"Đây là hộ chiếu của mẹ tôi với chữ ký của Aristides de Sousa Mendes" - một vị giáo sư bồi hồi thốt lên khi tới thăm bảo tàng tưởng nhớ Aristides de Sousa Mendes. Đây là công trình mới mở cửa vào cuối tuần qua để tưởng nhớ một nhà ngoại giao Bồ Đào Nha, người đã cứu hàng nghìn người tị nạn khỏi cuộc đàn áp của Đức Quốc xã.

"Tôi rất xúc động vì mẹ chưa bao giờ nói gì với tôi về chuyện này" - vị giáo sư đại học đã nghỉ hưu chia sẻ thêm. Như lời kể, nhờ thị thực của lãnh sự Bồ Đào Nha cấp vào tháng 6/1940, mẹ ông, hiện đã qua đời, đã có thể rời Hà Lan đang bị Đức xâm lược, đến Porto (miền Bắc Bồ Đào Nha), trên một chiếc thuyền đánh cá từ miền Nam nước Pháp, rồi đi tiếp đến Mỹ.

Thị thực từng được Sousa Mendes ký tên và đóng dấu cho người tị nạn ở Thế chiến II

Một "Schindler" thứ 2

"Ông ấy là một người phi thường!" - Jean-Jacques Speyer, cựu kỹ sư người Bỉ năm nay 76 tuổi, thốt lên, khi ông bước qua lối vào bảo tàng về ông mình, nơi tên hàng ngàn người được Sousa Mendes cứu sống khắc trên tường.

Cùng với các hậu duệ của những người tị nạn và gia đình của Aristides de Sousa Mendes, rất đông người đã đến bày tỏ lòng kính trọng đối với Sousa Mendes vào cuối tuần qua, nhân dịp khai trương bảo tàng dành riêng cho ông. Bảo tàng nằm trong dinh cơ cũ của dòng họ ông ở Cabanas de Viriato, miền Trung Bồ Đào Nha.

Antonio Sousa Mendes, 74 tuổi, một trong những cháu trai của Sousa Mendes, người từ lâu đã đấu tranh để khôi phục ký ức về ông mình, nói: "Tôi thực sự biết ơn vì tất cả những gì ông ấy đã làm".

sousa-mendes-17216924702401628784312.jpg

Aristides de Sousa Mendes

Sousa Mendes thường được so sánh với kỹ nghệ gia người Đức Oskar Schindler, người đã cứu hàng trăm người Do Thái khỏi cảnh lưu đày và được cả thế giới biết đến qua bộ phim đoạt giải Oscar năm 1993 Schindler's List. Năm 1966, Sousa Mendes được Đài tưởng niệm Holocaust ở Jerusalem- nơi khắc ghi ký ức về nạn diệt chủng Do Thái trong Thế chiến II - công nhận là Người dân ngoại công chính (một danh hiệu mà quốc gia Israel đặt cho những người dân nước ngoài đã sẵn sàng hy sinh tính mạng bản thân để cứu mạng những sinh mạng của người Do Thái trong nạn diệt chủng). Ông cũng là nhà ngoại giao đầu tiên nhận vinh dự này.

Khi biết về cuộc đàn áp của Đức Quốc xã, ông đã tìm cách đấu tranh bằng vũ khí riêng của mình, "cây bút và con dấu" - như Anthonio de Sousa Mendes nói.

Vào tháng 6/1940, khi quân Đức tiến vào, Sousa Mendes đang là Tổng lãnh sự Bồ Đào Nha ở Bordeaux, Pháp. Tại đây, ông đã thấynhiều gia đình trong cảnh tuyệt vọng không nơi ẩn nấpvới "trẻ em, phụ nữ mang thai và người già".

