Năm 1534, Michelangelo rời Florence đến Rome và không bao giờ trở lại thành phố quê hương nữa. Ông đã 59 tuổi - độ tuổi mà nhiều người thời đó coi là thọ. Nhưng đối với Michelangelo, bước đi này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đầy kịch tính. Về cơ bản, nó sẽ định hình những trải nghiệm của ông với tư cách là một nghệ sĩ và một người đàn ông.
Diễn ra từ ngày 2/5 tới 28/7 tại Rome, triển lãm Michelangelo: Những thập kỷ cuối đời lần này sẽ nhìn lại 30 năm cuối cùng trong cuộc đời đáng chú ý của Michelangelo. Khi trở về Rome và được Giáo hoàng Clement VII triệu tập để vẽ bức bích họa Sự phán xét cuối cùng trong Nhà nguyện Sistine, ông đã nhận được những ủy thác mới và tái hợp với một số người bạn vô cùng thân thiết.
Trở lại Rome
Vào năm 1534, Michelangelo đã là nghệ sĩ nổi tiếng nhất châu Âu. Ông là bậc thầy ở các lĩnh vực điêu khắc, hội họa và kiến trúc, đồng thời là một nhà thơ nghiệp dư tài năng. Khi được Giáo hoàng Clement VII gọi về Rome, ông bắt đầu hồi kết trong sự nghiệp lâu dài và đa dạng của mình. Tuy nhiên, theo giám tuyển triển lãm Sarah Vowles, đây là thời điểm đánh dấu một khởi đầu mới đầy thú vị.
Chân dung Michelangelo do Daniele da Volterra vẽ
Vào thế kỷ 16, tuổi 60 đã là tuổi khá thọ và Michelangelo khó có thể mong đợi sống thêm 30 năm nữa sau khi trở về Rome. Nhưng trong 3 thập kỷ cuối đời, cho đến khi qua đời ở tuổi gần 89, ông bận rộn hơn bao giờ hết. Các vị giáo hoàng kế nhiệm sẽ tận dụng bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng siêu việt của Michelangelo để thực hiện một loạt các dự án đầy đòi hỏi khắt khe. Và khoảng thời gian muộn màng những tràn đầy năng lượng bất ngờ này cũng là tâm điểm của triển lãm Michelangelo: Những thập kỷ cuối đời.
Đầu tiên, đó là tác phẩm Sự phán xét cuối cùng, được vẽ trên bức tường ngay dưới trần nhà nguyện Sistine tráng lệ - kiệt tác từng giúp làm nên danh tiếng của Michelangelo. Là một bức bích họa, tranh phải được vẽ trên thạch cao ướt với một quy trình cẩn thận từng ngày, đòi hỏi phải lập kế hoạch tỉ mỉ từ trước. Thế nên, ông đã có một loạt các bản vẽ chuẩn bị tuyệt vời, từ các thiết kế bố cục ban đầu tới nghiên cứu sâu để hoàn thiện phần hình dáng, biểu cảm các nhân vật.
Một bản phác thảo của bức “Sự phán xét cuối cùng”
Nhưng đây không phải yêu cầu cuối cùng của Giáo hoàng đối với Michelangelo. Tiếp theo, đó là 2 bức bích họa nữa ở Nhà nguyện Pauline lân cận, nơi cầu nguyện riêng của Giáo hoàng. Và sau đó là dự án lớn nhất và đầy thách thức nhất: Giám sát công trường xây dựng Vương cung thánh đường Thánh Peter -trung tâm của thế giới Công giáo đang trỗi dậy, giống như một con phượng hoàng đang tái sinh từ đống đổ nát của vương cung thánh đường cổ.
Trong giai đoạn những năm 1540, trong một lần chán nản khi phải nghiên cứu Nhà nguyện Pauline, Michelangelo đã càu nhàu: "Tôi không phải là kiến trúc sư". Nhưng những người bảo trợ của ông không đồng tình. Cũng dễ hiểu, trong 20 năm cuối đời mình, Michelangelo đã phải tham gia vào các dự án cho Cung điện Farnese, Cổng Pia và Quảng trường Campidoglio, chưa kể đến mái vòm mang tính biểu tượng của St Peter. Tất cả cuối cùng đều in dấu ấn về tài năng và tầm nhìn của ông lên chính kết cấu của Rome thời Phục hưng.
Michelangelo viết “Tôi không phải là kiến trúc sư” trong một bản ghi chú
Michelangelo chắc chắn có thể là người cộc cằn và cáu kỉnh, dễ gây khó chịu, như mọi người thấy trong những bức thư viết cho người cháu trai Leonardo của mình. Nhưng ông cũng có khả năng thể hiện tình cảm và sự ấm áp tuyệt vời.
Sự hợp tác mới
Michelangelo luôn thích làm việc một mình. Nhưng giờ đây, khi phải vật lộn với sức khỏe sa sút và những thách thức ở tuổi già, ông phải học cách thích nghi. Ông đã chính thức hóa hệ thống mà mình thỉnh thoảng dùng khi còn trẻ: hợp tác với một số họa sĩ chuyên nghiệp để kịp đáp ứng nhu cầu của các khách hàng.
