Trước khi bước vào buổi "rì rầm" khảo cổ học phục trang Đông Sơn hôm nay, chúng ta đã có 6 tuần nói về lịch sử vải sợi, tơ tằm, nhuộm màu, khâu vá và thêu ren… thời Đông Sơn. Để tạo thành những bộ trang phục Đông Sơn hoàn chỉnh, các bà mẹ hay người vợ trong từng gia đình Đông Sơn còn cần tạo ra những phụ kiện cần thiết khác nữa, như các băng dải thắt lưng, các nút khuy, tấm ốp đồng…
1. Chúng ta có hàng ngàn tiêu bản tượng người Đông Sơn trên cán dao găm và trên các hình trang trí bề mặt đồ đồng Đông Sơn để có thể thực hiện thống kê tìm hiểu về phục trang Đông Sơn. Tuy nhiên, những tư liệu đó hoàn toàn giới hạn trong phục trang người lớn và chủ yếu dùng trong lễ hội. Dựa trên tài liệu dân tộc học thì lễ phục nói chung chưa có phân biệt lứa tuổi. Ví dụ trẻ em Mông, Dao… mà chúng ta vẫn thường gặp ở Sa Pa, Bảo Hà (Lào Cai) hay Mèo Vạc (Hà Giang)… phong cách ăn vận về cơ bản không khác cha mẹ chúng nhiều lắm. Khác biệt chỉ ở kích cỡ và đầu tư các đồ ít đắt tiền hơn so với cha mẹ.
Mộ Động Xá 2004: Chúng tôi đưa quan tài còn nguyên vẹn về phòng thí nghiệm (ảnh trái). Các chuyên gia Úc đang thận trọng đưa tấm nắp quan tài bằng vỏ cây ra khỏi quan tài (ảnh phải)
Vì vậy, trình bày của tôi về trang phục Đông Sơn sẽ chỉ là đại thể và chỉ phản ánh nguồn tư liệu đang có trong tay mà thôi. Tuy nhiên, mọi việc vẫn còn nhiều hy vọng ở phía trước, với sự tiến bộ vượt bậc của khảo cổ học vải sợi Đông Sơn mà chúng tôi đã khai mở và hiện vẫn đang tiếp tục.
Bước đầu, năm 2004, chương trình khảo cổ học vải sợi Đông Sơn do tôi chủ trì tiến hành cùng các chuyên gia khảo cổ, bảo tàng ở Đại học và Bảo tàng Quốc gia Úc với hy vọng tìm được một phục trang hoàn chỉnh của một người chết hơn 2.000 năm trước ở Động Xá đã không đạt được mục tiêu cuối cùng. Dù đã sử dụng nhiều phương pháp khai quật và bóc tách hiện đại nhất, chúng tôi vẫn không thể làm rõ được bộ trang phục mà người chết đã mặc trước khi đem chôn. Nhưng tình trạng các ngôi mộ chúng tôi đã đào trước đó ở Châu Can, Yên Bắc… cho phép chúng ta tin rằng sẽ có thể lật tìm được những trang phục đó.
Chúng tôi quyết định mua một tủ lạnh có thể đạt -30 độ C và đủ lớn để chứa nguyên trạng phần thi thể bọc vải của xác chết Đông Sơn, nhằm bảo quản đến tháng 3 năm sau khai quật tiếp tục.
2. Nhân đây tôi xin dành ít dòng kể lại quá trình khai quật ngôi mộ Động Xá 01 trong phòng thí nghiệm của chúng tôi năm 2004.
Tháng 10/2002, sau khi được tôi trình chiếu kết quả khai quật và xử lý vải sợi ở Châu Can 2000 và Động Xá 2001 tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), một biên bản thỏa thuận hợp tác đã hình thành ngay sau đó giữa Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á và Đại học Quốc gia Úc. Theo đó, giáo sư Peter Bellwood đã đến làm việc với tôi tháng 5/2004. Và mấy tháng sau, Đoàn chuyên gia khảo cổ học vải sợi Úc theo lời mời của tôi đã sang Việt Nam vào tháng 10. Đoàn gồm hai nhà nghiên cứu khảo cổ học là GS Bellwood, TS Cameron và 5 chuyên gia vải sợi của Bảo tàng quốc gia Úc cùng đi.
Các chuyên gia Úc đang cùng chúng tôi thận trọng tách từng miếng cói bọc bên ngoài để lộ ra toàn thân lớp vải bọc xác (hình trái). Riềm vải đầu tiên đã xuất lộ (ảnh phải)
Đối tượng chúng tôi nhắm đến là khu mộ táng Đông Sơn ở Động Xá, Kim Động, Hưng Yên - nơi đã từng xuất lộ trên 70 ngôi mộ Đông Sơn còn nguyên quan tài, xương cốt và những đồ tùy táng hữu cơ. Năm 2001, tôi đã trực tiếp khai quật một ngôi mộ ở đây và đã gom lọc được trên 1.000 mảnh vải trong chiếc quan tài thân cây khoét rỗng đó. Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Hưng Yên cũng được mời phối hợp cùng đoàn công tác.
Ngay tuần đầu làm việc, chúng tôi đã may mắn phát hiện một quan tài còn nguyên vẹn mới chỉ lộ một phần nhỏ quan tài ra khỏi bờ mương. Đây là trường hợp hiếm hoi các nhà khảo cổ học tiếp cận được với một ngôi mộ Đông Sơn ở trạng thái nguyên vẹn như vậy.
