Đó là những người quá rảnh rỗi.

Hẳn nhiều người sẽ bất ngờ bởi sự nhàn rỗi là luôn được ưa thích giữa cuộc sống bận rộn. Nhưng quá rảnh rỗi lại không phải là một việc tốt.

Việc tốt lương cao nhưng vẫn nghỉ vì quá… nhàn

Cách đây 2 năm, chị gái tôi có được một công việc trong mơ khi khối lượng việc không nhiều, thu nhập tốt. Lúc đó chị vô cùng hài lòng mà người ngoài nhìn vào cũng thấy ghen tị. Ấy thế mà chưa đầy 1 năm sau, chị quyết định nghỉ việc vì quá nhàn.

Quyết định khiến nhiều người khó hiểu nhưng chị đã tâm sự thật với tôi. Việc có thời gian rảnh cũng không sao, chị có thể tranh thủ đọc sách chuyên môn, thi các chứng chỉ nghiệp vụ mà chị muốn và học thêm một số kỹ năng khác. Nhưng những người đồng nghiệp xung quanh thì không như vậy mà ngược lại họ gây ra rắc rối lớn.

Cả ngày họ không làm việc cho nghiêm túc đã đành lại chỉ nhìn chằm chằm vào người khác để phán xét, mưu mô và bày trò ghen ghét. “Khi chị tham gia kỳ thi chứng chỉ chuyên môn, họ mách với sếp rằng chị là người có dã tâm, chỉ muốn mau chóng nhảy việc. Khi chị mặc trang phục chỉn chu hơn thường ngày một chút, họ nói chị phù phiếm và suy đoán rằng chị đang cố quyến rũ ai đó trong công ty. Khi chị tập trung làm việc, họ nói chị là người mưu mô, làm vậy để lấy lòng sếp.

Họ kết bè kéo cánh với những mối quan hệ phức tạp khiến chị bị kẹt lại ở giữa, ‘trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết’. Nếu chị đến gần nhóm này thì nhóm kia sẽ chỉ trích chị và ngược lại. Nếu tránh xa cả 2 nhóm thì 2 bên sẽ cùng tấn công, cô lập và tìm cách loại trừ chị. Tất cả khiến chị phát điên”.

8522a1b7bd04b81d7f222433bd297931-1726389284392387346478-1726627395147-17266273955731604355706.jpg

(Ảnh minh họa)

Quả thực nếu có quá nhiều người nhàn rỗi trong công ty thì không nên ở lại lâu bởi đó là sẽ là nơi có những mối quan hệ phức tạp và rắc rối.

Năng lượng của con người cần được giải tỏa ở đâu đó, nếu không có việc gì để làm thì tất yếu họ sẽ chú ý vào những người xung quanh. Sự đấu tranh, tính toán và hơn thua giữa con người với nhau là vô tận và một khi đã bắt đầu thì sẽ càng ngày càng gay gắt hơn.

Ở những đơn vị này thoạt nhìn tưởng rất thoải mái nhưng kỳ thực lại vô cùng khó chịu, “trong chăn mới biết chăn có rận”. Thử nghĩ xem, xung quanh luôn có những kẻ gây rối, dồn sức để làm việc đố kỵ thì bạn có thể thoải mái và vô tư được không? Cảnh giới cao nhất là bạn muốn làm gì đó nhưng luôn có người chế nhạo, bạn muốn trở nên tốt hơn nhưng luôn bị ngăn cản, cố gắng kéo bạn xuống.

Trong quá trình này, nếu không kiên định, bạn chỉ có thể làm theo sự dẫn dắt của họ, học theo những điều vô bổ và trở thành người mà bạn vẫn ghét: nói xấu người khác, làm kẻ ngáng trở, hèn nhát. Kiểu công ty này đã mục nát từ nền tảng nên tốt nhất là không nên đến, nếu lỡ vào rồi thì cũng nên rời đi càng sớm càng tốt.

Ngược lại, công ty có nhiều người làm việc chăm chỉ, không chỉ lợi nhuận tăng lên mà môi trường làm việc cũng tốt hơn.

Tôi từng đến trụ sở một tập đoàn nổi tiếng. Lúc đó đã 8h tối nhưng văn phòng vẫn sáng đèn, mọi người đều tập trung vào công việc của mình. Trong bữa ăn, trọng tâm cuộc trò chuyện là tình hình kinh doanh của công ty, các dự án đang chạy. Thậm chí họ trao đổi đến từng chi tiết nhỏ như thông cáo báo chí của họp báo, sắp xếp nước khoáng tại sự kiện thế nào.

Về cơ bản là không có những câu chuyện nhảm nhí không liên quan đến công việc mà chỉ chú ý đến tiến độ và chất lượng công việc đang phụ trách. Họ quan tâm đến ai có ý tưởng thông minh và thú vị hơn ai đang mặc váy ngắn, đến những thay đổi trong toàn ngành nghề hơn là mối quan hệ tế nhị giữa ai đó và sếp.

Ở một công ty mà mọi người đều có việc làm, tất cả đều tập trung vào công việc cụ thể. Việc của mình còn làm chưa xong thì làm sao có thời gian để lan truyền tin đồn thất thiệt và bàn tán chuyện tầm phào. Và khi mọi người đều nói chuyện về năng lực công việc thì mối quan hệ cá nhân chỉ là thứ yếu, bạn không phải lo lắng về những điều vô bổ, có thể tập trung toàn bộ sức lực để làm việc, khiến công việc trở nên đơn giản, hiệu quả.

