Tôi lấy vợ được hai năm, chúng tôi sống cùng ông bà và bố mẹ trong ngôi nhà ở một ngõ nhỏ yên tĩnh. Vợ tôi làm văn phòng nhưng công việc không ổn định, lương cũng thấp. Bố mẹ tôi thương con dâu, còn vợ tôi thì muốn nghỉ việc để sinh con đẻ cái. Thế là cả nhà cùng khuyên vợ tôi nghỉ việc, rồi bố mẹ tôi cho cô ấy một khoản tiền để mở tiệm trà kiêm bán đồ ăn vặt.

Chúng tôi thuê một mặt bằng nhỏ ở con phố gần nhà, sắm sửa bàn ghế đồ đạc để mở quán. Bạn bè người quen hay tin đều ủng hộ vợ tôi nhiệt tình. Ngày khai trương khách khứa kéo đến đông nghịt. Quán mở gần trường học nên trộm vía các em nhỏ với phụ huynh đến mua đồ ăn rất đông, khiến vợ tôi vui mừng vì thu nhập 2 tuần còn cao hơn lương cô ấy chấm công hồi trước!

Tuy nhiên từ ngày quán mở cửa, họ hàng nhà vợ tôi kéo đến ầm ầm, ăn uống thả ga mà chẳng bao giờ thanh toán.

Mấy ngày đầu thấy anh em họ hàng bên vợ đến ủng hộ thì tôi mừng lắm. Bố mẹ tôi còn nói: "Có người đến đông càng vui, mở hàng càng phát tài phát lộc". Nhưng rồi mọi chuyện không như mong đợi. 1 tháng trôi qua nhà ngoại của vợ kéo đến "ăn chùa" ngày càng nhiều, khiến mối quan hệ trong gia đình xuất hiện những vết nứt.

Họ đến từng đoàn, gọi đủ món trà sữa, trà chanh, cà phê, bánh tráng trộn, nem chua rán… Ăn xong họ ngồi buôn dưa, cười nói vui vẻ rồi về. Tuyệt nhiên chẳng ai nhắc đến chuyện thanh toán, nhân viên của vợ tôi nhắc thì họ nói mình là người thân của chủ quán nên không cần trả (?!?)

35b8ea6b-071a-43be-b31b-28773030d09f-17473950690291409719370-1747397045231-17473970454651701293179.jpeg

Mấy lần đầu vợ chồng tôi còn xuề xoà cho qua, coi như mời họ hàng nếm thử. Nhưng về sau thấy chối quá nên tôi thử nhắc khéo: "Dì uống trà ngon không? Quán mới mở nên giá rẻ lắm, chỉ 20k thôi ạ". Ai ngờ bà dì của vợ cười ầm lên: "Ối, cháu rể nói gì lạ thế, người nhà với nhau mà tính tiền à? Ai lại làm thế bao giờ!". Còn nhiều khách lạ xung quanh nên tôi ngại chẳng nói gì thêm, đành im lặng cho dì uống miễn phí.

Vợ tôi vốn hiền lành, không dám lên tiếng vì sợ mất lòng gia đình. Bố mẹ tôi thì nghĩ "thôi nể mặt thông gia coi như làm phước". Tuy nhiên nhìn cảnh ngày nào cũng mất vài trăm nghìn tiền nguyên liệu mà không thu lãi được đồng nào, cứ dư được dăm ba chục nghìn thì người nhà vợ lại kéo đến uống "chùa", cả gia đình tôi đều sốt ruột không vui.

Có hôm em trai của vợ tôi dẫn cả nhóm bạn đến. Chúng gọi đủ loại đồ ăn, khen tấm tắc rằng đồ ăn thức uống cái nào cũng ngon. Vợ tôi vui nên đãi các em thêm một đĩa khoai chiên. Nhưng không ngờ ăn xong 10h tối chúng nó đứng dậy về hết. Thằng em của vợ nói cảm ơn xong lên xe chạy luôn, không hề nhắc đến chuyện thanh toán! Vợ tôi vừa dọn dẹp đống cốc đĩa ngổn ngang vừa thở dài, tôi biết cô ấy mệt mỏi lắm rồi mà không thể trách người thân mình được.

Không thể im lặng mãi, tôi chọn cách nói chuyện riêng với vợ: "Em ơi, quán này bố mẹ mình mở ra để kiếm thêm thu nhập, chứ không phải quán từ thiện. Anh thấy dạo này lỗ quá, hay mình tính toán lại?".

Vợ tôi ậm ừ rồi thở dài: "Anh nói đúng, nhưng em sợ nói ra thì mọi người giận, lại bảo em keo kiệt".

Cuối cùng, tôi đành phải ra quy định khách hàng đến quán phải thanh toán trước khi dùng đồ. Tôi dặn nhân viên thu tiền tất cả mọi người như nhau, không phải kiêng dè ai cả, họ mà nhận là người thân chủ quán thì lại càng phải thu. Cứ bảo em làm theo lời dặn của chủ, nếu khách không trả tiền thì nhân viên bị phạt.

Vợ tôi cũng dần cứng rắn hơn, biết từ chối khéo khi có người quen đến tiệm đòi giảm giá với miễn phí cái này cái kia. Khai trương 2 tháng rồi mà vẫn muốn ưu đãi, tôi cũng chịu chả hiểu họ hàng nhà vợ nghĩ gì?

Sau khi bị thu tiền vài lần thì cô dì chú bác anh em bên ngoại chẳng thấy ai ghé qua nữa. