Sau thành công vang dội từ Mask Girl, Nghịch Lý Kẻ Sát Nhân, Netflix Hàn tiếp tục với các dự án chuyển thể từ truyện tranh và lần này tác phẩm được trình làng là The 8 Show. Phim được đạo diễn và viết kịch bản bởi Han Jae Rim, dựa trên truyện tranh mạng có tên Money Game của Bae Jin Soo.
Ngay từ khi chưa ra mắt, The 8 Show đã bị đặt lên bàn cân so sánh với Squid Game khi nó cũng khai thác câu chuyện game sinh tồn và cùng là tác phẩm được rót vốn đầu tư bởi Netflix. Tuy nhiên dễ nhận thấy khi quy mô trò chơi của nó có phần nhỏ hơn Squid Game và diễn biến phim cũng khác hoàn toàn. Tổng thể câu chuyện 8 tập chỉ diễn ra trong một tòa nhà bí ẩn, nơi 8 con người vốn xa lạ nay phải cùng tìm cách để duy trì trò chơi càng lâu càng tốt vì ở đây, họ nhận được tiền bằng cách đánh đổi thời gian của mình. Và trái với Squid Game, dù cũng là game sinh tồn nhưng một nguyên tắc quan trọng ở trò chơi 8 người đó là không ai được phép chết vì nếu có người bỏ mạng, những người còn lại sẽ buộc phải trắng tay ra về. Tương tự vô số tựa phim Hàn khác, kể cả Squid Game, The 8 Show rất nặng về thông điệp khi mượn chuyện 8 người để lồng ghép đạo lý. Thế nhưng cách nó cài cắm thông điệp vào phim lại rất vừa vặn, không hề khiên cưỡng, cố đấm ăn xôi như nhiều tác phẩm đi trước.
Một cuộc phiêu lưu điên rồ, bất ngờ và kịch tính
Khán giả bước vào câu chuyện của The 8 Show với một thanh niên trẻ đang gánh trên vai một khoản nợ khổng lồ. Anh ta là một kiểu người rất điển hình trong xã hội, không nhan sắc, không tài năng, không mưu mô tính toán, đã vậy còn bao đồng, tin người, ưu điểm duy nhất có lẽ là việc anh ta rất lương thiện. Nhưng ưu điểm này lại trở thành thứ có thể giết chết anh ta bất cứ lúc nào trong trò chơi sinh tồn. Đến với trò chơi giữa lúc bản thân đang nợ nần chất đống và quyết định tự kết liễu cuộc đời, từ đây nhân vật này được biết đến với cái tên “Tầng Ba”. Tương tự Tầng Ba, 7 nhân vật còn lại cũng cũng hoàn toàn không cần tới tên riêng mà được gọi theo số tầng. Thậm chí ngay cả khi rời trò chơi, họ cũng không hỏi tên riêng của nhau. Điều này dường như ẩn ý cho việc họ đã bị tước bỏ đi cả nhân tính khi chấp nhận tham gia vào thứ trò chơi mà không biết ai là người đứng sau này.
Tám con người với số phận bấp bênh, đầy tổn thương bao gồm Tầng Một (Bae Sung Woo), Tầng Hai (Lee Joo Young), Tầng Ba (Ryu Jung Yeol), Tầng Bốn (Lee Yul Eum), Tầng Năm (Moon Jeong Hee), Tầng Sáu (Park Hae Joon), Tầng Bảy (Park Jeong Min), Tầng Tám (Chun Woo Hee). Họ - kẻ điên loạn - người quá bình thường, người lương thiện - kẻ lại quá tàn độc,… mỗi người là một đại diện tích cách, một kiểu người riêng biến trò chơi thành một xã hội thu nhỏ bị phân cấp rõ ràng. Điểm chung của họ là đều muốn từ bỏ bản thân, bị xã hội khước từ và ôm trong mình nỗi thống khổ của những kẻ túng quẫn vì tiền bạc.
