Tôi nhận ba tập thơ Lục bát đời thường, Nối mùa, Nhớ chiều của anh Cao Trần Nguyên sau hơn 33 năm gặp lại khi anh đã là nhà thơ có duyên với thể thơ lục bát.Cầm những tập thơ in đẹp sang trọng, có tranh minh họa, tôi mải miết đọc, dừng ở từng con chữ múa, trải trôi qua nhiều cung bậc cảm xúc...

Nhà thơ Cao Trần Nguyên sinh ngày 16/6/1939 tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Năm 15 tuổi, anh bắt đầu làm thơ và trình làng bài thơ lục bát đầu tay có 4 câu về tình yêu: "Một chiều rồi lại một chiều/ Tôi ra đứng ở bên lều ngóng trông/ Trông lên những áng mây hồng/ Chờ người thiếu nữ mà lòng xốn xang..."                        

Năm 1956, từ xứ Sơn Nam, chàng trai trẻ đã "xê dịch" về miền Đông Bắc của Tổ quốc, gắn bó cả cuộc đời cuộc đời vùng mỏ - nơi có thô tháp của than, có vị mặn mòi của biển, có Vịnh Hạ Long trữ tình, lãng mạn. Tháng 9/1956, anh vào mỏ Cẩm Phả khởi nghiệp bằng nghề kiểm kê ngành xây dựng cơ bản và tiếp quản khu mỏ Hồng Quảng. Trưởng thành từ công nhân, anh không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trở thành Phó Giám đốc Mỏ than Hà Tu (Công ty cổ phần Than Hà Tu Vinacomin) cho đến khi nghỉ hưu tại TP Hạ Long, Quảng Ninh.

 "Bén duyên lục bát, tình lay láy tình"

Anh có duyên với thể thơ lục bát - thể loại thơ dân gian truyền thống của Việt Nam. Người dấn thân với văn chương đã khó. Người chọn gắn bó với thể thơ lục bát quả là một sự dũng cảm, vì làm thơ lục bát hay khá khó. Nếu không nắm chắc quy tắc luật thanh "nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh",vô ý chỉsơ sảy chút thôi là thơ dễ nhạt, dễ lạc vào thể hò vè.

Thơ là nơi ký thác tâm hồn. Mọi nỗi buồn vui Cao Trần Nguyên gửi vào thơ. Tôi nhận thấy nội lực rất đáng nể của một nhà thơ khi chọn thể thơ lục bát - thể thơ dân tộc – để thể hiện những cung bậc cảm xúc của mình và để Thì thầm lục bát vô vi.

Nhà thơ Cao Trần Nguyên (trái) và tác giả bài viết

Các tập thơ lục bát có nhiều bài thơ tự độc thoại, tự răn mình, tự tìm cách ứng xử nhân văn. Nhà thơ coi "Thơ! Cũng là một thú chơi" (Thú chơi) - một thú chơi tao nhã của kẻ may mắn được nhận đặc ân ăn lộc của Trời: "Cũng chỉ là một thú chơi/ Ngoài hiên chim hót, cá bơi trong nhà/ Khi cao hứng cũng tửu trà/ Cũng thơ phú cũng là cà bến say... Bén duyên lục bát, tình lay láy tình"(Chơi thơ); "Túi thơ, bầu rượu đèo bòng/ Bấy lâu nay vẫn trong vòng tỉnh say... Chưa hết tỉnh vẫn còn say/ Thơ bầu, rượu túi... hương bay khắp phòng" (Heo may). Làm thơ cũng như người "mắc nợ" nhau: "Nợ nhau một áng thơ tình/ Bóng câu tăm cá rập rình vậy thôi".

Thơ đã trở thành lẽ sống. Nhà thơ khẳng định trách nhiệm của người cầm bút: "Câu thơ chưa xứng thứ ngôi/ Lạc vần, lệch điệu, vụng ngồi tán dương" (Mót chữ); và khẳng định nhân cách kẻ sĩ: "Không màng danh, chả hám lời/ Chỉ mong là hạt bụi Đời - thênh thang/ Cao sang kệ! Chả bon chen/ Tiền rừng, bạc bể, đỏ đen mặc Trời" (Hạt bụi)...

Nhân hậu, ân tình, tốt bạn, tử vi của anh chắc được cung bạn hữu. Anh thích đàm đạo, ưa xê dịch, trải nghiệm cùng bạn bè văn chương. Nhận xét về bạn văn, anh hóm hỉnh viết: "Văn chương thì nổi đám đình/ Bơi ngang, bơi dọc chả kinh sóng thần"... và khiêm nhường tự họa về mình: "Còn tôi một gã bình dân/ Vi vu với bạn chả cân sắc tài". Bài Uống rượu một mình, anh nhại thơ Trần Thị Nương một cách hóm hỉnh: "Vạ gì uống rượu một mình/ Trót rồi phải chấp một hình bóng suông"...

Thi nhân bao giờ cũng thuộc về một vùng văn hóa. Đọc thơ anh không khó nhận thấy yếu tố địa văn hóa đậm đặc. Không lạ khi cảnh sắc miền Đông Bắc của Tổ quốc thấm đẫm trong thơ khi anh đã chọn Quảng Ninh là quê hương thứ hai. Những bài thơ lục bát khám phá vẻ đẹp của non nước trong trẻo, sáng trong, không chút gợn mờ.

Đi tới đâu, anh cũng gửi vào đó tình yêu của mình. Bài thơ Đêm Cửa Ôngda diết cảm xúc chốn tâm linh như nghe thấu tiếng lòng của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng "vọng nói về": "Mõ rung như có sóng ngầm/ Biển nghe vọng khúc thì thầm từ bi"Trên non thiêng Yên Tử, nhà thơ phiêu bồng: "Chiều nay lên đỉnh Phù Vân/ Mới hay nước Phật đang gần thế gian"

Cả đời gắn bó, nặng lòng với vùng than, thơ anh có cuộc sống, con người vùng than: "Con ơi! Cũng rất tự nhiên/ Tình người thợ mỏ như miền ca dao/ Goòng than chia sẻ ngọt ngào/ Đầy vơi cũng có biết bao thăng trầm" (Lời ru từ mỏ Hà Tu); hiểu nỗi gian nan vất vả của người thợ: "Vỉa ngầm vách đá xiêu xiêu/ Hòn than chịu biết bao nhiêu thăng trầm" (Cao Sơn)...

Tình yêu lứa đôi chiếm một phần quan trọng trong các tập thơ Nối mùa, Nhớ chiều, Lục bát đời thường của anh. Nhà thơ "tự thú" đã từng dăng dện với tình từ thuở thiếu thời, đã từng "phải lòng chị" để lặng lẽ "đi tìm lá diêu bông": "Mười lăm tuổi đã tìm yêu/ Gặp cô mười bảy kiêu kiêu khó lường" với quyết tâm ra chiều thách thức "Đã yêu ta chả chịu nhường" (Có một tình yêu như thế). Nhà thơ cũng "tự thú" đã từng tốn bao giấy mực cho thơ tình: "Ngõ ngoài bướm trắng xa trông/ Thơ tình một tứ mênh mông trắng mờ" (Bài thơ không gửi)...

Trong tình yêu, nhà thơ dành tình cảm cho người bạn đời của mình bằng câu thơ, bài thơ xúc động, trong đó có bài Giấc mơ có thật: "Đã lâu mới gặp lại bà/ Bước từ mây xuống như xa mà gần". Tình chồng vợ, nghĩa tào khang vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm ngọt ngào. Hiền thê hiện lên với vẻ đẹp tươi tắn, hiền thục "Mảnh mai tà áo trắng ngần/ Mặt hoa da phấn, tóc vân mây ngà/ Đối nhân: điềm đạm, nết na/ Gặp đây những tưởng như là xa xưa...". Còn anh cộng thêm hơn 30 năm trở thành người đàn ông tuổi ngoài 80 và khẳng định "Bây giờ tôi vẫn là tôi/ Làm thơ, đọc sách và ngồi nhớ xưa"...

