Trong phát triển giá trị của sen Hà Nội, việc xây dựng các sản phẩm mang tính biểu tượng và chứa đựng câu chuyện văn hóa là vô cùng quan trọng - mà những gì đang diễn ra với trà sen Tây Hồ là ví dụ điển hình.

Hẳn, người Hà Nội vốn không lạ gì loại trà ướp hương sen Tây Hồ được làm từ sen bách diệp trứ danh. Đó không chỉ là một sản vật có tiếng, mà còn là một "di sản" văn hóa gắn với nghề truyền thống độc đáo trên đất kinh kỳ đang đứng trước nguy cơ mai một. 

Độc đáo nghề ướp trà sen

Theo nghệ nhân Lưu Thị Hiền, chủ cơ sở Trà sen Hiền Xiêm, trà ướp hương sen Tây Hồ là một thức uống tao nhã trong văn hóa Hà Nội. Nhắc đến nghề truyền thống ướp trà sen, không thể không nói tới phường Quảng An (Tây Hồ). Trải qua thời gian, ngày nay trà sen đã đem đến niềm tự hào cho người dân nơi đây. Tuy nhiên dưới sự cạnh tranh của thị trường, với phương pháp làm thủ công chịu nhiều áp lực, số hộ theo nghề ướp trà sen chỉ còn rất ít.

Nghệ nhân Lưu Thị Hiền (thứ 2 từ trái sang) và gia đìnhcó nhiều đời làm nghề ướp trà sen Tây Hồ. Ảnh: Nguyễn Hoa

Gia đình bà Hiền cũng là một trong số ít hộ ở Quảng An còn giữ nghề ướp trà sen truyền thống của người Tây Hồ xưa. Bà Hiền kể, ngay từ nhỏ bà đã biết tách cánh, phơi nhụy, xem bố mẹ ướp trà. Cứ thế, nghề ướp trà "ngấm" vào người lúc nào không hay.

Gia đình nghệ nhân này có nhiều đời làm nghề ướp trà sen và hiện nay toàn bộ con cháu đều tham gia, gìn giữ nghề mà ông cha để lại. Hàng ngày, vợ chồng bà Hiền cùng các con, cháu miệt mài ướp trà sen. Mọi người trong gia đình từ già đến trẻ, mỗi người một việc, từ tách cánh, phơi nhụy, tách lấy những hạt gạo để riêng rất kỳ công. Việc lấy gạo sen là công đoạn khó, người làm phải nhẹ nhàng, khéo léo sao cho gạo sen không bị vỡ nát, bay mất hương thơm.

chuatranquoc-1721088693778493790400.jpg

Đầm trồng sen trước chùa Trấn Quốc nhìn từ đường Cổ Ngư ven Hồ Tây xưa (nay là đường Thanh Niên). Ảnh Tư liệu

Công đoạn sấy trà cũng quan trọng không kém. Người làm phải biết độ nóng, nguội của trà, phải kiên trì "nâng giấc" trong từng mẻ sấy. Trà được sấy theo cách truyền thống bằng than hoa để cho ra hương thơm đặc trưng. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu.

"Để ướp được 1kg trà sen phải có 1.500 bông hoa sen cộng với loại trà ngon, sạch. Hoa sen chúng tôi dùng ướp trà là sen bách diệp trồng tại Hồ Tây - loại hoa có 100 cánh vừa được sắc, vừa được hương bởi có nhiều gạo sen. Phải qua đủ 21 ngày với 7 lần vào hương gạo sen và 7 lần sấy mới có được trà sen tuyệt hảo" - bà Hiền tiết lộ.

Về chi phí, với mức giá 10.000 đồng/ bông hoa sen hiện nay, để làm 1kg trà sen, chi phí đầu vào đã lên tới trên chục triệu, chưa kể tiền nhân công. Kể vậy để thấy làm nghề ướp trà hương sen không chỉ đầy kỳ công trong chế biến mà còn cần bỏ nhiều vốn liếng với lợi nhuận không lời lãi là bao. Những nghệ nhận như bà Hiền chủ yếu vẫn làm vì tình yêu với nghề truyền thống.

nghenhan-1721088693798863353648.jpg

Nghệ nhân Lưu Thị Hiền (đứng bìa phải) trong không gian trải nghiệm trà sen Tây Hồ tại Lễ hội sen Hà Nội

Tâm huyết gìn giữ "nghề ông cha"

Đến nay, nghệ nhân Lưu Thị Hiền đã gần 80 tuổi, gắn bó với nghề ướp trà sen đã hơn 50 năm. Mặc dù trải qua những thăng trầm, vất vả nhưng chưa khi nào bàthấy chán nản công việc .