Môi trường như vậy không chỉ góp phần giúp công ty phát triển mà còn giúp bạn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, xứng đáng với những bận rộn và mệt mỏi trước đó.

u596786452004860017fm253app138f-17263892843651710279498-1726627396171-172662739633460555283.jpg

(Ảnh minh họa)

Người quá rảnh rỗi đem lại nhiều phiền phức cho người khác

Điều này không chỉ đúng trong công việc mà còn thể hiện rõ ràng ở cuộc sống hàng ngày.

Jack Ma từng kể một câu chuyện tóm tắt như sau: Một CEO trẻ phàn nàn với Jack Ma rằng anh ta bị vợ nhằng nhẵng bám theo cả ngày, luôn sợ anh ta ngoại tình, than vãn chuyện anh ta đi làm về muộn và lo lắng 7749 chuyện vặt vãnh khác dù anh ta hoàn toàn dồn sức vào công việc.

Với tình huống này, Jack Ma nói: “Vợ anh nhất định là quá rảnh, hãy tìm việc gì đó cho cô ấy làm để cô ấy bận rộn. Lúc đó có khi cô ấy còn đi làm về muộn hơn cả anh và không có thời gian quản thúc anh nữa”.

Đây chính là sự khôn ngoan của người giàu có.

Nếu là người khác, họ có thể nói: “Khi cô ấy phàn nàn vì anh về muộn thì anh về sớm hơn là được. Có quá nhiều việc, không thể về nhà sao? Thì anh vẫn phải về sớm. Đàn ông đừng chỉ tập trung vào sự nghiệp, gia đình cũng quan trọng không kém. Nếu hậu phương không vững, công việc của anh cũng không thể làm tốt...”.

Thực tế, nếu người vợ thực sự rảnh rỗi, dù chồng cô ấy có về nhà đúng giờ mỗi ngày thì xung đột cũng không giảm bớt. Cô ấy sẽ chỉ trích sao anh ta không làm việc nhà, không dành thời gian cho con cái, không trò chuyện hay không khen kiểu tóc mới của cô ấy,...

Người ta có câu nhàn cư vi bất thiện. Khi không có việc gì để làm, tự nhiên người vợ sẽ chỉ chăm chăm vào người chồng, không bỏ qua cho bất kỳ khuyết điểm nào của chồng. Vì vậy chỉ có thể là tạo việc làm cho người vợ. Cách này có vẻ đơn giản và thô bạo nhưng thực sự rất hiệu quả.

Vì vậy trong cuộc sống hay công việc, tôi khuyên bạn nên giữ khoảng cách với những người quá rảnh rỗi, nhất là khi bạn là kiểu người bận rộn.

u30154313161105577376fm253app13-1726389284326120939700-1726627396847-17266273970671967539144.jpg

(Ảnh minh họa)

Khi một người quá rảnh, họ sẽ bắt đầu suy nghĩ lung tung, dẫn đến lo lắng bất an. Và khi trong lòng hoảng loạn, chắc chắn họ sẽ trở nên nhạy cảm, hay làm phiền người khác, khiến mọi người khó chịu.

Nếu mẹ bạn rảnh rỗi, mẹ sẽ cả ngày nói chuyện tại sao bạn vẫn chưa yêu đương, chưa kết hôn, chưa có con,... Hoặc mẹ sẽ than phiền về việc bạn dùng điện thoại quá nhiều, ngủ muộn và ăn quá ít (hoặc quá nhiều),... cùng 94734601 vấn đề khác.

Nếu họ hàng của bạn rảnh rỗi, họ sẽ tụ tập lại và bàn tán về thu nhập của bạn, tình hình tình cảm, cách nói chuyện của bạn và nhiều chuyện nhỏ nhặt. Họ sẽ “tám” chuyện bạn cãi vã với người yêu, lời nói hay hành động không cố ý của bạn sẽ bị phóng đại hoặc phân tích kỹ lưỡng như các chuyên gia.

Nếu bạn bè của bạn rảnh rỗi, họ có thể rủ rê bạn chơi bời, ăn uống bất cứ lúc nào. Tất nhiên đó là tương tác bình thường giữa bạn bè với nhau nhưng nếu tần suất quá nhiều, đó có thể một gánh nặng hoặc phiền phức. Trọng tâm trong cuộc sống mỗi người là khác nhau, họ quan tâm đến bãi tắm ở biển nào đẹp hơn còn bạn muốn biết cách viết kế hoạch thuyết phục khách hàng hơn. Điều này khiến cho thời gian ở cạnh họ của bạn bị lãng phí.

Một mặt, những người rảnh rỗi có nhiều yêu cầu, khiến bạn phải tiêu hao năng lượng để đáp ứng và không thể không chiều chuộng vì đó là người thân của bạn. Mặt khác, họ thường biến những việc đơn giản trở nên phức tạp, quan trọng hóa vấn đề. Dần dần, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 bên trở nên khó khăn, bạn phải tốn nhiều công sức để suy nghĩ và giải quyết những điều vô nghĩa với bản thân. Đó là một gánh nặng.

Khi người quá rảnh rỗi là bố mẹ hoặc người yêu, vợ/chồng, bạn không thể vạch ranh giới rõ ràng thì hãy cố gắng giúp họ tìm thấy việc phù hợp để làm, để họ bận rộn hơn. Dù là đi chăm sóc sức khỏe, tham gia khiêu vũ ở quảng trường, tập thể dục hay đến spa làm đẹp,... tất cả đều tốt hơn là rảnh rỗi để gây rắc rối.

(Nguồn: Sohu)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022