Khác với Squid Game, tham gia trò chơi 8 người, những thí sinh không hề biết nguyên tắc hoạt động hay việc mình sẽ phải làm gì tiếp theo. Họ buộc phải tìm ra cách để kéo dài thời gian vì tại đây, thời gian là thứ giúp họ quy đổi ra tiền. Họ còn phải tự tạo ra các trò tiêu khiển, không phải để giết thời gian mà để mua vui cho những người sẽ ban phát thêm thời gian cho họ. Chạy bộ, diễn xiếc, nhảy, múa hát, mãi võ, làm tình và đỉnh điểm là hành hạ, đánh đập lẫn nhau,... để được nhận thêm thời gian từ người xem. So với những bộ phim về game sinh tồn khác, việc người chơi ở The 8 Show tự đặt ra các trò chơi và nguyên tắc cho riêng họ là một yếu tố mới mẻ, mang đến cho khán giả sự tò mò, hứng thú và cảm giác kịch tính, khó đoán đến tận phút chót. Việc có thể tự đặt ra các nguyên tắc trò chơi cộng thêm chuyện đãi ngộ mỗi tầng khác nhau và thức ăn, nước uống mỗi ngày thì đi theo thang máy từ trên xuống từng tầng, khiến phân chia cấp bậc ngày càng rõ nét. Những người ở tầng trên khi liên tiếp lộng hành, hưởng thụ và chèn ép tầng dưới. Những người tầng dưới thì khao khát bùng nổ, trỗi dậy và phản kháng. Họ cứ thế đấu đá qua lại mà đỉnh điểm là cuộc trỗi dậy đầy đau đớn của Tầng Một.
Khách quan mà nói thì ở giai đoạn giữa của phim, tiết tấu hơi chậm, làm giảm cảm giác căng thẳng, bạo lực tuy không quá nặng đô (do nguyên tắc game là không ai được chết) nhưng bị lạm dụng hơi nhiều. Nhưng vẫn phải khẳng định đây mà một kịch bản thực sự sáng tạo và rất điên rồ so với mặt bằng chung phim Hàn và cả phim Hàn về chủ đề sinh tồn. Khán giả được đưa vào một cuộc hành trình đầy cảm xúc mà chính chúng ta cũng không biết ai là người đứng sau tất cả mọi chuyện và tại khu trò chơi này còn có thể nảy sinh những nguyên tắc điên rồ nào.
Cách cài cắm thông điệp, châm biếm xã hội ăn đứt Squid Game
Với tám tập phim phù hợp với tựa đề, The 8 Show mang tới cái nhìn đầy tàn nhẫn về chủ nghĩa tư bản, xã hội hiện đại và sự ích kỷ của loài người trong thời buổi ai cũng nỗ lực để chạy theo đồng tiền. Ngay từ những tác phẩm như Parasite và Squid Game, xã hội tư bản Hàn Quốc đã bị mỉa mai, châm biếm bằng những yếu tố cho thấy sự chênh lệch giai cấp lớn hay việc con người có thể chấp nhận những hành trình nhục nhã để kiếm đủ tiền cho một cuộc sống tươm tất. Với The 8 Show, yếu tố này lại được khai thác một cách rõ nét khi phim bóc trần sự bất bình đẳng, phân chia giai tầng, bóc lột lao động. Thay vì một trò chơi đẫm máu, nơi nhà giàu lấy việc khát tiền của người nghèo ra để làm thú tiêu khiển thì ở The 8 Show, không ai biết người đứng sau trò chơi là ai, kể cả khán giả. Các thành viên cũng phải tự nghĩ ra các quy luật, trò chơi để được tăng thêm thời gian ở lại cũng như kiếm tiền. Họ cũng sớm nảy sinh sự phân chia giai cấp, biến trò chơi thành một xã hội thu nhỏ, nơi Tầng Tám may mắn trở thành người giàu nhất và cô ta mặc sức trêu đùa trên nỗi đau của những người khác, mua sắm và biến trò chơi thành sàn diễn thời trang của riêng mình. Ngay cả cái kết quá nhẹ nhàng của Tầng Tám hay chuyện cô ta là nghệ sĩ trình diễn giống Tầng Một cũng như một nét chấm phá cho thấy sự mỉa mai xã hội bất công của biên kịch.
