Tuần trước, NSND Nguyễn Hữu Phần đã gửi lại cõi tạm tuổi 78 (1947 - 2024) phiêu du miền mây trắng trong nỗi nhớ tiếc của gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp, học trò và khán giả yêu điện ảnh.
Tôi có nhiều dịp gặp đạo diễn này trong các hoạt động, sự kiện của ngành điện ảnh và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội mà ông là giáo viên thỉnh giảng. Khi biết tôi cũng là sinh viên văn khoa sư phạm, ông hồ hởi, hồn nhiên, chân thành kể bao chuyện, từ thầy giáo dạy văn đến cái duyên điện ảnh bám bện cả đời không e dè giấu giữ.
Ông thường nói: Cuộc đời là những chuyến đi. Những chuyến đi "học sàng khôn" theo chiều dài đất nước, tìm hiểu các vùng văn hóa là rất cần thiết cho với mỗi người, nhất là người lao động sáng tạo.
Đạo diễn NSND Nguyễn Hữu Phần (cầm loa) trên trường quay
Cách đây chừng 5 năm, anh Nguyễn Linh - Hiệu trưởng trường THPT Hòn Gai (Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nhờ tôi tìm nghệ sĩ giúp làm bộ phim tài liệu về trường nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường cấp III đầu tiên của vùng mỏ Quảng Ninh. Tôi làm cầu nối cho hiệu trưởng gặp NSND Nguyễn Hữu Phần trao đổi đặt hàng. Tôi cung cấp cho ông một số tài liệu cần thiết và cùng tham gia khâu kịch bản. Ông đã về Hạ Long gặp hiệu trưởng và giáo viên trường nắm bắt tình hình để có nguồn tư liệu tin cậy cho phim. Nhưng rất tiếc duyên chưa đến và NSND Nguyễn Hữu Phần đành lỗi hẹn với trường THPT Hòn Gai. Mỗi lần gặp tôi, ông vẫn tiếc nuối vì không giúp được trường thực hiện bộ phim này.
Đau đáu sự "xê dịch"
NSND Nguyễn Hữu Phần sinh ngày 10/1/1948 tại Hà Nội. Tổ quán ông ở Long Hưng (Văn Giang, Hưng Yên). Và 77 năm sau tro cốt của người con Văn Giang đã được gửi về chính mảnh đất quê hương.
Là con út trong gia đình có 6 anh chị em, ông mồ côi cha khi mới 3 tuổi. Tốt nghiệp Khoa Văn, trường Đại học Sư phạm, ông trở thành thầy giáo dạy văn. Tưởng như yên vị với nghề, nhưng sau 3 năm gắn bó, ông đã "xê dịch" sang con đường làm phim, bắt đầu từ chân phụ quay cho Xưởng phim Truyện Việt Nam, đảm nhận vai trò thư ký cho các đạo diễn Phạm Văn Khoa, Bắc Xuyến, Nguyễn Ngọc Chung, Trần Vũ; chấp nhận hưởng lương của người lao động không bằng cấp.
Đam mê, tâm huyết, có ý thức học tập, nâng cao hiểu biết, trải nghiệm với điện ảnh, ông xác định làm bất cứ việc gì từ thư ký đạo diễn đến phó đạo diễn.
Có vốn văn, ông tiếp tục học lớp đạo diễn khóa I, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cùng Khải Hưng, Đỗ Minh Tuấn, Vũ Châu... Tốt nghiệp năm 1983, ông làm phó đạo diễn các bộ phim điện ảnh Biệt động Sài Gòn, Sơn ca trong thành phố. Xác tín nghề nghiệp, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần luôn hướng tới sáng tạo, nỗ lực đổi mới, nỗ lực tìm tòi, nỗ lực tư duy... Với quan điểm đó, ông tránh đi theo những lối mòn dễ dãi, sự dựa dẫm, lười nhác. NSND Hữu Phần luôn chỉn chu, kỹ càng từ khâu kịch bản.