Khi Đức Quốc xã nhanh chóng tiếp cận Lãnh sự quán Bordeaux, ông phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: Tuân theo mệnh lệnh hoặc cứu mạng những người vô tội. Ông chọn điều sau.

museum-1721692470227519751678.jpg

Bảo tàng tưởng nhớ Aristides de Sousa Mendes

Với niềm tin son sắt, Sousa Mendes đã làm việc ngày đêm, thiết lập một hệ thống đóng dấu và ký hộ chiếu cấp tốc. Chỉ trong vòng vài ngày, lãnh sự đã cấp thị thực Bồ Đào Nha cho tất cả những người tị nạn gửi yêu cầu, bất kể quốc tịch hay tôn giáo của họ.

Thị thực Bồ Đào Nha cho phép người tị nạn an toàn đi tới các quốc gia trung lập. Nhờ đó, Sousa Mendes đã cứu được gần 30.000 người, khoảng 1/3 trong số họ là người Do Thái, theo ước tính của các nhà sử học.

"Người đàn ông rất sùng đạo này đã chọn làm theo lương tâm của mình, bất chấp những hậu quả cho sự nghiệp" - Nhà sử học Margarida Magalhaes Ramalho, thuộc Đại học Nova ở Lisbon, giải thích.

Sousa Mendes thật sự đã phải trả giá đắt cho chủ nghĩa anh hùng của mình. Ông ra đi trong cảnh nghèo khó và bị ruồng rẫy vào năm 1954, để lại gia đình ly tán. Dù vậy, con cháu ông chưa bao giờ đổ lỗi hay hối hận vì quyết định của ông cha mình.

"Ông tôi không còn nữa, nhưng thông điệp của ông vẫn còn đó" - một cháu trai ông nói.

"Sousa Mendes là ngọn hải đăng của lòng dũng cảm, lòng trắc ẩn và niềm tin giữa một thế giới hoàn toàn suy sụp về mặt đạo đức" - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Ngọn hải đăng sáng mãi

Aristides de Sousa Mendes sinh ngày 19/7/1885 tại Bồ Đào Nha. Tổ tiên của ông thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời. Bố ông là thẩm phán của Tòa phúc thẩm Coimbra. Anh trai song sinh của ông, giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vào năm 1932 còn em trai ông, Jose Paulo, là sĩ quan hải quân.

Sousa Mendes theo học luật tại Đại học Coimbra, lấy bằng vào năm 1908. Cùng năm đó, ông kết hôn với người yêu thời thơ ấu của mình, Maria Angelina Coelho de Sousa. Họ có với nhau 14 người con, sinh ra ở nhiều quốc gia khác nhau nơi ông công tác.

bao-tang-17216924703051971006010.jpg

Dòng người viếng thăm bảo tàng về Aristides de Sousa Mendes

Không lâu sau khi kết hôn, Sousa Mendes bắt đầu sự nghiệp lãnh sự. Công việc đưa ông và gia đình đi khắp thế giới. Thời kỳ đầu trong sự nghiệp của mình, ông phục vụ ở nhiều nơi như Brazil, Tây Ban Nha, Mỹ và Bỉ. Năm 1938, ông được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự Bordeaux, Pháp, có thẩm quyền đối với toàn bộ miền Tây Nam nước Pháp.

Ngày nay, hành động cứu người tị nạn khỏi nanh vuốt Đức Quốc xã của Sousa Mendes là rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, khi đó, Thông tư 14 của Bồ Đào Nha đã chỉ thị cho các nhà ngoại giao không được cấp thị thực cho "người nước ngoài có quốc tịch chưa xác định", "người không quốc tịch" hoặc "người Do Thái", do tính trung lập của Bồ Đào Nha trong cuộc xung đột.

Do đó, sau vụ việc, Sousa Mendes lập tức bị gọi về Lisbon và bị cách chức. Trong suốt những năm chiến tranh và sau đó, ông lạc quan tin rằng hình phạt dành cho mình có thể đảo ngược và hành động của ông sẽ được công nhận. Tuy nhiên, dù miệt mài đấu tranh, tới những năm cuối đời, ông cùng gia đình vẫn bị ruồng rẫy.

