Được góp nhặt từ những tâm tình, hàn huyên giữa 2 người bạn đáng tin cậy, cuốn sách Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội (NXB Hội Nhà văn, Omega+ ấn hành) của Stan BH Tan-TangBau và Quyền Văn Minh ra đời cũng phiêu lãng và bồng bềnh như một điệu jazz.

Cuốn sách kể lại hành trình nhạc jazz ra đời ở Việt Nam, qua chuyện đời của nghệ sĩ Quyền Văn Minh - người được xem là "Bố già của nhạc jazz Việt". Và đó cũng chính là những câu chuyện được nối dài tại buổi trò chuyện Hành trình nhạc jazz ở Việt Nam qua câu chuyện của nghệ sĩ Quyền Văn Minh diễn ra cuối tuần qua trong khuôn khổ Lễ hội Tri thức nền tảng lần 1 do Công ty CP Sách Omega Việt Nam tổ chức từ 24-31/3.

Có đủ niềm tin để chơi jazz

Quyền Văn Minh được biết đến là tên tuổi hàng đầu trong nền nhạc jazz Việt Nam. Ông có một jazz club hoạt động được hơn 25 năm với cái tên Bình Minh's Jazz Club. Và nghệ sĩ tiết lộ niềm hạnh phúc của mình: Từ khi sáchra mắt, không khí ở Bình Minh's Jazz Club mỗi tối trở nên sội động hơn, thậm chí có những khi người Việt Nam nhiều hơn người nước ngoài. Điều này chưa từng có, bởi ở thời điểm mới hoạt động, ông vẫn thường ngồi đếm người Việt Nam vào club mỗi tối.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh biểu diễn trong buổi giao lưu

Chia sẻ về niềm tự hào này, Quyền Văn Minh nhớ lại ký ức về những năm tháng bắt đầu với jazz. Ông kể: "Năm 14 tuổi, vì không có điều kiện để học ở nhạc viện, tôi thường nghe qua radio, qua loa truyền thanh. Có những ngày Chủ nhật, tôi còn ra vườn hoa Hàng Đậu để nghe những chiếc loa nón phát những tác phẩm âm nhạc cổ điển vào cuối giờ chiều với ý định tìm hiểu, nghe được gì thì học nấy".

"Thế rồi, tôi nghĩ đơn giản rằng, nếu radio Việt Nam có nhạc thì quốc tế cũng phải có. Mình phải gắng đi tìm được một loại hình âm nhạc nào đó để vừa được chơi, được học, vừa có thể cân bằng với những người nghệ sĩ đang được học trong nhạc viện" - nghệ sĩ Quyền Văn Minh kể tiếp - "Tình cờ tôi được nghe nhạc jazz qua radio. Bố tôi là người rất nghiêm khắc. Tôi phải trùm chăn, nằm nghe nhạc rất nhỏnhưngvẫn bị bố phát hiện và bán cái radio đó đi. Khi ấy, tôi cũng mới chỉ được nghe jazz đơn giản như vậy".

Để rồi, sau đó nghệ sĩ Quyền Văn Minh tự mày mò, tập chơi những nét jazz đầu tiên mặc dù chưa hoàn chỉnh. Năm 1972, có một lần chơi jazz đám cưới, ông có duyên gặp gỡ được một số anh em là nghiên cứu sinh nước ngoài. Biết những người này có mang một số đĩa nhạc jazz ở Đức, ở Tiệp về, ông đề nghị đến xin nghe và được ghi lại. Nhưng khi ấy, ghi nhạc, nhất là nhạc jazz, lại rất khó và mất nhiều thời gian, nên Quyền Văn Minh cũng chỉ nhờ họ được một lần.

sach-16799627281731518351728.jpg

Sách “Chơi jazz ở Việt Nam: Quyền Văn Minh và nhạc jazz Hà Nội” (NXB Hội Nhà văn, Omega+ ấn hành)

Năm 1976, nghệ sĩ Quyền Văn Minh có chuyến đi đầu tiên vào TP.HCM để biểu diễn. Ông đến phố Trương Minh Giảng có bán rất nhiều băng cát-sét "viên gạch".