Tầng Bảy cũng giàu có nhưng anh ta là đại diện cho dân trí thức, khôn lanh, gió chiều nào xoay chiều đó và đôi khi cũng khá tử tế. Kiểu người biết cách “dùng não” như nhân vật này từ đầu đến cuối gần như không phải chịu thiệt. Tầng Sáu đại diện cho quyền lực của nắm đấm. Anh ra ra tay tàn bạo với tất cả mọi người và cũng sử dụng bạo lực để kiếm tiền. Vì Tầng Bảy ở giữa hai kẻ có tiền và có quyền nên Tầng Tám - Tầng Sáu bắt buộc phải khiến Tầng Bảy về phe mình tạo thành một liên hiệp tiền - tri thức và sức mạnh thể chất. Tầng Năm là người phụ nữ hiền lành, lương thiện, cả tin và tâm lý yếu. Cô ta hoàn toàn không phù hợp với trò chơi này và bị đẩy xuống chung đội với “hội tầng thấp” cũng vì quá lương thiện. Tầng Bốn là kẻ khôn lanh, xáo trá, luôn khoác lên mình bộ mặt nai tơ, ngây thơ nhưng thực ra lại vô cùng hiểm ác. Chính vì vậy, cô ta thuận lợi vượt mặt Tầng Năm để gia nhập “hội tầng giàu”, trở thành kẻ chuyên nịnh bợ “nhà giàu” Tầng Tám.
Tầng Ba chính là nam chính Ryu Jun Yeol, người không thể nào bình thường hơn trong xã hội. Tương tự với Tầng Ba, Tầng Hai cũng tương đối bình thường, cô ta giỏi giải quyết mọi thứ bằng nắm đấm nhưng cũng là kiểu người không quá tham vọng. Thậm chí, Tầng Hai còn đôi khi bị Tầng Ba trêu đùa là người “không có não”. Cuối cùng Tầng Một là kiểu người ở đáy xã hội. Anh ta tài năng nhưng không có bất cứ thứ gì trong tay nên khi con gái bị bệnh, anh đã định chết để con được hưởng bảo hiểm. Việc chọn tầng 1 không phải là ngẫu nhiên, anh muốn trở thành người đứng đầu, muốn thoát khỏi cảnh ở dưới đáy. Ai ngờ ở trò chơi này, tầng 1 mới là đáy. Vì vậy ngay từ đầu Tầng Một đã là người duy nhất muốn tìm cách đổi tầng dù anh chưa thực sự biết những tầng trên có gì, đơn giản vì Tầng Một muốn thoát đáy.
Với 8 nhân vật, The 8 Show duy trì sức hút nhờ việc giới thiệu cách người chơi tạo ra trật tự của riêng họ và cách trật tự đó thiết lập ranh giới giai cấp. Thực chất The 8 Show khác hoàn toàn so với Squid Game. Tuy quy mô trò chơi nhỏ hơn nhưng tổng thể The 8 Show đen tối hơn Squid Game rất nhiều. Bằng một cách nào đó, việc nhốt những người tuyệt vọng vào chiếc lồng kín và để họ tự quyết định số phận của mình còn tàn nhẫn hơn nhiều so với những trò chơi đã được sắp đặt sẵn của những bộ phim về chủ đề sinh tồn khác. Trên thực tế khi xem phim, khán giả sẽ hoàn toàn không còn nhớ gì tới Squid Game mà liên tưởng tới một tác phẩm đình đám của Tây Ban Nha là The Platform. Bởi lẽ cả hai bộ phim đều khắc họa sâu sắc việc phân chia giai cấp theo từng tầng, thông qua một chiếc thang máy truyền thức ăn từ tầng trên xuống. Dĩ nhiên The 8 Show không đạt được tới cảnh giới đen tối như The Platform, nó vẫn được lồng ghép những tình huống gây cười đầy châm biếm và khắc họa một xã hội rất châu Á.
