bị bạn bè trêu chọc.
Nghe tin thầy Thích Thông Tuệ (Trung Dân) trên chùa Phật Quang cái gì cũng biết, Tí cùng ba người bèn quyết đi một chuyến để hỏi cha mình là ai. Cả nhóm dự tính chỉ đi trong ngày là về nhưng lại gặp phải vô số rắc rối trên đường đi. Cuối cùng, Tí, Sửu, Dần và Mẹo bị tướng cướp Ba Ba (Hoàng Phi) bắt cóc để trả lời câu đố ở đền Thần Hổ, mở đường tới kho tàng quý giá.
Trailer chính thức của Trạng Tí
Những thay đổi đáng giá so với truyện tranh
Thần Đồng Đất Việt vốn là tuyển tập những câu chuyện ngắn hoặc các điển tích Việt được lồng ghép vào nhân vật Tí, Sửu, Dần, Mẹo. Các nhân vật ít có sự thay đổi về mặt tính cách trong suốt vài tập. Nhưng một bộ phim điện ảnh khó lòng đi theo hướng trên. Đặc biệt là Tí trong truyện đã có sẵn sự yêu mến của người dân trong làng và tinh thần trừ gian diệt bạo nên khó lòng tạo ra một kịch bản hấp dẫn.
Vì thế mà đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã có sự thay đổi hợp lý khi cho Tí bị bạn bè trêu chọc vì chuyện không có cha. Hành trình đi tìm thầy Thích Thông Tuệ, vượt qua những khó khăn, thử thách trên đường đi cũng đánh dấu sự trưởng thành của nhân vật. Cũng từ đó, cậu bé học được những ý nghĩa của tình bạn, hiểu ra rằng những lời gièm pha của người ngoài chẳng quan trọng mà tình cảm mẹ Hai Hậu dành cho mình mới là tất cả.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã có sự thay đổi hợp lý khi cho Tí bị bạn bè trêu chọc vì chuyện không có cha. Hành trình đi tìm thầy Thích Thông Tuệ, vượt qua những khó khăn, thử thách trên đường đi cũng đánh dấu sự trưởng thành của nhân vật.
Dạ Nguyệt
Ngay cả tuyến phản diện Ba Ba hay Mùi (Kim Thư) cũng có những phân đoạn rất cảm xúc. Đây là những bài học căn bản và phù hợp với các khán giả nhí. Song, đôi khi chúng vẫn có tác dụng đối với thế hệ trẻ hay những người xem trưởng thành để thêm trân quý tình cảm gia đình. Song, Trạng Tí không chỉ có tình cảm mà còn hài hước và kịch tính thông qua những thử thách mà bộ tứ gặp phải.
Những câu đố khó nhằn, đòi hỏi trí thông minh, sáng tạo chứ không đơn thuần là tính toán được lồng ghép khéo léo xuyên suốt thời lượng. Tí vẫn thể hiện được sự tinh ranh trong nguyên tác bằng những cách xử lý hợp lý. Thế nhưng, thông điệp của bộ phim cũng nằm ở việc "cái tình đôi khi còn quan trọng hơn cái lý". Đây có lẽ chính là lời nhắn nhủ mà Ngô Thanh Vân muốn gửi đến người xem.
Thông điệp của bộ phim cũng nằm ở việc "cái tình đôi khi còn quan trọng hơn cái lý". Đây có lẽ chính là lời nhắn nhủ mà Ngô Thanh Vân muốn gửi đến người xem.
Dạ Nguyệt
Những sự thay đổi này có lẽ không được lòng các độc giả lâu năm của Thần Đồng Đất Việt. Nội dung phim cũng tương đối đơn giản với một nút thắt nhỏ ở cuối để phù hợp với đối tượng khán giả nhí. Nhưng nếu chúng ta đi xem Trạng Tí với tâm thế một tác phẩm điện ảnh mà không quá quan tâm với các lùm xùm bên ngoài thì vẫn dễ dàng bị cuốn theo chuyến phiêu lưu của bốn đứa trẻ.