Sau khi làm rõ huyệt mộ, chúng tôi đã bọc toàn bộ quan tài đưa về phòng thí nghiệm đặt tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên. Lần đầu tiên một quan tài Đông Sơn được mở ra và khai quật trong điều kiện phòng thí nghiệm - đó chính là phương pháp khai quật mà tôi đã thuyết phục thành công nhóm chuyên gia Úc và các đối tác Việt Nam (Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Hưng Yên).
Một chuyên gia Úc bên xác mộ Đông Sơn bọc kín bằng cói và vải, chiều cao toàn bộ khoảng 160cm (hình trái), và thao tác tách vải ở phần hông, sát nơi có đụn nhô lớn bên trong (hình phải)
Chiếc quan tài Động Xá 2004 đã được 9 chuyên gia khảo cổ và kỹ thuật bảo tàng Việt - Úc khai quật một tuần trong phòng thí nghiệm. Ngày đầu tiên, nắp quan tài được lật mở. Đó là một tấm vỏ cây dày 1,5cm đậy khít trong lòng quan tài. Sau khi lật tấm nắp vỏ cây đó, xác người hiện nguyên hình bên dưới lớp bọc cói và vải. Phía đầu quan tài là một khoang chứa đồ tùy táng rộng khoảng 30 cm được tạo bởi hai tấm vách chắn hình bán nguyệt, bên trên phẳng theo cạnh trên quan tài, bên dưới lượn theo độ cong lòng thuyền. Trong khoang nhỏ đó là một chiếc nồi gốm thô, trong chứa hai nửa rách của hai nhĩ bôi sơn then khác nhau. Bên trên chiếc nồi là một đĩa gỗ. Phần còn lại dài chừng 220 cm nằm lọt thỏm một xác người bọc cói và vải. Đây chính là đối tượng của đoàn công tác.
Đáng tiếc, lễ Giáng sinh đã cận kề, các chuyên gia Úc buộc phải tạm nghỉ nhân lễ Giáng sinh và năm mới Dương lịch. Chúng tôi quyết định mua một tủ lạnh có thể đạt -30 độ C và đủ lớn để chứa nguyên trạng phần thi thể bọc vải của xác chết Đông Sơn, nhằm bảo quản đến tháng 3 năm sau khai quật tiếp tục.
Quang cảnh khai quật tại Động Xá năm 2004
Trước khi cất vào tủ đông lạnh, để bảo đảm sự toàn vẹn khách quan, chúng tôi đã đưa phần xác bọc đó đến phòng X-quang của Bệnh viện Hưng Yên để chụp. Bộ xương đã tan hết nhưng vẫn cho thấy hình hài người chết nhỏ nhắn, sọ bị đất nén dập nhiều, nghiêng sang bên phải, hốc mắt tụt xuống hàm dưới, nơi tập trung khá nhiều răng của chủ nhân. Hai tay người chết đặt trên bụng, chân duỗi thẳng, gối hơi gấp nhẹ theo chiều nghiêng phải. Hình chụp X-quang cho thấy những mảnh tiền Ngũ thù vương vãi trên phần sọ và quanh thân bên trong lớp cói vải bọc kín.
Tháng 3/2005, các chuyên gia Úc sang trở lại, cùng tôi bóc mở các lớp cói vải bọc quanh thân thể người quá cố. Điều đầu tiên có thể khẳng định kết quả của hai ngày đầu làm việc, đó là đáy quan tài được trải một tấm đệm cỏ lót lưng. Xác người chết được bọc vải sát người và thảm cói ở bên ngoài rồi đặt lên tấm đệm cỏ đó. Sau khi thận trọng bóc tách từng mảng cói đan phủ ngoài cùng, chúng tôi bắt đầu chia nhau lật từng phần vải bọc bên trong. Điều hấp dẫn nhất là ở đụn vải to nằm ở vị trí giữa rốn và hông, nơi hai bàn tay đặt lên: thắt lưng hay đụn khố?!
Việc vẽ lại phục trang Đông Sơn qua hình nghệ nhân Đông Sơn thể hiện trên tượng cán dao găm hoặc hình khắc trên đồ đồng không khó lắm, nhưng quả thật sự hấp dẫn khi tận mắt, tận tay chứng kiến những trang phục đó từ thân xác chủ nhân Đông Sơn còn nguyên vẹn trong mộ táng đáng giá gấp nhiều lần. Đó cũng là một niềm vui đáng đam mê, theo đuổi của những nhà khảo cổ học chân chính. Xin hẹn tiếp tục được "rì rầm" cùng các bạn trong tuần sau.
Khai quật mộ táng tại Đức
Năm 2016, tôi nhận lời mời của Viện Khảo cổ học Đức sang thăm một số cơ sở khảo cổ Đức và rất ấn tượng với một gian nhà vòm rộng hàng ngàn mét vuông với những cỗ sàn quay được 360 độ thiết kế để chuyên khai quật các mộ táng trong điều kiện phòng thí nghiệm.
Mộ táng là một kho tàng độc lập mà người sống đương thời tạo ra cho người chết. Khai quật mộ táng ngay tại hiện trường không thể đảm bảo thu thập được hết những thông tin khoa học ẩn chứa trong đó. Thống kê của tôi qua cuộc khai quật chữa cháy Châu Can 2000 cho thấy 90% hiện vật và thông tin khoa học có thể có được đã bị bỏ qua. Điều kiện bùn lầy, mưa rét và thiếu trang thiết bị phòng thí nghiệm đã không cho phép các nhà khảo cổ học thu thập và khai thác triệt để hiện vật và hiện trạng, thông tin người xưa để lại.