Một thông tin đáng chú ý trong đời sống di sản: Tháng trước, đoàn chuyên gia của UNESCO đã hoàn thành chuyến khảo sát và đánh giá thực địa tại Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). 

Theo đó, các báo cáo sẽ được trình lên UNESCO để đưa ra kết quả cuối cùng về việc tái thẩm định danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho không gian này (dự kiến công bố vào tháng 9 tới).

Cần nhắc lại, theo quy định, các công viên địa chất toàn cầu của UNESCO sẽ được tái thẩm định theo chu kỳ khoảng 4 năm/ lần.

Thác Bản Giốc là một thắng cảnh nổi tiếng thế giới, điểm đến quan trọng nhất của tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Ảnh: TTXVN phát

Tại Việt Nam, Công viên địa chất Cao Bằng được thành lập vào năm 2017 và tới năm 2018 được UNESCO ghi danh vào mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Tiếp đó, năm 2022, công viên này từng được UNESCO thẩm định và tái công nhận danh hiệu.

Hiện, với những đánh giá tích cực được chia sẻ từ đoàn chuyên gia UNESCO, có thể tin rằng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng sẽ tiếp tục giữ vững danh xưng quốc tế này. Nhưng vượt lên câu chuyện "duy trì danh hiệu", chúng ta nên hướng tới câu hỏi lớn hơn: Làm sao để quần thể này được khai thác và phát huy hết tiềm năng vốn có?

Nhìn lại, Cao Bằng là 1 trong những tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn bậc nhất cả nước. Nhưng trên vùng đất ấy, Công viên địa chất Non nước lại là một "kho báu" địa chất - địa mạo được hình thành suốt 500 triệu năm, trải rộng hơn 3.200km², chứa đựng hàng trăm điểm di sản và cảnh quan, cùng nhiều giá trị "mềm" về văn hóa phi vật thể.

vnapotalcaobangphathuytotgiatricongviendiachatnonnuoctoancauunesco7547471-1751932130158435310689.jpg

Thung lũng Xuân Trường nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Ảnh: TTXVN phát

Ở một địa phương miền núi - nơi quá trình công nghiệp hóa hay đô thị hóa không phải là con đường dễ đi - du lịch gắn với di sản chính là 1 trong những cơ hội phát triển khả thi và bền vững. Và để biến cơ hội đó thành hiện thực, địa phương cần nhìn công viên địa chất không chỉ như một quần thể du lịch, mà như một mô hình phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Tại đó, việc khai thác công viên địa chất phải gắn với các mô hình phát triển có chiều sâu, đòi hỏi tài nguyên sẵn có được tiếp cận dưới nhiều lăng kính: Kinh tế, giáo dục, văn hóa, cộng đồng - với những tuyến du lịch có nội dung, làng nghề có sinh kế bền vững, ngôn ngữ bản địa được bảo tồn, và không gian sống nơi người dân tự hào kể câu chuyện của mình với du khách.

***

Không ngẫu nhiên khi trong đợt khảo sát vừa qua, các chuyên gia UNESCO đã chỉ rõ: Công viên địa chất Cao Bằng cần chia sẻ lợi ích nhiều hơn với cộng đồng, nhất là các làng nghề; cần mở rộng các hoạt động bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số; cần xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai khi lượng khách du lịch tăng nhanh trong tương lai…

Những khuyến nghị ấy cho thấy: Dù công viên này trong những năm qua đã đi đúng hướng, bước đầu tạo được sức hút từ tài nguyên sẵn có, nhưng vẫn còn nhiều phần việc cần tiếp tục triển khai để khai thác hết tiềm năng từ diện tích hơn 3.200km² của mình.

Bởi với quy mô rộng lớn như vậy, sự phát triển của một công viên địa chất không thể chỉ dựa vào hạ tầng. Nó cần một hệ sinh thái đồng bộ - nơi người dân hiểu rõ giá trị nơi mình sống, chính quyền coi du lịch là một chiến lược dài hạn chứ không chỉ là một ngành đơn lẻ, còn du khách được cung cấp không chỉ là trải nghiệm, mà còn là tri thức và kết nối văn hóa.

vnapotalcaobangphathuytotgiatricongviendiachatnonnuoctoancauunesco7547478-17519322025371117598184.jpg

Đèo Khau Cốc Chà, một con đèo mang vẻ đẹp hùng vỹ của thiên núi rừng trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Ảnh: TTXVN phát

Như chia sẻ từ địa phương, Cao Bằng đang xây dựng chương trình hành động mới cho giai đoạn 2026 - 2030. Đó là một tín hiệu tích cực, nhưng chắc chắn vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn - khi mà phát triển bền vững di sản luôn là một quá trình đòi hỏi sự tích lũy và kiên nhẫn.

Và, điều được trông đợi ở Cao Bằng - cũng như các địa phương trên cả nước sở hữu công viên địa chất - là một chiến lược đủ dài hơi. Để trong 10 hay 20 năm tới, khi du khách quay trở lại, họ sẽ không chỉ thấy một công viên địa chất vẫn giữ được danh hiệu, mà còn là một hình mẫu cho phát triển từ di sản.

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022