664529940fa3e3442afa356f904817f7-17478038911001509768035-174-0-634-736-crop-17478038965681135971895-1747816465758-1747816471481182404731.jpg

Chiều muộn thứ Bảy, tôi ngồi đếm lại những tờ hóa đơn chất đống trên bàn - tiền học phí, tiền khám răng, tiền quần áo mới cho con chuẩn bị vào năm học mới. Ba năm rồi, kể từ ngày ly hôn, số tiền chu cấp của anh có thể đếm trên đầu ngón tay. Lần cuối cùng anh chuyển khoản là sinh nhật lần thứ 5 của con, một con số 500.000 đồng kèm dòng tin nhắn: "Tiền quà cho con."

Tôi nhớ như in cái ngày đứng trước tòa, anh hùng hồn tuyên bố sẽ "lo cho con đầy đủ". Nhưng thực tế, mọi gánh nặng đều đổ lên đôi vai tôi. Lâu dần tôi cũng chẳng buồn nhắc đến chuyện chu cấp cho con với người bố vô trách nhiệm như thế.

Cứ mỗi lần anh đón con về chơi, tôi lại phát hiện ra những vết nứt trong tâm hồn non nớt của đứa trẻ. Lần đầu tiên, con bé hỏi tôi bằng giọng ngây ngô: "Mẹ ơi, sao ba bảo ba đưa cho mẹ tiền rồi nhưng mẹ không chịu mua quà cho con?".

Rồi những câu nói ngày càng kinh khủng hơn.

"Ba nói ông bà ngoại cố tình không cho con gặp ba".

"Ba bảo mẹ tham tiền nên mới đòi ba đưa tiền mỗi tháng".

"Ba nói là ba muốn con ở với ba nhưng mẹ không chịu".

798ee256bbd6c8cfba3bec0c4c493d31-17478038716671230023750-1747816473669-17478164737241253054404.jpg

Một người bố chẳng bao giờ biết con dị ứng với đậu phộng, không nhớ nổi con học lớp mấy - lại rất "chu đáo" trong việc gieo rắc những lời độc địa đó vào đầu đứa trẻ.

Tôi nhận ra sự việc nghiêm trọng khi cô giáo gọi điện thông báo con gái tôi đột nhiên trở nên hung hăng với bạn bè. Nó đánh một bạn cùng lớp chỉ vì bạn đó nói: "Bố mẹ cậu ly hôn nên cậu không có ai dạy dỗ."

Buổi tối hôm đó, khi tôi ôm con vào lòng, đứa bé mới khóc nức nở: "Con ghét mẹ! Tại mẹ mà ba không về nhà!". Cái câu nói như dao cứa vào tim tôi ấy, tôi biết chính xác nó được "lập trình" từ ai.

Tôi đã cố gắng giải quyết mọi chuyện một cách ôn hòa như việc gặp riêng anh ta tại quán cà phê, anh chỉ nhún vai: "Tôi có quyền nói sự thật với con".

Thậm chí tôi còn nhờ ông bà nội can thiệp, họ lại bảo: "Cháu nó còn nhỏ, nói xong là quên ý mà".

Nhận thấy chẳng kỳ vọng gì được ở những con người ấy. Tôi và con đã có những chuyến đi chơi, những buổi nói chuyện, thậm chí là đưa nhau đi du lịch xa để có nhiều thời gian chia sẻ, tâm sự với con hơn.

Tôi kiên nhẫn, không phủ nhận lời nói của ba nó, cũng không nói xấu ba nó nhưng tôi thường xuyên nói về những điều tốt đẹp, sự yêu thương mà mẹ và nhà ngoại dành cho con bé.

Dần dần, con bé bắt đầu nhận ra sự mâu thuẫn: "Ba nói ông bà không thương con, nhưng ông bà mua sữa cho con mỗi ngày mà?".

Vốn định bỏ qua mọi chuyện nhưng vì anh ta là người bắt đầu gây sự trước, tôi bắt buộc phải nhờ pháp luật can thiệp. Sau 8 tháng kiên trì, tòa án đã ra phán quyết. Anh chỉ được gặp con 2 giờ/tuần dưới sự giám sát của người bảo hộ trẻ là tôi và buộc trả nợ 18 tháng chu cấp còn thiếu cho con gái.

Ngày nhận bản án, anh nhắn tin đầy giận dữ: " Mày cướp con của tao!" Nhưng tôi chỉ lạnh lùng trả lời: "Tôi đang bảo vệ con tôi".

Giờ đây, mỗi khi con gái tôi ngồi kể chuyện ở lớp với ánh mắt vui tươi trở lại, tôi biết mình đã làm đúng trước khi sự độc hại của ba nó tạo thành những vết sẹo trong tâm hồn non nớt của con.

"Có những người đàn ông sinh con ra nhưng không bao giờ học cách làm cha. Và có những người phụ nữ, phải một mình làm đủ cả hai vai trò, chỉ để đứa trẻ không cảm thấy mình thiếu thốn."

Con gái tôi giờ đã biết bình tĩnh suy ngẫm và biết lúc nào ba nói đúng lúc nào ba nói sai. Nhưng đôi khi tôi vẫn biết con bé tủi thân và cảm thấy mặc cảm với bạn bè xung quanh mình. Có lẽ thêm 1 thời gian nữa, tôi sẽ nói cho con hiểu rằng mỗi người mỗi hoàn cảnh và chúng ta phải thích nghi và chấp nhận nó.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022