Mãi tới cuối những năm 1980, khi đã qua đời, tên ông mới được đưa trở lại đoàn ngoại giao. Năm 2020, Bồ Đào Nha chính thức công nhận Sousa Mendes. Quốc hội Bồ Đào Nha quyết định dựng tượng đài mang tên ông ở Pantheon Quốc gia. Việc mở bảo tàng lần này là một bước tiến nữa để lưu giữ ký ức cũng như sự trân trọng về ông.

ti-nan-172169247013432556910.jpg

Một số người từng được Sousa Mendes giúp đỡ trong Thế chiến II tập trung bên ngoài lãnh sự quán Bồ Đào Nha ở Bordeaux

Trong thông điệp mừng khánh thành bảo tàng, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã ca ngợi "lòng dũng cảm và lòng nhân ái" của Sousa Mendes, kêu gọi mọi người noi gương ông trong công cuộc "chống phân biệt đối xử, thiếu khoan dung và hận thù".

Ông Guterres, người từng giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến năm 2002, khẳng định: "Di sản của Sousa Mendes gắn với nhiều mạng người được cứu và nhiều con người được sinh ra tiếp theo từ họ - bao gồm cả một cô gái trẻ mà nhiều năm sau, sẽ trở thành mẹ của người phát ngôn cho tôi tại Liên hợp quốc".

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảm thấy rất may mắn rằng sau nhiều thập kỷ, tầm quan trọng và sự dũng cảm trong hành động của Sousa Mendes đã dần được công nhận. Ông Guterres cũng lưu ý rằng lễ khánh thành bảo tàng diễn ra vào một "thời điểm trọng yếu", khi số người buộc phải rời bỏ nhà cửa đã đạt mức cao kỷ lục và "sự thù hận và thiếu khoan dung đang tràn lan" trên thế giới.

"Chúng ta hãy cam kết bảo vệ nhân quyền và phẩm giá cho tất cả mọi người. Và hãy đứng lên chống lại sự phân biệt đối xử, thiếu khoan dung và thù hận vào bất cứ khi nào và ở bất cứ nơi nào chúng xuất hiện" - Tổng thư ký khẳng định.

Đôi nét về Schindler "phiên bản gốc"

Oskar Schindler (28/4/1908 - 9/10/1974) là kỹ nghệ gia người Đức và từng là thành viên Đảng Quốc xã. Lớn lên ở Moravia, ông từng làm việc ở nhiều ngành nghề trước khi gia nhập Abwehr - cơ quan tình báo quân sự của Đức Quốc xã.

Năm 1939, ông mua lại một nhà máy sản xuất đồ tráng men ở Krakow, Ba Lan. Vào năm 1944, nơi đây có khoảng 1.750 công nhân, trong đó 1.000 người là người Do Thái. Những mối quan hệ ở Abwehr đã giúp ông bảo vệ những người lao động Do Thái của mình khỏi bị lưu đày và chết trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Ông cũng phải đưa cho các quan chức Đức Quốc xã những khoản hối lộ lớn hơn bao giờ hết và những món quà xa xỉ chỉ có thể mua được ở chợ đen để giữ an toàn cho công nhân của mình.

Ông là chủ đề của cuốn tiểu thuyết năm 1982 Schindler's Ark và bộ phim chuyển thể đoạt giải Oscar năm 1993 Schindler's List. Ông qua đời vào ngày 9/10/1974 tại Hildesheim, Đức và được chôn cất tại Jerusalem trên núi Zion, có thể là cựu thành viên duy nhất của Đảng Quốc xã được vinh danh theo cách này. Ông và vợ là Emilie được Chính phủ Israel vinh danh là "Người dân ngoại công chính" vào năm 1993.

Những bảo tàng độc đáo nhất thế giới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022