Tôi vẫn nhớ cái cảm giác mệt lả khi ngồi bệt xuống chiếc ghế nhựa cứng trong bệnh viện đêm hôm ấy. Chồng tôi sau ca tiểu phẫu cắt bỏ khối u nhỏ thì đang ngủ say trên giường bệnh, khuôn mặt nhẹ nhõm như chẳng có chuyện gì. Trái ngược hoàn toàn với sự bấn loạn trong lòng tôi.
Chúng tôi lấy nhau được một năm sau bốn năm yêu nhau đầy nước mắt. Gia đình anh phản đối kịch liệt vì tôi không xuất thân từ thành phố, không có công việc "danh giá" như họ mong đợi. Nhưng tình yêu của chúng tôi đã chiến thắng, dù cái giá phải trả là đám cưới lạnh nhạt và sự dè bỉu ngấm ngầm từ phía nhà chồng.
Mẹ chồng tôi là người hiền lành, nhưng bà giống như cái bóng trong chính ngôi nhà của mình. Bà sợ chồng, sợ con gái lớn và dường như sợ luôn cả những quyết định của riêng mình. "Gió chiều nào xoay chiều ấy" - chồng tôi thường dằn hắt bảo vậy mỗi khi thấy bà thay đổi ý kiến theo lời người khác.

Còn chị chồng tôi, người đã lấy chồng hơn chục năm rồi nhưng vẫn xem nhà ngoại là lãnh địa riêng mình, luôn can thiệp vào mọi việc ở nhà đẻ và bắt mọi người từ bố mẹ đến em trai và bây giờ là cả em dâu. Từ cách bài trí phòng khách đến thực đơn bữa cơm, chị đều có ý kiến. Tôi thường tự nhủ phải nhẫn nhịn vì đó là chị cả trong nhà, nhưng đêm ở viện hôm ấy đã khiến tôi nhận ra mọi thứ cần phải thay đổi.
Khi chồng tôi vào viện, tôi đã ở bên anh từ sáng đến tối. Tôi giặt đồ cho anh, lau người, dỗ anh ăn từng thìa cháo. Đến tối, khi mẹ chồng tôi mới vào dù con trai mổ từ sáng sớm, bà thấy tôi ngồi ở viện cả ngày nên bảo tôi về tắm rửa rồi đêm vào chăm chồng sau, tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chưa kịp cám ơn, giọng chị chồng đã cắt ngang:
- Ơ hay không được! Về là về thế nào! Chồng cô chứ có phải chồng của mẹ tôi hay của tôi đâu. Mẹ già rồi ngồi ở viện làm sao được mà bắt mẹ ngồi!
Giọng chị chua ngoa, ánh mắt đầy thách thức khiến tôi bất ngờ.
- Nhưng anh ấy chỉ cần nghỉ ngơi thôi chị. Em về tắm nhanh rồi quay lại ngay mà. - Tôi cố giải thích vì cả ngày lăn lộn ở viện người ngợm bẩn lắm rồi.
Ấy thế nhưng chị chồng bắt đầu gào ầm ĩ lên, cố tình nói lớn tiếng để những người xung quanh chú ý đến.
Mẹ chồng im lặng, mắt nhìn xuống sàn như sợ va vào ánh mắt của con gái. Trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt cười lạnh vì hiểu mình đang đứng trước một phiên tòa mà tôi không có luật sư bào chữa.
Suốt đêm đó, tôi ngồi bên giường bệnh với nhiều suy tư. Chồng tôi ngủ say, không biết vợ mình đang bị ép buộc thế nào. Chị chồng gọi điện liên tục để "kiểm tra", còn mẹ chồng thì nhắn tin: "Con cố chịu khó, kẻo chị Thanh lại giận".
Khi bình minh ló dạng qua ô cửa sổ bệnh viện, tôi chợt nhận ra sự thật phũ phàng: Việc tôi phải túc trực 24/24h không phải vì chồng cần, mà để chị chồng có cái khoe với họ hàng rằng "nhà tôi dạy con dâu biết điều", "tôi mà nói 1 câu thì em dâu cấm có dám cãi"... Một màn trình diễn gia đình hoàn hảo, nơi người vợ trẻ phải hy sinh để làm bình phong cho cái tôi của người khác.
Chồng tôi ra viện vào giữa tuần, đến cuối tuần khi sức khỏe của anh ổn định, tôi quyết định sẽ nói chuyện thẳng thắn với chồng.
- Anh cần nói chuyện nghiêm túc với chị Thanh. - Tôi nói với anh bằng giọng bình thản nhưng kiên quyết - Em là vợ anh, không phải con hầu kẻ ở. Em cũng không quỳ lạy van xin nhà anh cho em về làm dâu nên đừng quá quắt. Em không phải con dễ bắt nạt đâu, chẳng qua vì thương chồng nên em nhịn thôi.
Kể từ ngày hôm đó, tôi học cách nói "không" với những yêu cầu vô lý. Tôi hiểu ra rằng hạnh phúc gia đình không xây bằng sự hy sinh một chiều, mà bằng sự tôn trọng lẫn nhau. Và đôi khi, việc đặt ra giới hạn mới chính là cách bảo vệ tốt nhất cho tổ ấm của chính mình.