Hôm 3/12, anh thừa nhận các lỗi của hai vở về thời Pháp thuộc tại sân khấu Thiên Đăng (quận 1, TP HCM). Trong một phân cảnh, khi nhân vật dùng bàn ủi con gà, người này lót chiếc mền có dệt chữ TP HCM, dù bối cảnh đầu thế kỷ 20.
Ở một tác phẩm khác, nhân vật nữ là con nhà gia giáo nhưng để móng tay dài. Theo Thành Lộc - người sáng lập sân khấu, đây là "sai sót không nhỏ" vì thời xưa vốn không có kỹ thuật đắp móng.
Lỗi đạo cụ được khán giả phát hiện và phản ánh với Thành Lộc. Ảnh: Thanh Loc Nguyen
Khi được người xem chụp hình phản ánh, nghệ sĩ thấy tiếc, hối hận. "Tôi không dám coi thường khán giả của mình. Xin lỗi vì đã để xảy ra sơ suất thật tệ này", anh nói.
Thành Lộc điều hành sân khấu mới vài tháng qua, sau khi rời Idecaf - đơn vị gắn bó suốt 26 năm. Gần đây, anh ra mắt nhiều vở về thời xưa, như Giáng Hương (chuyển thể từ kịch bản Sân khấu về khuya của soạn giả Năm Châu), Duyên thệ (biên kịch Minh Ngọc cảm tác từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.).
Thành Lộc cho biết sân khấu mới là cách anh tiếp nối tình yêu kịch nghệ ở tuổi ngoài 60. Ngoài diễn xuất, ở sân khấu Thiên Đăng, Thành Lộc còn đảm nhận nhiều vai trò. Trong Giáng Hương - vở khai trương sàn diễn, anh phụ trách đạo diễn, phần thoại trong bản cải lương được sửa cho phù hợp kịch nói, thay đổi nhiều chi tiết để tiệm cận với tư tưởng hiện đại. Với vở Duyên thệ, anh hóa thân Cang - chàng trai miền Bắc lưu lạc vào Nam lập nghiệp, tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người.
Thành Lộc (trái) và Hữu Châu đóng "Duyên thệ" - vở kịch về đề tài Nam bộ những năm 1930-1940. Ảnh: Mai Nhật
Từ khi thai nghén ý tưởng đến khi ra mắt, sân khấu Thành Lộc được đông đảo nghệ sĩ ủng hộ. Các gương mặt gạo cội như Kim Xuân, Hữu Châu nhận lời diễn cho anh sau khi rời Idecaf. Nhiều nghệ sĩ khác cũng góp mặt, như Phi Phụng, Phương Dung, Hoàng Trinh, hay lứa diễn viên đàn em như Mỹ Duyên, Vân Trang, Lương Thế Thành, Lê Phương, vợ chồng Lê Khánh - Tuấn Khải.
Thành Lộc, 62 tuổi, sinh trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ hát bội Huỳnh Mai, anh trai Bạch Long, chị gái Bạch Lê đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Anh được biết đến qua loạt vở kịch Dạ cổ hoài lang, Cậu đồng, Ngôi nhà không có đàn ông, Hợp đồng mãnh thú, Tấm Cám. Nghệ sĩ còn góp mặt trong các phim điện ảnh với vai nhỏ, như Mùi ngò gai, Chàng trai năm ấy, Tấm Cám chuyện chưa kể, làm giám khảo Vietnam Got's Talent 2012.
Thành Lộc khóc khi ra mắt sân khấu Thiên Đăng hồi tháng 9. Video: Mai Nhật
Nghệ sĩ hợp tác với sân khấu kịch Idecaf năm 1997, khi ông "bầu" Huỳnh Anh Tuấn mới thành lập, mặt bằng thuê ở Viện trao đổi văn hóa với Pháp. Anh là diễn viên chính, kiêm giám đốc nghệ thuật của sân khấu. Cuối thập niên 1990 - đầu 2000, Idecaf thổi luồng gió mới vào bộ mặt kịch nói Sài Gòn, với loạt vở ăn khách, ở dòng kịch thiếu nhi lẫn người lớn. Trong đó, nghệ sĩ Thành Lộc được khán giả và giới chuyên môn xem là tên tuổi trụ cột của điểm diễn. Hồi tháng 5, Thành Lộc rời Idecaf vì "không còn chung quan điểm".
Mai Nhật