Lúc đó, mang theo cây kèn, tôi vào cửa hiệu để hỏi xin được mua một cuốn băng nhạc của người da đen. Ông chủ nói không có. Tôi liền nói mình là nhạc công, mở kèn ra và thổi thử xem có băng nhạc nào như thế không? Ông chủ tiệm nghe xong thấy xúc động, nói có và tìm được băng tôi cần mua" - nghệ sĩ kể - "Có 10 đồng, tôi mua được băng cát-sét và một cái máy nghe, gói chặt mang về. Khi ấy, chưa dám nghe ngay bởi sợ hỏng, ở đoàn cũng không ai được nghe. Về Hà Nội, tôi mới bắt đầu ngồi nghe và ghi lại, đến lúc ghi xong cũng là lúc hỏng mất băng".

Sau này, bản ghi từ cuốn băng cát-sét là tài liệu ban đầu về nhạc jazz rất quý để Quyền Văn Minh đã dạy rất nhiều học sinh của mình: "Quý ở chỗ tôi phải mất rất nhiều công sức, vừa nghe, vừa ghi ra bản nhạc. Chưa kể, vào thời điểm đó, thông tin không có, cho nên tập giấy nhạc jazz này khiến ai cũng muốn xin được chép lại và tập theo".

khonggian-1679962728201719167111.jpg

Không gian của Bình Minh’s Jazz Club

Đây mới chỉ là những lát cắt nhỏ được kể bởi chính nghệ sĩ Quyền Văn Minh trên hành trình sống và đam mê với jazz. Với ông, jazz còn là cuộc đời, như chính ông tự bạch trong sách: "Dù sinh ra ở Việt Nam, một đất nước cơ bản chẳng biết jazz là gì, tôi đã yêu nhạc jazz từ khi tôi nghe được nó trên radio vào năm 1968. Tôi đã chơi nhạc trong hơn 50 năm kể từ năm 1967, và tôi đã mở quán jazz club hơn 20 năm trước, vào năm 1997. Cái sự thật rằng tôi có đủ niềm tin vào bản thân để chơi jazz, tôi nghĩ, tự thân đã là một thành tựu! Trong những điều kiện hạn chế mà tôi học chơi jazz, tôi đã trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, và rồi trở thành một giáo viên saxophone và nhạc jazz".

"Câu chuyện của nghệ sĩ Quyền Văn Minh trong cuốn sách cho thấy mẫu hình của những người nghệ sĩ trẻ tuổi một thời. Họ đã mày mò, tự tìm tòi từ những cái bên ngoài để đưa vào chế biến, tạo ra những cái gọi là cái căn cước của chính họ, rất đặc trưng cho sáng tạo Việt Nam" - nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét.

"Phải làm sao bằng những nhạc cụ Tây phương vẫn chơi ra được tinh thần của ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam và mang đến một sự chuẩn mực" - nghệ sĩ jazz Quyền Văn Minh.

Công việc với cây saxophone không bao giờ ngừng lại

Tại buổi trò chuyện, trên tay cây kèn saxophone, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã ngẫu hứng độc tấu bản nhạc mang tên Giai điệu Sa Pa theo phong cách jazz tựa như tiếng khèn gọi bạn mỗi mùa ban nở nơi miền rẻo cao. Bản nhạc đã khiến nhiều khán giả trầm trồ bởi sự kỳ diệu của jazz, khi thấy một nhạc cụ rất Tây lại có thể phát ra những âm điệu rất Việt Nam quá đỗi thân quen. Đó cũng là cách để nghệ sĩ Quyền Văn Minh khai sinh ra dòng jazz Việt, tức người luôn đứng giữa ranh giới Việt Nam và phương Tây trong jazz.

