Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức khai mạc tại trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp, dưới sự chủ trì của Bulgaria - với vai trò Chủ tịch, do Giáo sư Nikolay Nenov đảm nhiệm. 

Phái đoàn Việt Nam đã tham dự sự kiện với sự hiện diện của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cùng đông đảo đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, địa phương có di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ 47 Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO tại Paris (Pháp) ngày 7/7/2025. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Kéo dài đến hết ngày 16/7/2025, kỳ họp lần này đặc biệt có ý nghĩa khi Ủy ban Di sản Thế giới sẽ xem xét đề cử khoảng 30 di sản mới để được ghi danh vào Danh sách Di sản Thế giới và mở rộng 2 di sản đã có trong danh sách. Một số di sản của Việt Nam cũng được đề cử trong danh sách lần này.

Theo dự kiến, trong 10 ngày làm việc tới, 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới sẽ quyết định những di sản nào sẽ được bổ sung vào Danh sách Di sản Thế giới, đồng thời thông qua nhiều quyết định quan trọng liên quan đến bảo tồn và quản lý các di sản hiện có đang bị đe dọa.

Một trong những trọng tâm của kỳ họp là đánh giá tình trạng bảo tồn của 248 di sản đã được công nhận, trong đó có cả những di sản nằm trong Danh sách Di sản Thế giới có nguy cơ. Bên cạnh đó, kỳ họp cũng sẽ đề ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ các di sản này khỏi những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, hoạt động con người và các yếu tố khác.

Kỳ họp lần này được điều hành bởi Ban Chủ tịch do Giáo sư Nikolay Nenov, đến từ Bulgaria, làm Chủ tịch, bà Joelle Bucyana (Rwanda) giữ vai trò Thư ký, cùng các Phó Chủ tịch đến từ Bỉ, Mexico, Qatar, Hàn Quốc và Zambia, với sự hỗ trợ tài chính từ Cộng hòa Bulgaria.

vnapotalkhaimackyhopthu47uybandisanthegioicuaunesco8136006-1751895458814532871439.jpg

Đại diện đoàn Việt Nam tham dự phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ 47 Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO tại Paris (Pháp) ngày 7/7/2025. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Bên cạnh các phiên họp chính thức, kỳ họp lần thứ 47 còn diễn ra nhiều sự kiện bên lề quan trọng nhằm thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Các hoạt động này gồm hội thảo và tọa đàm với chuyên đề "Xây dựng năng lực để cải thiện quản lý Di sản Thế giới", "Sử dụng Công ước Di sản Thế giới để thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kunming–Montreal", "Phân tích khoảng trống Di sản Thế giới được cập nhật", và sự kiện "Ra mắt phiên bản cập nhật Nền tảng bản đồ trực tuyến Di sản Thế giới" do Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO tổ chức.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, ngày 10/7, các đại biểu dự kiến tập trung thảo luận chủ đề "Xây dựng sự tham gia của các dân tộc bản địa trong khuôn khổ Công ước Di sản Thế giới", trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bao gồm tiếng nói của cộng đồng bản địa trong công tác bảo tồn di sản.

Một điểm nổi bật của kỳ họp năm nay là toàn bộ các phiên họp hàng ngày đều được phát trực tuyến công khai trên trang web chính thức của UNESCO tại địa chỉ whc.unesco.org/en/sessions/47com. Việc phát sóng không giới hạn số lượng người theo dõi và không yêu cầu đăng ký, cho thấy cam kết của UNESCO trong việc đảm bảo tính minh bạch và mở rộng khả năng tiếp cận thông tin cho công chúng toàn cầu.

UNESCO được thành lập vào ngày 16/11/1945 và Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức này từ tháng 7/1976, đánh dấu một trong những bước đi quan trọng trong quá trình hội nhập thế giới.

vnapotalkhaimackyhopthu47uybandisanthegioicuaunesco8136021-1751895458851673457930.jpg

Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Công ước Di sản Thế giới UNESCO là một trong những hiệp ước bảo tồn quốc tế được chấp nhận rộng rãi nhất, hiện được 196 quốc gia phê chuẩn. Ủy ban Di sản Thế giới là một trong hai cơ quan quản lý Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Đây cũng là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của Tổ chức UNESCO, có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản Thế giới.

Ủy ban gồm đại diện của 21 quốc gia thành viên, được bầu chọn với nhiệm kỳ 4 năm. Các thành viên sẽ tiến hành thảo luận và bỏ phiếu đối với các quyết định quan trọng liên quan đến Công ước Di sản Thế giới. Việt Nam đã được bầu làm thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu ủng hộ rất cao.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đóng vai trò là cơ quan tư vấn chính thức về thiên nhiên cho Ủy ban Di sản Thế giới. Trong năm qua, IUCN đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng và các chuyến thực địa để đưa ra khuyến nghị kỹ thuật về việc đánh giá các di sản tiềm năng mới và tình trạng bảo tồn của các di sản tự nhiên hiện có, bao gồm cả những di sản trong Danh sách Di sản Thế giới có nguy cơ.

Kỳ họp thứ 47 này được kỳ vọng sẽ đưa ra những quyết định quan trọng về việc bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của nhân loại, đồng thời đánh dấu những bước tiến mới trong công tác bảo tồn di sản toàn cầu. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới và đại diện từ nhiều quốc gia, kỳ họp hứa hẹn sẽ mang lại những đóng góp thiết thực cho việc bảo vệ di sản chung của nhân loại cho các thế hệ tương lai.

XEM THÊM TIN TỨC THỜI SỰ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022