Thông tin đăng trên trang web của hãng Delon - Hoebanx (trụ sở ở Paris, Pháp), chú thích có nguồn gốc từ một bộ sưu tập cá nhân.
Long bào được miêu tả có tay áo rộng bằng lụa màu vàng, lót lụa màu cam, được thêu bằng chỉ vàng và chỉ nhiều màu. Hai bên áo thắt đai, ở giữa thêu hình rồng nằm giữa những đám mây và chữ "Thọ". Nhà đấu giá giới thiệu hình ảnh rồng gắn với văn hóa Việt, tượng trưng cho mưa thuận gió hòa, đồng thời đại diện cho vua - người được coi là "thiên tử" (con của trời). Các chi tiết còn lại trên áo cũng ngụ ý về sự trường thọ, may mắn, quyền lực.
Ảnh chiếc long bào được cho là của vua Bảo Đại, được giới thiệu dài 145 cm, rộng 240 cm. Ảnh: Delon - Hoebanx
Hãng Delon - Hoebanx cũng giới thiệu chiếc áo thuộc về vua Bảo Đại - hoàng đế cuối cùng của Việt Nam. Áo được lưu giữ ở Việt Nam, sau đó lạc sang Pháp, từng được trưng bày ở triển lãm L'Flight of the Dragon ở Bảo tàng Quốc gia Asian Arts Guimet từ ngày 9/7 đến ngày 15/9/2014.
Hình thêu trên long bào. Ảnh: Delon - Hoebanx
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng nếu chỉ nhìn qua ảnh, chưa thể xác minh chiếc áo có thực sự là long bào của vua Bảo Đại hay không. Bà Thanh Vân - Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế - cho biết tại đơn vị không có mẫu áo tương tự để so sánh.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, hình rồng trên áo là rồng năm móng (ngũ trảo kim long), biểu tượng dành riêng cho vua theo quy định. "Tuy nhiên, tôi không dám khẳng định đây thực sự là áo của vua Bảo Đại, do không được xem, sờ trực tiếp", ông Khôi nói.
Vua Bảo Đại (1913-1997) là hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn. Ông thoái vị năm 1945, dành thời gian cuối đời ở Pháp. Trước khi qua đời vào tháng 8/1997, ông để lại di chúc, trao quyền thừa kế tài sản của ông ở Pháp, bao gồm nhiều cổ vật cho vợ là bà Monique Baudot. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, năm ngoái những người thừa kế tài sản của bà mang nhiều món đồ đi đấu giá.
Việc hồi hương nhiều cổ vật gần đây nhận sự quan tâm của công chúng. Ngày 18/11, ấn vàng của vua Minh Mạng về Việt Nam sau một năm đàm phán, hoàn tất các thủ tục, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh). Doanh nhân Nguyễn Thế Hồng đã chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua ấn, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.
Hà Thu