Nghệ sĩ Quyền Văn Minh cho biết: "Khi phấn đấu chơi jazz hay đào luyện thế hệ sau, chúng tôi tham gia và vượt qua tất cả những festival jazz trên thế giới với một tinh thần phải có một tiếng nói riêng của người Việt Nam. Bởi nếu chúng tôi chơi theo nhạc jazz của quốc tế, dù có rất giỏi cũng không thể bằng họ. Cũng giống như họ không thể chơi jazz bằng thang âm chèo như chúng tôi. Do đó, chúng tôi phải tìm được một sự cân bằng giữa 2 dòng âm nhạc, giữa các dân tộc và giữa các nghệ sĩ chơi jazz với nhau".

giaoluu-16799627281832089927602.jpg

Trò chuyện Hành trình nhạc jazz ở Việt Nam qua câu chuyện của nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Ảnh: BTC

Với một thể loại âm nhạc phương Tây như jazz, nghệ sĩ Quyền Văn Minh không lựa chọn sử dụng những nhạc cụ dân tộc truyền thống Việt Nam để đưa vào nhạc jazz, bởi theo ông đó một sự kỳ lạ. "Các nhạc cụ dân tộc từ tranh, tre, nứa, lá đã được sử dụng và giới thiệu ra quốc tế rất nhiều. Thay vào đó, tôi muốn chứng minh một điều rằng tinh thần âm nhạc không phải thông qua nhạc cụ, mà tinh thần là ngôn ngữ âm nhạc của người Việt Nam" - ông nói - "Phải làm sao bằng những nhạc cụ Tây phương vẫn chơi ra được tinh thần của ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam và mang đến một sự chuẩn mực".

Với tinh thần âm nhạc lớn lao, suốt cuộc đời chơi jazz của mình, nghệ sĩ Quyền Văn Minh đã chứng minh rằng người Việt Nam cũng có một dòng âm nhạc có thể chơi thành jazz. Cụ thể, năm 1994, Quyền Văn Minh tổ chức thành công chương trình hòa nhạc của mình ở Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi công diễn 3 sáng tác jazz nguyên bản của chính ông từ âm nhạc dân gian Việt Nam, đánh dấu sự khai sinh của jazz Việt. Đến năm 1999, nghệ sĩ Quyền Văn Minh chính thức ra đĩa CD đầu tay ghi 8 tác phẩm âm nhạc dân gian Việt Nam chơi thành jazz.

Tới đây nghệ sĩ Quyền Văn Minh còn ấp ủ dự định làm đĩa CD với 9 bài của 9 tác giả khác nhau. Tại đó, mỗi nghệ sĩ chơi jazz sẽ viết 1 bài dựa trên một làn điệu dân gian nào đó, để ra mỗi bài đều có màu sắc riêng. Và đĩa đó có thể mang đến rất nhiều màu sắc khác nhau, bằng tinh thần âm nhạc của người Việt Nam với phong cách jazz.

Với tất cả những cống hiến cho jazz, tác giả Stan BH Tan-TangBau hoàn toàn có lý khi cho rằng câu chuyện về jazz ở Việt Nam được bắt đầu với câu chuyện đời của Quyền Văn Minh. Và câu chuyện đó vẫn sẽ còn được tiếp tục như giấc mơ của ông: "Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ chơi jazz ở Việt Nam. Vì jazz, tôi đã gặp nhiều gian khó. Vì jazz, tôi đã nhận nhiều hạnh phúc và vui thú. Giờ tôi đã nghỉ hưu ở nhạc viện, nhưng công việc với cây saxophone không bao giờ ngừng lại".

Dấu ấn "Bình Minh's Jazz Club"

Với Bình Minh's Jazz Club, nghệ sĩ Quyền Văn Minh cũng có những đóng góp đặc biệt quan trọng khi tạo nên một không gian công cộng cho các nhạc sĩ chơi jazz và người Việt nghe jazz một cách đúng nghĩa. Thực tế, hiếm có một club nhạc jazz nào trên thế giới hoạt động 7/7 ngày, và cũng hiếm mô hình hoạt động âm nhạc nào tại Việt Nam có thể trụ vững trong suốt 25 năm, thậm chí hứa hẹn có nhiều phát triển.

Quyền Văn Minh tái xuất với Quang Thọ, Tùng Dương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022