Tôi chưa từng nghĩ một bộ phim học đường như Sex Education lại khiến tôi thức tỉnh… với tư cách một người cha.

Tôi là bố của một cậu con trai 15 tuổi – Cái tuổi mà chỉ cần hỏi "Hôm nay thế nào con?" cũng có thể bị lườm nguýt như thể tôi vừa phạm tội xâm phạm đời tư.

Chúng tôi không thân cũng không cãi nhau. Con học giỏi, không nghiện game, không chơi bời. Tôi từng tự hào vì "nó biết lo cho tương lai". Cho đến một buổi tối, tôi vô tình thấy dòng tìm kiếm của con trên máy tính: "Làm thế nào để biết mình có vấn đề về giới tính?".

Tôi đã sững người. Nhưng thay vì hỏi con, tôi lặng lẽ xóa lịch sử trình duyệt.

-and-jean-milburn-in-sex-education-photo-credit-sam-taylor-netflix-17361777584731697592864-1747751999181-17477520010581132624004-1747788443648-17477884487911188181211.jpg

Tình tiết nhỏ – Cú đấm lớn

Tuần đó, khi con đi học thêm, tôi bật Sex Education theo lời một đồng nghiệp trẻ mách. Tôi nghĩ xem thử cho biết, ai ngờ bị cuốn vào từ lúc nào không hay. Và rồi đến đoạn Otis – cậu bé chuyên tư vấn tâm lý tình dục cho bạn bè hỏi mẹ mình (một bác sĩ tình dục học): "Sao mẹ lại dễ nói chuyện đó với bệnh nhân mà không thể nói chuyện thật với con?".

Câu nói ấy như một cú đấm vào mặt tôi.

Vì tôi chợt nhận ra, tôi có thể ngồi hàng giờ dạy người khác làm cha (trong vai trò quản lý ở công ty), nói về cách dạy dỗ thế hệ mới, nhưng với chính con trai mình, tôi chưa từng là người lắng nghe.

Tôi nghĩ mình đang bảo vệ nó khi tránh các chủ đề "nhạy cảm". Tôi tưởng mình đang làm đúng khi đưa con đi học thêm, nhắc con đừng yêu sớm, cấm con khóa cửa phòng quá lâu. Nhưng thật ra, tôi chỉ đang làm cha theo cách của bố tôi ngày xưa.

Tôi không biết con đã tổn thương đến mức nào

Một buổi chiều, tôi tình cờ nghe lén được cuộc nói chuyện giữa con và bạn thân qua voice chat. Con nói, giọng nghèn nghẹn:

"Tao nghĩ tao không giống bố. Nhưng tao cũng sợ nếu nói ra thì ổng sẽ thất vọng".

Tôi đã bật khóc trong bếp. Con tôi đang giấu mình, sợ tôi, sợ chính điều đang diễn ra trong người nó.

Ngay tối hôm đó, tôi gõ cửa phòng con. Tôi không hỏi, không tra khảo. Tôi chỉ ngồi xuống, run run nói:

– Bố vừa xem xong Sex Education…

Con ngước mắt lên, ngạc nhiên. Tôi tiếp tục:

– … và bố nhận ra bấy lâu nay bố dạy con sai rồi. Nếu có gì con muốn kể, bố hứa không ngắt lời.

Nó lặng im một lúc, rồi tựa đầu lên vai tôi. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi cảm thấy mình thật sự là một người cha. Không phải người trả học phí, người cấm cản, người chỉ đạo mà là người lắng nghe.

anh-1-5-17364932568221256234474-1736512968808-17365129689061196767792-1747752025826-17477520260651749431524-1747788449470-17477884495501041637180.png

Tôi bắt đầu học lại cách làm cha... từ chính con mình

Tôi đăng ký một khóa học online về giao tiếp cha mẹ – con cái do một chuyên gia tâm lý hướng dẫn. Tôi đọc thêm sách, nghe podcast dành cho phụ huynh có con tuổi teen. Không phải vì tôi muốn làm bố "xịn" nhất lớp mà vì tôi sợ mất con trong im lặng.

Tôi và con thỏa thuận sẽ có một "giờ không phán xét" mỗi tuần, nơi hai bố con được nói bất cứ thứ gì: về trường, về tình cảm, cả về giới tính nếu cần mà không ai bị đánh giá. Dù chỉ mới bắt đầu, nhưng tôi thấy điều kỳ diệu đang nảy mầm.

Nếu bạn là bố mẹ có con tuổi dậy thì, đừng chờ đến khi con "có chuyện" mới học cách làm cha mẹ. Có những nền tảng rất hữu ích giúp bạn hiểu tâm lý con cái mà không phải lúc nào cũng cần đến tư vấn tâm lý trực tiếp. Tôi chọn học từ đó, vì đôi khi, không phải con cần thay đổi, mà là mình cần học lại cách yêu con đúng.

Tôi từng nghĩ mình là một người cha tốt cho đến khi tôi xem Sex Education và nhận ra: Làm cha không phải là dạy, mà là học cách lắng nghe một đứa trẻ đang lớn lên và hoang mang như chính mình ngày xưa vậy.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022