Sự kiện diễn ra từ ngày 20 đến 29/7, do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp tổ chức, kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ. 69 tác phẩm của 62 tác giả được lựa chọn từ bộ sưu tập của hai bảo tàng.
Trong đó, hình ảnh người lính kiên cường chiến đấu được thể hiện qua ký họa Đồng chí Trung Kiên và Đồng chí Khương y tá trong trận Bình Giã của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu... Những chiến sĩ đã hy sinh vì dân tộc được khắc họa trong tranh Nguyễn Văn Trỗi (họa sĩ Đạo Khánh), Tô Vĩnh Diện chèn pháo (Dương Hướng Minh)... Các lực lượng chung sức làm nên những chiến công được tái hiện qua Mở đường thắng lợi (Ngô Mạnh Lân), Nuôi quân ( Nguyễn Trọng Hợp), Rừng cười (Nguyễn Trường Linh)...
Không gian trưng bày triển lãm. Ảnh: Hiểu Nhân
Đời sống tinh thần của chiến sĩ, thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi như bức Trong lán dân quân (Nguyễn Văn Chung), Thương binh xem triển lãm (Xuân Hồng), Đêm trăng qua vọng gác (Mai Long), Đọc báo cho thương binh (Trần Hữu Tê)... Tình cảm quân dân được bộc lộ qua Bà má miền Trung (Nguyễn Văn Chư), Đón anh về (nhà điêu khắc Lê Thược), Nuôi dấu thương binh (họa sĩ Thọ), Giã gạo nuôi quân (Phạm Việt)...
Những mất mát, đau thương mà người dân phải chịu đựng trong chiến tranh tái hiện qua tác phẩm Anh thương binh (nhà điêu khắc Phạm Mười), Ca mổ trong hang sơ tán (họa sĩ Trần Ngọc Hải)... Và hậu quả sau chiến tranh hiện lên trong Không trở về, Sau cuộc chiến, Người đồng đội được tìm lại, Người đàn bà ở phố Khâm Thiên, Dioxin...
>>> Một số tác phẩm tại triển lãm "Còn mãi với thời gian"
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - cho biết triển lãm giới thiệu các tác phẩm đa dạng về bút pháp, thể loại, chất liệu, đưa người xem hồi tưởng về thời chiến gian khổ mà hào hùng của dân tộc. "Sự kết hợp của hai bảo tàng mang đến nhiều tác phẩm chất lượng hơn. Qua đó, chúng tôi muốn truyền tải tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng hòa bình, lòng tri ân, trân trọng và biết ơn những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc, vì cuộc sống bình yên tươi đẹp hôm nay", ông nói.
Đại tá Lê Duy Ứng bên tác phẩm "Bài ca người mẹ", chất liệu gỗ, kích thước 98x45x40 cm. Ảnh: Hiểu Nhân
Nhiều họa sĩ, chiến sĩ và người thưởng lãm xúc động khi nhớ về thời chiến qua các tác phẩm. Nhà điêu khắc, họa sĩ, đại tá Lê Duy Ứng góp mặt tại triển lãm với tượng gỗ Bài ca người mẹ. Tác phẩm được nghệ sĩ thực hiện năm 1993, trên gỗ cây mít trong vườn nhà, mô tả người mẹ ôm chú chim bồ câu - biểu tượng hòa bình và cây đàn. Ông cho biết đó là hình tượng mẹ đẻ, cũng là mẹ của nhiều chiến sĩ trong thời chiến. "Bố tôi là bộ đội chống Pháp, mẹ ở nhà nuôi một đàn con. Thậm chí, năm tôi 5 tuổi đã cùng mẹ chạy vào trong rừng trốn giặc. Bà yêu hòa bình và luôn tin tưởng vào ngày giải phóng dân tộc. Mẹ tôi cũng rất yêu ca nhạc, bà hay hát điệu hò khoan. Bà cũng hay đàn, đọc sách vở cho tôi nghe từ bé. Từ những tình cảm, ký ức đó, tôi đưa vào trong tác phẩm", ông nói.
Bà Nguyễn Thị Trâm - vợ họa sĩ Phạm Ngọc Liệu - khóc khi nhìn thấy tác phẩm Quảng trị năm 1972 của chồng tại sự kiện. Bà cho biết năm 1972, họa sĩ khi đó là sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam được cử đi thực tế tại chiến trường. Tác phẩm ký họa sau đó được ông thể hiện thành hai bản sơn dầu - trưng bày tại triển lãm - và sơn mài - đang lưu giữ tại nhà riêng. "Chồng tôi có gần 1.000 bức ký họa về chiến tranh. Trong đó bức vẽ này tái hiện sự ác liệt của chiến trường năm đó và những người con Quảng Trị kiên cường giữ lấy mảnh đất của quê hương. Năm nay tròn 50 năm kỷ niệm 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị nên tác phẩm càng có ý nghĩa đặc biệt hơn", bà nói.
Bà Nguyễn Thị Trâm bên tác phẩm của chồng - cố họa sĩ Phạm Ngọc Liệu. Ảnh: Hiểu Nhân
Họa sĩ Trần Ngọc Hải - tác giả bức Ca mổ trong hang sơ tán - nhớ lại thời gian cùng các y, bác sĩ cứu sống cho chiến sĩ bị thương trong cuộc chiến. "Trong tranh là tôi cùng các đồng đội của mình. Khi đó, có những đêm chúng tôi phải thực hiện đến 45 ca mổ, cấp cứu để giành giật sự sống cho anh em. Có những lúc mệt mỏi nhưng nhìn các chiến sĩ cận kề sống chết, tôi phải xốc lại tinh thần để làm việc. Thời đó gian khổ mà hào hùng, mất mát, đau thương nhưng cũng đầy vinh quang", ông nói.
Hiểu Nhân