The 8 Show khắc họa sâu sắc sự vô lý và tàn ác của trò chơi sinh tồn bằng cách cho các nhân vật nhận thức như thế nào về nguyên nhân khiến “người xem” tiêu tiền cho họ. Trở nên gợi cảm, bạo lực, hài hước, làm nhục những kẻ yếu thế hơn mình. Không có chỉ thị nào nhưng sự bóc lột vẫn liên tục được phơi bày và những kẻ tuyệt vọng chìm trong một thế giới tưởng chừng như đang sụp đổ. Xem phim khán giả được thấy bản chất của con người được phô bày một cách triệt để, tất cả dù muốn hay không cũng đều trở thành kẻ bạo lực. Mặc dù chúng ta chỉ có cái nhìn thoáng qua về một số nhân vật thông qua một vài mảnh ký ức của họ nhưng người xem vẫn cảm nhận được rõ nét động cơ của mỗi người, cách họ bán thời gian và cả nhân cách của mình. Các nhân vật, cũng như khán giả, đều liên tục tự hỏi xem cuối cùng số tiền hiển thị trên màn hình có thực sự xứng đáng hay không? Rõ ràng so với Squid Game, biên kịch The 8 Show đề cập tới thông điệp một cách mượt hơn, không bị gượng ép quá đà mà biến thông điệp trở thành triết lý nửa vời.
Thêm vào đó, The 8 Show cũng là một tác phẩm có độ dài tương đối vừa vặn - 8 tập và mỗi tập chưa tới 1 tiếng. Biên kịch đã biết cách sử dụng hoàn hảo từng phút giây của bộ phim như chính cái cách 8 người chơi nỗ lực với cuộc đua thời gian. Dù còn khá nhiều vấn đề gây lấn cấn, tiêu biểu như cảnh kết của Tầng Một nhưng không thể phủ nhận việc phim đã xây dựng nhân vật rất ấn tượng, kết hợp với đó là bối cảnh hút mắt dù cả phim gần như chỉ gói gọn trong một tòa nhà. Đặc biệt, cách đạo diễn chọn thay đổi từ tỷ lệ khung hình giữa những cảnh quá khứ và hiện tại của các nhân vật cũng là một chi tiết thú vị cài cắm thông điệp. Xem phim, khán giả dễ dàng phân biệt được tổn thương trong quá khứ với thực tế hiện tại của từng người. Khi câu chuyện của mỗi nhân vật được mở rộng, sự thay đổi trong cuộc sống được mô tả bằng sự thay đổi trong tỷ lệ khung hình.
Chấm điểm: 4/5
The 8 Show thành công khám phá mọi ngóc ngách của tâm hồn của 8 kiểu người đại diện cho xã hội ngày nay. Nó xoáy sâu vào những khoảnh khắc khi mà sự tử tế bị xói mòn và sự ích kỷ lên ngôi. Nó đưa những người tuyệt vọng đến vùng trời hi vọng, nuôi dưỡng khát vọng đổi đời của họ họ rồi đẩy họ vào chương tồi tệ nhất cuộc đời, nơi nỗi sợ hãi ngự trị và những tổn thương khiến họ khao khát được sống hơn bao giờ hết. Phải dành một tràng pháo tay tán dương cho cả 8 mảnh ghép của bộ phim mà nổi bật hơn cả là “Tầng Ba” Ryu Jun Yeol, “Tầng Tám” Chun Woo Hee và “Tầng Sáu” Park Hae Joon. Tất cả họ khiến khán giả vỡ òa trong vô số cảm xúc khác nhau bởi diễn xuất quá hoàn hảo. Và cuối cùng, có lẽ không ngoa khi nói The 8 Show là phim Hàn điên loạn nhất, series gốc hay nhất của Netflix những tháng đầu 2024.
Nguồn ảnh: Netflix
https://kenh14.vn/the-8-show-bom-tan-sinh-ton-dien-ro-nhat-2024-ban-chuyen-dao-ly-muot-an-dut-squid-game-20240521111724938.chn