Triển lãm Một hành trình, nhìn lại 30 năm chuyên nghiệp của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, đang diễn ra cùng lúc tại 2 địa điểm là Nhà Trưng bày triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) và Sann - The house of Art (106 Nguyễn Văn Hưởng, TP Thủ Đức). Triển lãm tuyển lựa hơn 90 tác phẩm từ lụa cho đến sơn dầu, giấy dó, acrylic… để trưng bày.
Nhận xét về phong cách sáng tác của Bùi Tiến Tuấn, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nói: "Trong mỹ thuật, ranh giới giữa thánh đường nghệ thuật và sự dung tục rất mong manh. Riêng về tranh lụa, rất may là Bùi Tiến Tuấn đã phá cách táo bạo nhưng vẫn ở lại bên đây làn ranh của sự sang trọng và mỹ cảm".
Từ nhận xét này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện thân tình với chàng họa sĩ được mệnh danh là "Tuấn lụa".
Hoạ sĩ Bùi Tiến Tuấn
* Hơn 30 năm sáng tác, quả là một hành trình ấn tượng. Thế nhưng, để được mệnh danh là người thổi một sắc thái mới vào tranh lụa Việt Nam, anh đã bắt đầu như thế nào, thưa anh?
- Ngay từ đầu tôi đã chọn tranh lụa để bắt đầu cho hành trình của mình. Thời điểm ấy, phong cách sáng tác của tôi không đủ sức hấp dẫn công chúng. Tôi loay hoay tìm kiếm và chuyển sang sơn dầu và nhiều phong cách khác. Tôi lại gặp thất bại. Có lúc tôi đã suy nghĩ nghiêm túc về con đường hội họa của mình.
Thế rồi, vì đam mê cháy bỏng và đang ở độ tuổi trẻ trung, nhiều năng lượng, tôi quyết định bắt đầu lại với tranh lụa. Tôi tặng một tác phẩm lụa của mình cho một nghệ sĩ tiền bối. Ông ấy xem xong và xác quyết rằng tôi sắp nổi tiếng. Tôi vừa mừng vừa không biết tiên đoán ấy như thế nào, nhưng đó là nguồn động viên mạnh mẽ, đã thúc giục tôi tiến bước. Đến giờ đã là 30 năm.

Tác phẩm “Tuổi thần tiên 3” (lụa)
* Tranh lụa thiếu nữ của anh mang màu sắc hiện đại, khác hẳn với phong cách tranh lụa đậm nét truyền thống của các tiền bối trứ danh như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ… Có phải sự tương phản này giúp anh thành công?
- Có lẽ vậy. Tôi nghĩ rằng đời sống xã hội thay đổi khiến tâm lý thưởng thức của công chúng thay đổi theo. Nếu cần một bức vẽ lụa thiếu nữ theo lối xưa, người ta sẽ tìm về các bậc tiền bối thời Đông Dương hoặc sau đó một chút. Nếu không chọn lối đi khác, tôi chỉ là chiếc bóng mờ nhạt.
Tôi đưa vào tác phẩm của mình nhiều sắc thái hiện đại của thị thành, trong mọi góc cạnh, mà nói theo ngôn ngữ phim ảnh bây giờ, là người xem sẽ thấy mình trong đó. Hình như điều này đã chạm vào công chúng và họ đã xem tôi như là người giúp hồi sinh dòng tranh lụa Việt Nam.

Khai mạc rất đông người tham dự
* Các thiếu nữ trong tranh lụa của anh luôn biến dạng về hình thể, nhưng màu sắc và đường nét sang trọng và phảng phất chút gì đó của tranh Nhật Bản. Vậy những nhà sưu tầm tranh của anh là người Việt Nam hay người nước ngoài?
- Phần lớn người mua tranh của tôi là người Việt Nam. Đó là những người mà tôi nghĩ, họ đã dạo qua các bảo tàng, các phòng tranh thế giới rất nhiều lần. Họ có một phông nền kiến thức và sự trải nghiệm sâu sắc về hội họa. Tôi thực sự cảm ơn về sự đồng cảm của những tâm hồn đồng điệu.

Một góc của triển lãm
* Ngày nay, không phải họa sĩ Việt Nam nào cũng có thể ung dung tự tại sống bằng nét cọ của mình, trường hợp của anh thế nào, thưa anh?
- Tôi đã và đang sống bằng việc vẽ và bán tranh. Tôi đang toàn tâm toàn ý với công việc sáng tác mà không phải lo lắng gì khác. Một vài đồng nghiệp của tôi cũng sống ung dung với nghề, nhưng đồng tình với bạn, để sống thuần túy với hội họa, không phải là điều đơn giản.

* Gần 100 tác phẩm trong triển lãm lần này được anh sáng tác trong bao lâu?
- Bao gồm những tác phẩm cách đây nhiều năm và những sáng tác mới. Tôi có một sự chắt lọc nhất định để dành riêng cho cột mốc 30 năm.

* Trong các tác phẩm của anh người ta bắt gặp đâu đó hình ảnh của Hội An, có phải đó là một trong những xúc cảm mãnh liệt nhất của anh?
- Chắc chắn rằng nghệ sĩ nào cũng sẽ tri ân quê hương trong sáng tác của họ, tôi cũng vậy. Tôi sinh ra tại Hội An thì làm sao hình ảnh quê hương không xuất hiện trong tác phẩm của tôi được chứ (cười).
* Nghe nói rằng, biến cố Covid-19 có tác động đến tâm trạng của anh rất nhiều, cụ thể là gì, thưa anh?
- Thời điểm ấy tôi sống chậm lại, suy tư và hoài niệm. Tôi nhớ về thập niên 1990, thời điểm mà người ta chưa sống vội vã như sau này. Tôi sáng tác trên tâm thế và ký ức ấy. Những ai đã từng sưu tập tranh của tôi, qua hành trình dài, sẽ nhận ra điều này.
* Cảm ơn anh rất nhiều!
Vài nét về Bùi Tiến Tuấn
Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971 tại Hội An, hiện sống tại TP.HCM.
Từ năm 1998 đến nay, anh đã tham gia vài chục triển lãm nhóm tại Việt Nam và quốc tế, đã thực hiện 12 triển lãm cá nhân, đã xuất bản 2 cuốn sách mỹ thuật là Hơi thở nhẹ (2018) và Nguyệt sáng gương trong (2021).
Anh đoạt Huy chương Bạc (không có Huy chương Vàng) tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010, với tác phẩm lụa Đàn bà, mặt nạ và bóng tối. Ngoài hàng trăm bộ sưu tập cá nhân, tranh của anh còn xuất hiện trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.