"Đến giờ, tôi làm trà sen vì đam mê chứ không đặt nặng chuyện lỗ, lãi. Nghề này vốn nhiều vất vả, thức khuya, dậy sớm, phải "nâng giấc" cho từng mẻ trà sấy bằng phương pháp thủ công. Những ngày nắng nóng, ít người chịu được sức nóng trong lò sấy than củi để sấy trà, bởi vậy nhiều hộ đã bỏ nghề" - bà Hiền kể - "Thực sự, vào những ngày nắng nóng, cộng nền nhiệt của lò sấy như thế, nếu không đam mê, chắc chắn tôi sẽ không thể theo đuổi được nghề này. Biết rằng nghề này nhiều vất vả nhưng tôi vẫn muốn giữ nghề của gia đình, Hiện tại tôi truyền bí quyết làm trà cho các con tiếp tục gìn giữ nghề của ông cha để lại".

sanpham-1721088693785189911455.jpg

Sản phẩm trà sen Hiền Xiêm của gia đình nghệ nhân Lưu Thị Hiền đạt chứng nhận OCOP 4 sao

"Tôi luôn có một niềm đam mê và hãnh diện về nghề với những cảm xúc khó có thể đo, đếm được. Với tôi, làm trà sen là để gói những nét tinh hoa, đặc trưng của Hồ Tây gửi tới khách hàng trong nước và quốc tế, để quảng bá thức trà nổi tiếng của làng Quảng An, của người Hà Nội" - bà nói thêm.

Cứ vậy, đến vụ sen là gia đình bà Hiền lại làm trà. "Ngoài việc gìn giữ văn hóa của người Hà Nội, nghề này còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho những lao động yếu thế giản đơn" - nghệ nhân bày tỏ -  "Chúng tôi mong nghề làm trà sen được quảng bá để giữ nghề truyền thống của người Hà Nội chứ không phục vụ mục đích kinh doanh, bởi lợi nhuận nghề đem lại không lớn như các ngành nghề khác".

"Nghề làm trà sen đem lại hương thơm cho gia đình và cho người làm, không mang tính chất cạnh tranh kinh tế" - nghệ nhân Lưu Thị Hiền.

Ước vọng về "làng nghề Trà sen Quảng An"

Như lời kể, trong nhiều năm qua, gia đình nghệ nhân Lưu Thị Hiền luôn được các cấp lãnh đạo, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để gìn giữ làng nghề, được tham gia giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các sự kiện lớn, các hội chợ kết nối giao thương với các quận, huyện, tỉnh thành.

damsen-17210886938061264143849.jpg

Hồ Tây xưa là một vùng trồng sen lớn của Hà Nội. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, gia đình bà Hiền cũng được tạo điều kiện tham gia chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm)của quận Tây Hồ và thành phố. Đến nay, thương hiệu "Chè sen Quảng An - tinh hoa chè Việt" của gia đình đã được công nhận từ năm 2013 và tiếp tục được phát triển, với thương hiệu trà sen Hiền Xiêm là đại diện duy nhất đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Thực tế, sản phẩm Trà sen Hiền Xiêm của gia đình nghệ nhân Lưu Thị Hiền cũng từng được lựa chọn, cho phép phục vụ tại một số sự kiện quan trọng, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội năm 2019.

haisen-17210886938691434125229.jpg

Thu hoạch hoa sen ở Hồ Tây khi xưa. Ảnh tư liệu

Trong thời gian tới, để tiếp tục gìn giữ và phát triển làng nghề, nghệ nhân Lưu Thị Hiền mong muốn các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trên nhiều phương diện cả ở khía cạnh sản xuất lẫn giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Như lời bà, đó là việc để người dân Tây Hồ trực tiếp làm nghề truyền thống tại địa phương và được tham gia trồng sen bách diệp tại tất cả các hồ nhỏ xung quanh Hồ Tây; tiếp tục được quan tâm hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật và được phổ biến những kinh nghiệm, những công nghệ mới tiên tiến trong việc chăm sóc cây sen - nguồn nguyên liệu chính để sản xuất trà sen; tạo điều kiện cho các gia đình còn làm nghề có địa điểm thuận lợi để giới thiệu, quảng bá sản phẩm trà sen Tây Hồ như một cách giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của địa phương; sớm công nhận "Làng nghề trà sen Quảng An"…

Và như thế, câu chuyện giữ nghề ướp trà sen Tây Hồ truyền thống của gia đình nghệ nhân Lưu Thị Hiền có lẽ là một minh chứng rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng những sản phẩm mang tính biểu tượng để định vị rõ hơn thương hiệu sen Hà Nội.

Đa dạng sản phẩm từ sen

Tính đến hiện nay, Hà Nội đã phân hạng 18 sản phẩm OCOP từ cây sen. Những sản phẩm có giá trị cao trong số này phải kể tới lụa tơ sen Phùng Xá (Mỹ Đức), hạt sen Đầm Long (Ba Vì), trà lá sen Sóc Sơn, trà tâm sen Thanh Trì, xôi cốm hạt sen Ngô Thức (Nam Từ Liêm)…

(Còn tiếp)

Nâng tầm giá trị sen Hà Nội (kỳ 1): Từ sen bách diệp Tây Hồ…

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022