Tôi 33 tuổi, là con trai duy nhất của bố tôi – một cán bộ nghỉ hưu. Mẹ tôi mất từ khi tôi học lớp 7, để lại bố tôi gà trống nuôi con suốt mấy năm ròng. Năm tôi 21 tuổi, bố tái hôn với cô Thủy - người phụ nữ góa chồng, có một đứa con riêng, lúc đó học lớp 8.
Tôi không phản đối cuộc hôn nhân đó, vì thấy cô Thủy là người giỏi giang, tháo vát, nói năng đàng hoàng. Cô làm kinh doanh, mở một chuỗi tiệm bánh trong nội thành, có xe riêng, có nhà mặt phố. Tôi thậm chí từng nghĩ bố tôi lấy được người như cô là phúc phần cuối đời.
Sau khi về sống cùng, cô Thủy không can thiệp vào việc học hành hay đời sống cá nhân của tôi, nhưng luôn quan tâm đúng mực. Cô thường hỏi tôi ăn uống thế nào, cần gì thì bảo, rồi lâu lâu đưa cho tôi mấy triệu gọi là "mẹ kế nhưng vẫn là mẹ, mẹ cho mà trang trải cuộc sống".
Còn Hưng - con trai riêng của cô - thì sống với bà ngoại. Tôi và nó ít khi gặp nhau, phần vì khoảng cách tuổi, phần vì cô Thủy cũng chẳng muốn nó đến nhà tôi nhiều. Tôi không thắc mắc vì mối quan hệ "liên kết gia đình" của chúng tôi vốn cũng chỉ đến thế.
3 năm trước, bố tôi qua đời vì tai biến. Tôi và cô Thủy sống cùng nhau, tình cảm không sâu sắc như mẹ con ruột nhưng cũng tử tế, bình yên. Cô càng ngày càng thành công, mở thêm mấy cửa hàng, mua thêm đất, đầu tư cổ phiếu. Tôi đi làm công ty, lương không cao, chỉ đủ sống. Có lần cô nói: "Con sống có tình, mẹ quý. Sau này mẹ có thế nào thì phần của mẹ cũng để lại cho con".
Tôi nghe mà cảm động nhưng không ngờ lời hứa đó lại thành sự thật quá nhanh.
Tháng sáu vừa rồi, cô phát hiện mình bị ung thư tụy giai đoạn cuối. Đó là một tin vừa bất ngờ vừa sốc nặng đối với chúng tôi. Người phụ nữ từng dẻo dai, khỏe mạnh, ngày ngày đi kiểm tra sổ sách, nay chỉ còn nằm trên giường, gầy rộc đi từng ngày.
Trong một buổi chiều, cô gọi tôi vào, lặng lẽ đưa cho tôi bản di chúc. Toàn bộ tài sản gồm 3 căn nhà, 4 cửa hàng đều để lại cho tôi, còn lại chỉ ghi vỏn vẹn một dòng: "Tặng Hưng 100 triệu để tự lo cuộc sống". Tôi nhìn mà không tin nổi.
Cô nhìn tôi, ánh mắt đờ đẫn nhưng vẫn dứt khoát: "Mẹ sống với con gần 10 năm. Con có hiếu, có nghĩa. Còn thằng Hưng, mẹ nuôi nó nhưng nó chỉ biết đòi hỏi. Mẹ không muốn tài sản mình tích cóp bị đốt vào những chuyện vô bổ. Con quản lý tài sản giúp mẹ, sau này nếu thằng Hưng khó khăn quá thì con giúp đỡ em nó, chỉ đưa cho nó ít tiền chi tiêu sinh hoạt, đừng cho nó nhiều mà hỏng người".

Ảnh minh họa
Tôi không biết nói gì, cũng không dám nghĩ xa. Nhưng 2 tuần sau, Hưng - đứa con trai mà cô Thủy nói là "chỉ biết đòi hỏi" - nghe được chuyện di chúc, không biết ai nói. Nó bắt đầu nhắn tin gọi điện, ban đầu là thăm hỏi mẹ, nhưng dần dần là chất vấn: "Tại sao mẹ không chia đều? Mẹ định cho hết cái thằng không cùng máu mủ à? Mẹ nghĩ mình bệnh rồi thì có quyền muốn làm gì thì làm hả? Hoang đường, hết sức hoang đường".
Ban đầu cô Thủy còn gượng trả lời, sau thì khóc rồi tắt máy. Nhưng Hưng không dừng lại, nó đến tận bệnh viện, đứng trước cửa phòng bệnh mắng chửi, làm ầm ĩ, bảo tôi là kẻ giảo hoạt, lừa lọc tài sản của mẹ nó.
Tôi kéo nó ra ngoài nói: "Em có thể giận mẹ, nhưng đừng làm phiền mẹ lúc này". Nó nhìn tôi, ánh mắt đỏ ngầu: "Anh cút đi. Từ đầu tới cuối anh là người ngoài, đừng đóng giả thằng con có hiếu".
Tôi không giận nó. Tôi chỉ thương cô Thủy, người mẹ ấy cả đời vất vả, khi về già lại phải nghe con ruột chửi rủa, tranh giành từng đồng bạc mà bà chưa kịp buông tay.
Tôi chỉ là một đứa con riêng - không phải máu mủ ruột thịt - bỗng nhiên đứng giữa một khối tài sản quá lớn và một đứa em đang hóa điên vì thù hận. Tôi không xin, cũng không ép, nhưng giờ lại thành kẻ bị ghét nhất.
Tôi có nên giữ lấy tất cả theo đúng di chúc, hay tìm cách chia bớt cho Hưng để cuộc sống đỡ rối loạn? Nhưng nếu tôi làm trái ý người đang hấp hối, liệu đó có phải là một sự bất hiếu khác? Và quan trọng nhất, làm sao để cô Thủy có thể yên lòng ra đi mà không bị chính con ruột mình ám ảnh trong những ngày cuối đời?