Rải rác ở các bài trước tôi đã đề cập đến một vài đặc điểm của nghệ thuật tạo hình trên đồ đồng Đông Sơn. Kỳ này, tôi muốn đi sâu vào một số đặc trưng nghệ thuật hội họa Đông Sơn qua các hình trang trí trên đồ đồng tiêu biểu nhất: 1- Xử lý băng vành tròn đồng tâm, 2- Kiểu vẽ nhìn nghiêng và thấu quang, 3- Thiếu vắng nội dung, đồ án hoa lá.

Do khuôn khổ trang báo, nên bài lần trước chỉ đủ tải phần 1 và 2. Hôm nay xin tiếp phần 3 và dành trong số này những lời trân trọng nhất đến cuộc trưng bày Âm vang Đông Sơn vừa khai mạc nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 và 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924-2024). Điểm nhấn của cuộc triển lãm là các mảnh vỡ gần 2.000 năm từ các khuôn đúc trống đồng mà trên đó còn để lại nét khắc vẽ chân thực từ những thợ vẽ trên khuôn mà tôi đã nhắc đến trong loạt bài cả tháng nay.

Sự thiếu vắng hoa, lá trong nghệ thuật trang trí Đông Sơn

Đặc điểm thứ ba trong nghệ thuật tạo hình Đông Sơn là thiếu những đồ án thực vật (hoa, lá). Cho đến hiện nay, dù đã mất nhiều công tìm kiếm, tôi vẫn chưa xác định chắc chắn loài hoa nào đã đựơc nghệ nhân Đông Sơn phác họa.

Trên một số thuyền trang trí ở thân thạp đồng, đôi khi ta thấy chuỗi năm bảy hình sao nhiều cánh trông như những bông hóa gắn ở mạn thuyền. Nhưng khác với hoa sen, súng…được khắc họa rõ nét trong các tranh tường Kim Tự Tháp Ai Cập, La Mã…hay hoa cúc, đào, sen, lá dây leo trên gốm sứ, đá thời Lý - Trần, chưa bao giờ chúng ta bắt gặp sự thể hiện hoa trong văn hóa Đông Sơn, cả trên đồng, gốm, vải lẫn sơn then.

Một số nhà nghiên cứu thường lấy những chi tiết bện thừng trên các quai trống, thạp, thắt lưng… để nói đến họa tiết "bông lúa". Bản chất việc tạo ra các đồ án đó thuần túy có nguồn gốc kỹ thuật đan lát chứ không nhằm nói đến bông lúa. Lúa có được thể hiện trong các nhà kho trên trống thạp đồng, nhưng đó là những giạ lúa, cụm lúa còn nguyên cả bông được vẽ như hình lọ mực học sinh. Cho đến tận gần đây, cách thức thu hoạch và lưu giữ lúa của nhiều dân tộc miền núi Việt Nam vẫn để nguyên từng cụm lúa như vậy. Mỗi lần nấu mới, họ đem các cụm xuống "đánh" cho hạt rời khỏi cọng trong các "đuống" gỗ, trước khi giã hạt thóc rời trong cối, để tách hạt gạo khỏi vỏ trấu.

Nền phông chính trong lễ khai trương trưng bày “Âm vang Đông Sơn” diễn ra sáng 22/11/2023 (ảnh chia sẻ từ trang facebook cùng ngày của Mộc Hựu)

Tôi đã cố tìm, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy các biểu tượng hoa, lá trong nghệ thuật Đông Sơn. Trên thạp đồng trong sưu tập Nguyễn Đình Sử cũng như thạp Đông Quang, Bảo tàng Yên Báicó hình tương tự cây chuối trên thuyền. Nhưng đó cũng có thể chỉ là bó hoa lau hay lông chim cắm trên cột lễ hội.

Số lượng người hóa trang đội mũ có cắm lông chim hay một loại lá cây nào đó như bông lau chiếm số lượng rất lớn trong sưu tập người Đông Sơn mà tôi đang có. Đối chiếu tài liệu dân tộc học trên thế giới, có nhiều khả năng đó là môt loại đai đội đầu bằng tre nứa có phần sau gáy kéo dài để trên đó có thể cắm các lông chim hay bông lau. Loại đai đầu này có thể thấy dùng ở một vài lễ hội miền núi Tây Nguyên và Tây Bắc Việt Nam. Trên đỉnh đầu chiến binh có những nhánh lông chim đẹp nhất.

Tôi đã từng thông báo trong Hội nghị Khảo cổ học về vệt in lông chim rất rõ trên một chiếc trống đồng tìm thấy ở Thanh Hóa, hiện đang trong sưu tập Grusenmayer (Gent, Bỉ). Tuy vậy, trên các tượng khối đúc thời Đông Sơn, chúng tôi chưa bắt gặp rõ ràng chiếc mũ lông chim nào trên đầu tượng người cả. Thật đáng tiếc, chúng ta chưa tìm được bằng chứng nào về sự cảm nhận và thể hiện của các thợ cả Đông Sơnvề thế giới hoa, lá đương thời.

"Thật đáng tiếc, chúng ta chưa tìm được bằng chứng nào về sự cảm nhận và thể hiện của các thợ cả Đông Sơn về thế giới hoa, lá đương thời" - TS Nguyễn Việt.

