
Chuyện bắt đầu vào một buổi sáng thứ Ba oi ả, khi tôi đang chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà thì điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia là giọng nói nghẹn ngào của em chồng - Hạnh, 32 tuổi, nhân viên văn phòng tại một công ty truyền thông.
"Chị ơi, em nghỉ việc rồi! Sếp em ác quá!" , giọng cô vừa khóc vừa kể lể. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh hỏi han thì được biết, đây là lần thứ 5 trong năm nay Hạnh đột ngột nghỉ việc vì mâu thuẫn với cấp trên.
Nhưng lần này mọi chuyện không dừng lại ở đó.
Trưa hôm đó, khi tôi đang dọn dẹp nhà cửa, mẹ chồng tôi - bà Ngọc, 60 tuổi - hùng hổ xách túi đi ra cửa. "Con Hạnh nó bị sếp bắt nạt, mẹ phải lên tận nơi cho chúng nó biết tay!" , bà nói với vẻ mặt đầy phẫn nộ.
Tôi vội can ngăn: "Mẹ ơi, chuyện công ty con bé để nó tự giải quyết đi ạ" . Nhưng bà đã quắc mắt: "Mày không thương em chồng à? Để người ta chà đạp con gái tao thì được à?".
Theo lời kể của một đồng nghiệp Hạnh, cảnh tượng diễn ra tại công ty khiến ai nấy đều sửng sốt. Bà Ngọc xông thẳng vào văn phòng giám đốc, hét lên: "Ai cho anh đuổi việc con gái tôi? Anh biết nhà tôi là ai không?".
Đáng nói hơn, camera an ninh và bộ phận hành chính nhân sự đều ghi lại toàn bộ sự việc trước đó cho thấy Hạnh là người hoàn toàn có lỗi. Con bé đi làm muộn 25 ngày/tháng trong khi công ty Hạnh chỉ chấm công có 26 ngày/tháng mà thôi. Còn lại 1 ngày kia thì con bé nghỉ làm không phép.
Kế đó là nộp báo cáo sai số liệu dẫn đến thiệt hại cực kỳ lớn cho công ty. Cãi nhau tay đôi vớiquản lý bằng những lời lẽ thiếu tôn trọng, thậm chí là văng tục, chửi bậy, sỉ nhục và nguyền rủa con cái nhà người ta khi bị nhắc nhở.

Nhưng với mẹ chồng tôi, những bằng chứng rành rành đó chẳng có ý nghĩa gì. Bà còn đe dọa sẽ "cho giang hồ đến xử lý" khi vị giám đốc từ chối nhận Hạnh trở lại làm việc.
Tối hôm đó, khi cả nhà ngồi ăn cơm, tôi mới hiểu sâu hơn về cách giáo dục đặc biệt của mẹ chồng.
Bà tự hào kể rằng hồi Hạnh học cấp 3 đánh bạn, bà đã đến trường đòi kỷ luật ngược lại bạn đó. Khi Hạnh thi trượt đại học, bà thuê người viết đơn khiếu nại vì cho rằng giám thị chấm thi sai. Mỗi lần Hạnh nghỉ việc, bà đều tự tay viết đơn tố cáo công ty của con gái mình.
Chồng tôi - anh Hoàng - thở dài: "Từ bé em ấy đã được mẹ bao bọc quá mức. Có lần nó trốn học đi chơi, thay vì phạt, mẹ còn xin lỗi cô giáo hộ".
Giờ đây, ở cái tuổi 32, Hạnh vẫn sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Không biết nấu một bữa cơm đơn giản. Không thể quản lý chi tiêu cá nhân, có bao nhiêu tiêu bằng sạch, tiêu hết thì đi xin hoặc đi vay nhưng không bao giờ trả. Liên tục thay đổi công việc vì mâu thuẫn với đồng nghiệp, cãi cọ với cấp trên...
Điều đáng buồn nhất là trên trang cá nhân, Hạnh còn khoe khoang: "Mẹ tôi là số 1! Sẵn sàng đập bàn với sếp để bênh con gái" . Những lời bình luận cổ vũ của bạn bè càng khiến cô ấy không nhận ra vấn đề của mình. Vậy mới nói, mạng xã hội đôi khi là con dao 2 lưỡi, có những lời khen, cổ súy cực kỳ tai hại.
Nhìn Hạnh bây giờ - một cô gái 32 tuổi nhưng hành xử như đứa trẻ 15 - tôi lại càng thấm thía lời dạy của nhà giáo dục nổi tiếng Maria Montessori: "Mỗi sự giúp đỡ không cần thiết đều là rào cản cho sự phát triển".
Còn với mẹ chồng tôi, có lẽ bà sẽ không bao giờ hiểu rằng, chính cách yêu thương "bao bọc bằng mọi giá" của mình đã vô tình biến con gái thành một người không thể trưởng thành.
Hạnh hiện vẫn sống cùng bố mẹ, nhận tiền trợ cấp hàng tháng và tiếp tục chuỗi ngày thất nghiệp. Còn tôi, mỗi ngày chứng kiến cái cảnh này lại càng cố gắng dạy con trai 5 tuổi bài học về trách nhiệm - từ những việc nhỏ nhất như tự cất đồ chơi sau khi chơi xong.