Năm 1992, ông cùng Lưu Trọng Ninh, Hoàng Nhuận Cầm, Phi Tiến Sơn thành lập Trung tâm Điện ảnh Trẻ (Hội Điện ảnh Việt Nam bảo trợ). Mang bên mình hành trang điện ảnh, kể từ phim truyện nhựa đầu tiên là Chiếc bình tiền kiếptrình làng năm 1990 với tư cách đạo diễn, ông đã thực hiện nhiều bộ phim: Em còn nhớ hay em đã quên, Giọt lệ Hạ Long (1992); Ngọt ngào và man trá, Mảnh đời của Huệ...
Khi chương trình Văn nghệ Chủ nhật thành lập vào cuối năm 1995, ông được NSND Khải Hưng mời cộng tác làm phim Lẽ nào em đã quên - bộ phim đầu tiên của chương trình Văn nghệ Chủ nhật do Nguyễn Hữu Phần làm đạo diễn. Phải cho đến khi Hãng phim Truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) được thành lập, ông mới chính thức chuyển vào biên chế của Hãng.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần (giữa) ở bối cảnh quay” Ma làng” phần 2
Chăm chút cho đề tài tình yêu, hạnh phúc
Tự nhận mình là người làm điện ảnh có xu hướng thiên về chất thơ, bắt đầu cho sự nghiệp đạo diễn của ông là thích những bộ phim lãng mạn về đề tài tình yêu, hạnh phúc như: Em còn nhớ hay em đã quên, Ngọt ngào và man trá, Mảnh đời của Huệ, Một lời nói thật...
Em còn nhớ hay em đã quên là phim ông giữ vai trò biên kịch và đồng đạo diễn với Phi Tiến Sơn. Bộ phim đã mang đến cho NSND Hữu Phần nhiều cảm xúc nhất về dự án phim điện ảnh lấy cảm hứng từ nội dung 11 ca khúc do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác. Các nhân vật trong phim được hư cấu, mượn hình tượng Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Diễm… với sự hóa thân rất ngọt của các diễn viên trẻ thời đó: Lê Công Tuấn Anh (vai Quang Sơn), Trương Ngọc Ánh (vai Diễm), Hoàng Hồng Nhị (vai Huyền My)… Bộ phim thành công được ghi nhận với 4 giải Bông sen Bạc - hạng mục Phim video tại LHP Việt Nam lần thứ XI (1993): Giải biên kịch xuất sắc, Giải phim hay nhất, Giải diễn viên, Giải âm nhạc/nhạc phim.
Cảnh trong phim “Em còn nhớ hay em đã quên”
Đạo diễn nói về diễn viên Lê Công Tuấn Anh với bao cảm xúc: "Chúng tôi yêu quý Lê Công Tuấn Anh vì cậu ấy hiền lành, chuyên nghiệp, chỉn chu và rất tình cảm. Mỗi lần ra Hà Nội đóng phim, cậu ấy đều đến nhà tôi ở. Chúng tôi trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với nhau rất nhiều. Ở Lê Công Tuấn Anh là người nghệ sĩ đầy ắp nỗi cô đơn".
Ngọt ngào và man trá là phim cuối cùng Lê Công Tuấn Anh tham gia do NSND Nguyễn Hữu Phần đạo diễn. Nam diễn viên ra đi khi bộ phim này đang phát sóng năm 1997. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chính là người viết và đọc điếu văn tại tang lễ của diễn viên Lê Công Tuấn Anh.
Năm 1996, ông tiếp tục cho ra mắt bộ phim Mảnh đời của Huệ (chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Võ Khắc Nghiêm).
"Phim của Nguyễn Hữu Phần sâu sắc và sinh động. Khi nhắc đến phim về nông thôn thì mọi người không thể không nhắc đến anh Phần" - đạo diễn Phi Tiến Sơn.