"Chiều nay lên đỉnh Phù Vân/ Mới hay nước Phật đang gần thế gian" - thơ Cao Trần Nguyên.

Thả câu Sáu Tám lên trời

Trung thành với thể thơ lục bát, nhà thơ Cao Trần Nguyễn luôn nỗ lực làm mới thể thơ dân tộc. Anh cài hai câu thơ bẩy chữ trong từng câu lục bát tạo nên giai điệu mới cho thơ trong Bài thơ không gửi:

Tặng em anh viết bài thơ trắng     (7 chữ)

Vậy mà viết mãi trắng canh thâu  (7 chữ)

Mải mê để trắng chữ đầu               (câu 6)

Chữ sau cũng để trắng câu em chờ (câu 8)

noimua-17219490731581947324553.jpg

Tập thơ “Nối mùa” của Cao Trần Nguyên

Tác giả đã cài đưa khá duyên từ láy vào câu thơ tạo nên nhịp điệu riêng "Em hát cho các quan nghe/ Câu nưng nựng nhớ, câu se sẻ tình" (Người đàn bà hát). Nhà thơ sử dụng thành công các biện pháp tu từ trong văn học, trong đó có biện pháp tu từ điệp từ. Tác giả lặp đi, lặp lại một từ hoặc một cụm từ, nhằm mục đích nhấn mạnh, khẳng định, liệt kê...

Có thể kể đến nhiều bài thơ: Nhọ, Cái nhìn, Chân dung, Đồng, Hạt bụi, Khen chê... Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ điệp từ nhằm làm nổi bật vấn đề, ý nghĩa muốn truyền tải đến người đọc: "Nhọ câu, nhọ chữ, nhọ vần... Nhọ len vào cả giấc mơ/ Câu thơ có nhọ cuộc cờ mới hay" (Nhọ).

Thơ lục bát của Cao Trần Nguyên giàu chất nhạc. Có lẽ vì thế, nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc từ những bài thơ của anh. Có thể kể đến những ca khúc tiêu biểu như: Người đàn bà hát (nhạc sĩ Đỗ Hòa An); Đêm Yên Tử, Cố nhân, Uống rượu một mình, Lời ru từ mỏ Hà Tu (nhạc sĩ Hoàng Thành)...

"Đọc thơ Cao Trần Nguyên, thấy nó vào. Thơ ông có sức hút, có một trường lực nhất định", "diễn kể nhưng lục bát của Cao Trần Nguyên cũng khá nhuyễn vần, ít có cảm giác gượng gạo, ép điệu mà ngay các nhà thơ "chuyên nghiệp" nhiều khi cũng vẫn nhảy cóc vần... cốt gợi cái tình, cái ý muốn ngỏ" (Trần Quang Quý). Nói như nhà văn Trần Nhương, lục bát của Cao Trần Nguyên thuộc loại "có đai có đẳng. Tất nhiên chưa phải thật toàn bích nhưng trong cái mênh mông của thơ thời nay thì Lục bát đời thường đã cho ta một giọt xanh trong trẻo".

Tôi vẫn chờ đọc những bài thơ lục bát chưa viết của anh, nối mùa dài Lục bát đời thường

Các tác phẩm của Cao Trần Nguyên

Ngoài tập thơ Hoa lan (in chung với Cao Văn Thịnh, NXB Thanh niên, 2008, thơ in trong các tuyển tập, báo chí), nhà thơ Cao Trần Nguyên là tác giả của ba tập thơ lục bát: Nhớ chiều (NXB Hội Nhà văn, 2010), Nối mùa (NXB Hội Nhà văn, 2016), Lục bát đời thường (NXB Hội Nhà văn, 2019) và năm 2024, nhà thơ dự định xuất bản Tuyển tập lục bát Cao Trần Nguyên đón tuổi85.

Thơ lục bát với Di sản văn hóa dân tộc

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022