Michelangelo sẽ tạo ra một tác phẩm. Rồi sau đó, một họa sĩ - thường là Marcello Venusti, cộng tác viên chính của ông - sẽ tự thêm bối cảnh và các chi tiết khác. Ví dụ, trong bức The Purification of the Temple (Thanh tẩy đền), công trình vòm của Michalangelo đã được được Venusti đẩy lên bằng các cột mang phong cách Solomon có trục xoắn ấn tượng, nhằm mục đích gợi lên không chỉ Đền thờ ở Jerusalem mà còn cả chính Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Bức “The Purification of the Temple” của Michelangelo hợp tác với Marcello Venusti
Hệ thống hợp tác này đã vô cùng thành công. Nó cho phép những người bảo trợ sở hữu một tác phẩm nghệ thuật từ chính Michelangelo dày dặn kinh nghiệm, được bổ sung bởi một đồng nghiệp tài năng, dưới sự chấp thuận của bậc thầy này.
Mặc dù Venusti dường như là đối tác ưa thích của Michelangelo, ông cũng đưa các tác phẩm của mình cho các nghệ sĩ khác. Đáng chú ý nhất trong số này là bức vẽ cao chót vót về lễ Hiển linh, dường như đã bị bỏ lại trong xưởng của Michelangelo sau đó khi việc ủy thác thất bại.
Bức vẽ khổng lồ này, cao hơn 2 mét và rộng gần 2 mét, được trao cho cộng sự của Michelangelo là Ascanio Condivi, có lẽ là để cảm ơn vì cuốn tiểu sử đầy tâng bốc mà Condivi đã viết về ông vào năm 1553. Bản thân Condivi đang bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật của mình và cần một bước đột phá lớn. Được Michelangelo đưa cho một thiết kế rõ ràng là vinh dự lớn với ông.
Bức vẽ của Condivi hiện nằm trong bộ sưu tập của Casa Buonarroti ở Florence - bảo tàng được thành lập tại nhà của gia đình Michelangelo và đã đóng góp lớn cho triển lãm, với sự hỗ trợ của Bảo tàng Anh. Trong triển lãm, nó sẽ được tái hợp với bức vẽ cùng chủ đề này của Michelangelo lần đầu tiên kể từ thế kỷ 16.
Niềm đam mê riêng
Không dừng lại ở đó, triển lãm Michelangelo: Những thập kỷ cuối đời còn mang tới cái nhìn sâu hơn về bản thân Michelangelo và nỗ lực mang đến cho du khách ấn tượng tốt hơn về chính người đàn ông này.
Bức “Chúa Jesus trên thập giá” lấy cảm hứng từ tình bạn của Michelangelo với Vittoria Colonna
Triển lãm đã đi sâu vào 2 trong số những mối quan hệ quan trọng nhất của ông trong thời kỳ cuối này, với nhà quý tộc La Mã trẻ tuổi Tommaso de 'Cavalieri và nhà thơ quý tộc Vittoria Colonna. Cả 2 tình bạn này đã tạo cảm hứng cho nhiều bài thơ và các thiết kế nghệ thuật tinh tế dựa trên sở thích chung.
Đối với Tommaso, đó là những câu chuyện ngụ ngôn thần thoại, chẳng hạn như bức Sự sụp đổ của Phaeton, đưa ra những hướng dẫn đạo đức cho chàng trai trẻ. Đối với Vittoria, đó là hình tượng tôn giáo như Chúa Jesus trên thập giá...
Michelangelo là một người sùng đạo Công giáo và khi lớn lên, ông ngày càng lo lắng về trạng thái tâm hồn của mình. Ông đã gửi một số tiền lớn đến Florence, thông qua cháu trai Leonardo, để sử dụng cho mục đích từ thiện. Cả nghệ thuật lẫn thơ ca của ông đều thể hiện sự gắn kết sâu sắc với những câu hỏi về sự cứu rỗi.
Một trong những ví dụ cảm động nhất về hành trình khám phá đức tin cá nhân của Michelangelo là nhóm các bức vẽ về sự kiện đóng đinh Chúa, có lẽ được thực hiện trong khoảng thời gian dài trong suốt 10 năm cuối đời của ông. Chúng cho thấy người nghệ sĩ lớn tuổi dần coi vẽ như một phương tiện tâm linh: sử dụng các biến thể về một chủ đề duy nhất để khám phá cảm xúc về cái chết, sự hy sinh, đức tin và viễn cảnh cứu chuộc.
Đánh giá tổng thể về tác phẩm và con người
Nhận thức phổ biến về Michelangelo tập trung vào các tác phẩm nổi tiếng thời trẻ của ông, ví dụ như bức tượng David, hay trần Nhà nguyện Sistine. Triển lãm Michelangelo: Những thập kỷ cuối đời sẽ giới thiệu với mọi người sự đa dạng và tính sáng tạo đáng chú ý trong sự nghiệp của ông ở độ tuổi từ 59 đến 89, tôn vinh sự sáng tạo và quyết tâm không ngừng của ông khi đối mặt với những thách thức chung của tuổi già.
Bằng cách đưa ra tiếng nói của chính Michelangelo, qua những bức thư, bài thơ và các tài liệu khác, đồng thời xem xét tình bạn cũng như những nghi ngờ và tổn thương rất con người của ông, triển lãm hy vọng du khách sẽ có cơ hội đánh lại cả tác phẩm và lẫn con người Michelangelo ở những khía cạnh mới, dưới góc nhìn thân mật.