"Ông Phần nông thôn" và "ông Phần ma làng"
Khởi nghiệp với những bộ phim về tình yêu, ông lại tiếp tục "xê dịch" dấn thân vào dòng phim hiện thực - chính luận xã hội về đề tài nông thôn, nông dân.
Là con trai phố cổ Hà Nội, nhiều người ngạc nhiên ông có duyên với đề tài nông thôn, nông dân với các bộ phim nổi tiếng như Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình, Làng ma 10 năm sau. Tính dự báo, chiêm nghiệm quý giá và đậm đặc chất làng quê với những vấn đề nhức nhối, những số phận đặc biệt là yếu tố thu hút khán giả và đã thể hiện rất rõ khi ông xoáy sâu vào những mâu thuẫn gia đình, dòng họ, làng xóm, cái tốt/xấu đan xen... ở nông thôn trong bước chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại những năm đầu đổi mới. Các mâu thuẫn gia đình, dòng họ, làng xóm, được khắc họa tinh tế có chiều sâu.
Cảnh trong “Đất và người” - bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần
Đặc biệt, ông có biệt tài xây dựng các nhân vật điển hình đầy ám ảnh như Chu Văn Quềnh (nghệ sĩ Hán Văn Tình), ông Hàm (diễn viên Duy Hậu) trong phim Đất và người; ông Tòng (NSND Bùi Bài Bình), cô Ló (diễn viên Kim Oanh) trong Ma làng; ông Khuếnh (NSND Bùi Bài Bình) trong Gió làng Kình. Phim Đất và người được ông thực hiện từ kịch bản chuyển thể tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường; Phim Ma làng (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trịnh Thanh Phong).
Ông cho rằng mỗi loại hình có cách sáng tạo riêng: "Tiểu thuyết khiến người ta hình dung nhân vật theo trí tưởng tượng, còn phim là nhân vật cụ thể". Thực hiện các bộ phim này đã dần hình thành phong cách làm phim của ông. Các bộ phim của ông được công chúng nhắc nhớ đã góp phần mang đến cái nhìn mới về nông thôn thời hiện đại. Cái tên "ông Phần Ma làng", "ông Phần nông thôn" là cách gọi trân trọng, trìu mến của đồng nghiệp dành cho ông từ các bộ phim đó.
Cảnh trong phim “Ma làng”
Với lợi thế nghề văn, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần còn đã triển khai dự án chuyển thể những tác phẩm văn học nổi tiếng giai đoạn 1930 - 1945 như: Số đỏ, Bỉ vỏ, Tắt đèn... lên màn ảnh.
Chùm phim truyền hình về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của ông đã được ghi nhận của cơ quan chuyên môn và khán giả. Các bộ phim truyền hình Đất và người, Ma làng mang đến cho ông giải Đạo diễn xuất sắc tại Lễ trao giải Cánh diều năm 2002 và năm 2007. Bộ phim Gió làng Kình đoạt giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 28 (2009).
Với những đóng góp cho điện ảnh và truyền hình, năm 2012, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2015, đạo diễn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
NSND Nguyễn Hữu Phần (áo trắng, đeo kính) với bạn bè
Là một người năng động, xông xáo, cống hiến cho điện ảnh, truyền hình không giới hạn, sau khi nghỉ hưu (2015), ông và đồng nghiệp thành lập Công ty Cổ phần và truyền thông Hà Nội khởi động game show Hà Nội 36 phố phường. Ông tiếp tục làm phim; làm thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia; tham gia giảng dạy, truyền tình yêu, đam mê điện ảnh cho sinh viên, truyền nghề cho các đạo diễn trẻ; viết sách... cho tới khi tạm biệt cuộc đời.
"Sự cộng hưởng văn học - điện ảnh đã tạo nên phong cách riêng như chính lời đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Tôi là người làm điện ảnh có xu hướng thiên về chất thơ và thích những bộ phim lãng mạn về đề tài tình yêu, hạnh phúc".