Tận mắt những nét khắc vẽ chân thật từ gần 2.000 năm trước

Đó là lời khuyên của tôi đến các bạn nào đam mê muốn tận mắt chứng kiến các đường khắc vẽ âm bản còn lại trên khuôn trống đồng Đông Sơn.

Như đã mô tả từ những bài đầu về cách tạo hoa văn trong lòng khuôn đúc đồ đồng Đông Sơn: hoa văn trên đồ đồng ta nhìn thấy là những họa tiết, đồ án dương bản của một sản phẩm đã hoàn tất. Để có được điều đó, người thợ trang trí phải khắc rạch, khoét tạo hình trên bề mặt của khuôn để khi rót nước đồng nóng chảy vào, nước đồng sẽ len lỏi trong các kẽ rãnh sâu đó, tạo ra bản in dương bản mong muốn. Thợ vẽ khuôn sẽ phải làm một quá trình ngược với thẩm mỹ của người đời.

Trống đồng cổ Đông Nam Á đã trở thành hiện tượng di sản thế giới từ cuối thế kỷ 19, khi nó đại diện cho một văn minh đồng thau khác với Ấn Độ và Trung Quốc ở phương Đông. Trước Frank Heger đã có nhiều cuốn sách viết về trống đồng, nhưng chỉ đến công trình nghiên cứu của Heger Alte Metal Stromeln aus Suedost Asien (Trống kim loại cổ từ Đông Nam Á) thì thế giới mới biết đến loại trống đồng cổ nhất, được ông mệnh danh là Heger I (H1) dựa trên phát hiện trống Sông Đà (trống Moliere). Loại trống này chính là trống Đông Sơn với nhiều loại hình thời gian và khu vực gắn liền với văn hóa Đông Sơn.

Những học giả Pháp trước đây và cả chúng ta, những nhà khảo cổ học Việt Nam, cũng đều hy vọng tìm ra chân xác nơi đã đúc ra những trống này. Bằng chứng thuyết phục nhất là tìm ra công xưởng sản xuất với những mảnh khuôn đúc bỏ lại.

khonghepm-1700709169460377238735.jpg

Một số mảnh khuôn có hoa văn phát hiện trong khai quật thành Luy Lâu (Lũng Khê, Thuận Thành, Bắc Ninh) những năm gần đây hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh chụp chia sẻ từ trang facebook của Mộc Hựu

Sau nhiều chục năm tìm kiếm, vận may đã bất ngờ xuất hiện vào năm 1997, khi nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masanari trong chuyến điền dã ở thành cổ Lũng Khê (được cho là thành cổ Luy Lâu thời thuộc Hán) thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh đã bất chợt nhặt được một mảnh khuôn đúc trống đồng bằng đất bị nung cháy. Khi đó, anh đang làm cộng tác viên tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và phát triển thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Các nhà khoa học đã nhanh chóng thẩm định và đã kết luận tính chân xác của mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn giai đoạn muộn, có niên đại khoảng gần 2.000 năm trước.

Trong khoảng chục năm gần đây, các nhà khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng các chuyên gia Nhật Bản khi khai quật thành cổ Lũng Khê (Luy Lâu) ngoài việc làm rõ niên đại, quy mô tòa thành, còn mong đợi phát hiện những khuôn đúc trống đồng khác và nhất là phát hiện ra công xưởng đúc trống đồng Đông Sơn tại đây.Và bây giờ, hiện diện trước mắt chúng ta, trong cuộc trưng bày nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, đồng thời nhân đón chào kỷ niệm 100 năm nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, là những mảnh khuôn đất nung biết nói, biết hát hùng ca như để ghi nhận và ngợi ca thành tựu không thể chối cãi của tổ tiên ta, những người thợ Đông Sơn đã tạo ra những tác phẩm đúc đồng diệu kỳ ngay trên mảnh đất quê hương mình trong thời kỳ mà quyền điều hành đất nước nằm trong tay các thứ sử ngoại bang.

Không còn nghi ngờ gì nữa, thành Lũng Khê (Luy Lâu) là một trung tâm đúc đồng Đông Sơn giai đoạn muộn. Di duệ của trung tâm đúc đồng này còn mãi đến ngày nay với các làng đúc đồng cổ như Rồng, Rí, Nôm, Hè, Bưởi, Vó, Ó, Pheo ... Trong thực tế khảo cổ học đã phát hiện nhiều đồ đồng Đông Sơn có khắc minh văn nói rõ là do các thợ họ Lý người Tây Vu (Tây Âu) đúc. Tây Vu là tên "bộ" và trở thành huyện lớn nhất trong quận Giao Chỉ thời thuộc Hán. Cổ Loa, Luy Lâu là tâm điểm của huyện này.

Tôi chợt nhớ việc vua Lý hồi thế kỷ 11 từng giao cho đại sư Minh Không đúc chuông lớn. Ông đã về vùng Luy Lâu, Tam Á này để tuyển thợ họ Dương vùng Rồng, Rí lên lập xưởng đúc tại bờ Hồ Tây (nay là Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch).

Trống đồng cổ Đông Nam Á đã trở thành hiện tượng di sản thế giới từ cuối thế kỷ 19, khi nó đại diện cho một văn minh đồng thau khác với Ấn Độ và Trung Quốc ở phương Đông.

(Còn tiếp)

Người Đông Sơn vẽ, nặn người Đông Sơn (kỳ 4): Thuyền Đông Sơn - từ thực tiễn tới sáng tạo lộng lẫy

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022