Kỹ xảo, bối cảnh, âm nhạc chỉn chu
Với đầu tư lên đến 43 tỷ, Trạng Tí sở hữu phần sản xuất chỉn chu và kỹ lưỡng. Ê-kíp phim đã cẩn thận xây dựng cả một ngôi làng Phan Thị với những căn nhà tranh, vách lá lợp mái gỗ đặc trưng của làng quê Việt thời xưa. Những cảnh đẹp của đất nước tại Ninh Bình, Thái Bình hay Đồng Nai được đưa lên màn ảnh rộng vô cùng hùng vĩ.
Với đầu tư lên đến 43 tỷ, Trạng Tí sở hữu phần sản xuất chỉn chu và kỹ lưỡng.
Dạ Nguyệt
Phần phục trang của các nhân vật được chăm chút như bước ra từ trong truyện tranh và gắn liền với một giai đoạn lịch sử nước nhà. Phần kỹ xảo của phim có thể gây tranh cãi khi nhìn "giả trân" nếu so với Hollywood hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây là một bước tiến rõ rệt của điện ảnh Việt khi tượng hai vị thần canh cổng hay Thần Hổ di chuyển khá mượt mà.
Phần nhạc phim khá tốt với các giai điệu do Đức Trí thực hiện, phù hợp với màu sắc cổ tích chung của bộ phim và mang đến cảm giác trong trẻo, hào hứng. Ngoài ra, phim cũng có một vài màn ca múa khá đáng yêu để các khán giả nhí thưởng thức.
Diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên nhí
Với đặc trưng tác phẩm, Trạng Tí dành thời lượng rất nhiều cho dàn diễn viên nhí. Những tưởng đây là điểm yếu nhưng hóa ra lại là thứ giúp phim trở nên đáng yêu hơn. Mỗi bé đều thể hiện rất tốt nhân vật với những tính cách riêng độc đáo. Sửu vẫn là một cô bé "bánh bèo" mau nước mắt, Dần ham ăn nhưng tin người còn Mẹo thì giàu có nên có chút chảnh chọe.
Với đặc trưng tác phẩm, Trạng Tí dành thời lượng rất nhiều cho dàn diễn viên nhí. Những tưởng đây là điểm yếu nhưng hóa ra lại là thứ giúp phim trở nên đáng yêu hơn.
Dạ Nguyệt
Hoàng Long thì sở hữu vẻ ngoài tròn trĩnh, gương mặt ngây ngô diễn như không diễn. Đức Anh thì luôn miệng trêu chọc, la mắng bạn bè nhưng cũng có những lúc ngại ngùng, sợ hãi vì lo cho bạn. Hữu Khang có kinh nghiệm diễn xuất qua một vài phim trước đây nên không khó để thể hiện sự thay đổi trong suy nghĩ và các cung bậc cảm xúc của Tí.
Ngoài ra, Mùi do Kim Thư – cô bé quá quen mặt khán giả qua loạt phim Nắng – hay Hoàng Duy vai Tiểu Tị cũng có những nét tính cách riêng khó lẫn vào đâu. Những diễn viên người lớn như Hoàng Phi, Oanh Kiều, Quang Thắng, Phi Phụng, Trung Ruồi,… đều như bước ra từ trang sách và giúp phim thêm thú vị.
Có thể thấy, Trạng Tí là một bộ phim chỉn chu từ kịch bản, sản xuất cho tới hậu kì để dành cho khán giả nhí Việt Nam. Có lẽ chúng ta nên dùng tình cảm và sự công tâm dành cho phim thay vì thù ghét để thương hiệu có đủ sức kéo dài qua các phần sau, tạo ra món ăn tinh thần cho thế hệ trẻ.
Nguồn ảnh: Tổng hợp