Vụ việc tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa đơn vị Sen Vàng và Minh Khang đến nay vẫn chưa có hồi kết. 

Trước đó, hồi tháng 9/2022, ngay trước Chung kết cuộc thi Miss Peace Vietnam 2022 - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 do công ty Minh Khang tổ chức, buộc phải tạm dừng sử dụng tên tiếng Việt Hoa hậu Hòa bình Việt Nam mà chỉ dùng tên tiếng Anh Miss Peace Vietnam 2022; còn công ty Sen Vàng vẫn sử dụng tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam xuyên suốt cuộc thi.

Giải thích về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (nghệ danh Thùy Dương) - đại diện đơn vị tổ chức cho biết, muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa bình. "Chúng tôi muốn chữ hòa bình ngay trong chính việc làm của mình chứ không chỉ trong cuộc thi Hoa hậu mình tổ chức. Đổi tên và tạm thời chỉ sử dụng tên tiếng Anh là một quyết định vì hòa bình".

Tuy nhiên, bà Thùy Dương khẳng định, nếu vụ việc tranh chấp tên gọi này không được các bên giải quyết thỏa đáng, rõ ràng, Sen Vàng không dừng việc tổ chức cuộc thi với tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam thì Minh Khang sẽ dùng biện pháp cao nhất là sẽ khởi kiện ra tòa.

hhkd5433-16629149652432097133121-1679505934966510456132-1679805033181.jpg

Top 3 "Miss Peace Vietnam 2022" do Công ty Minh Khang tổ chức hồi tháng 9/2022 tại Đà Nẵng đăng quang (Ảnh: Ban Tổ chức).

Bà Thùy Dương cũng vừa công bố 2 kết luận của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và cho biết Minh Khang đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Vietnam Peace Bella và hình. Bà khẳng định, Minh Khang mới có quyền sở hữu cao nhất với tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. 

Theo đó, kết luận thứ nhất, do ông Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ ký đã khẳng định rằng không có căn cứ cho thấy việc Công ty Minh Khang sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu Miss Grand International của một đơn vị tại Thái Lan, mà Sen Vàng được cấp quyền cho thực hiện tổ chức cuộc thi Miss Grand Việt Nam.

Đơn vị tại Thái Lan đã đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu Miss Grand International, MGI tại Việt Nam nhưng chưa có bất kỳ thông tin nào về việc đơn vị này đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.

Đại diện Minh Khang khẳng định kết luận giám định này cho thấy mọi tuyên bố và yêu cầu của Công ty Sen Vàng về việc sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình Việt Nam của Công ty Minh Khang là vô căn cứ.

"Miss Grand Vietnam" do Công ty Sen Vàng tổ chức (Ảnh: Ban Tổ chức).

Kết luận giám định thứ hai của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, việc sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình Việt Nam của Sen Vàng là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Vietnam Peace Bella và hình mà Minh Khang được bảo hộ. 

Nói về động thái công bố hai quyết định này của Minh Khang, bà Dương cho biết, bởi mới đây Sen Vàng tiếp tục phát động cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 - Miss Grand Vietnam 2023 và Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2023 - Miss Grand International 2023 tại Việt Nam

Bà Thùy Dương nói: "Công ty Minh Khang đã gửi đơn tới Sở VH,TT&DL TPHCM đề nghị không cấp phép/chấp thuận cho Công ty Sen Vàng sử dụng tên chương trình có chữ cụm từ Hoa Hậu Hòa bình Việt Nam và yêu cầu Công ty Sen Vàng không sử dụng và loại bỏ cụm từ Hoa Hậu Hòa bình Việt Nam trong các cuộc thi sắc đẹp do cụm từ này xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đã được đăng ký và bảo hộ hợp pháp của Công ty Minh Khang.

Bà khẳng định chắc chắn năm nay Công ty Minh Khang giải quyết xong chuyện tranh chấp tên gọi, để năm 2024 tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam với chủ đề Sinh viên Việt Nam khởi nghiệp vì hòa bình.

Mới đây, phía công ty Sen Vàng chính thức phản hồi về việc tranh chấp tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Cụ thể, Sen Vàng thông tin, được Miss Grand International cấp phép tổ chức một cuộc thi quy mô quốc gia nhằm tuyển chọn, đào tạo người đẹp đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi quốc tế. 

Đại diện công ty Sen Vàng cho biết: ''Hiện nay, cuộc thi Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 đã được cấp phép tổ chức. Chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức cuộc thi theo kế hoạch dự kiến để tìm ra đại diện tốt nhất của Việt Nam tại cuộc thi Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2023''. 

Thực tế cho thấy, tranh chấp tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 giữa Công ty Minh Khang và Sen Vàng từ chỗ cả hai đơn vị đều công bố bản quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền cuộc thi có tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022, chỉ khác tên tiếng Anh.

Công ty Minh Khang đăng kí tên cuộc thi là Miss Peace Vietnam. Công ty Sen Vàng đăng kí cuộc thi Miss Grand Vietnam. Thế nhưng khi dịch sang tiếng Việt, cả hai cuộc thi đều là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam - gây nên sự trùng lặp. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chưa có một cơ quan chức năng, quản lý nhà nước đứng ra phân định ai là chủ sở hữu thương hiệu cuộc thi.

Liên quan đến vụ việc, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ VH,TT&DL diễn ra mới đây, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH,TT&DL cho biết, năm 2022, Cục này nhận được hồ sơ đăng ký và đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền cho Công ty Minh Khang tác phẩm viết Kịch bản chương trình cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam 2023 theo trình tự thủ tục hồ sơ nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng vào thời điểm đó năm 2021, Công ty Sen vàng có nộp hồ sơ để đăng ký hai tác phẩm, và Cục đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền cho Kịch bản cuộc thi nhan sắc Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vào ngày 8/4/2022, và tác phẩm mỹ thuật ứng dụng logo Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vào ngày 10/5. 

Bà Oanh cho biết thêm: "Sau khi cấp giấy chứng nhận cho Công ty Sen Vàng và các bên đang tổ chức các cuộc thi theo quy định, Công ty Minh Khang có xin đổi lại tên không còn là Kịch bản cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023 nữa mà thành kịch bản cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam. Lúc đó Sen Vàng đã cung cấp văn bản của tổ chức quốc tế liên quan đến vấn đề bản quyền, nên chúng tôi mới dừng việc cấp đổi lại tên gọi cuộc thi của Minh Khang". 

Đại diện Cục cho rằng: "Tên gọi các tác phẩm mặc dù không phải là một đối tượng độc lập được bảo hộ theo Điều 14, Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng việc này gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác".

Để kịp thời ngăn chặn việc này, bà Kim Oanh cho biết thêm, trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, Bộ VH,TT&DL đang trình các cấp có thẩm quyền lên Chính phủ, có điều bổ sung trong việc quy định tên gọi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022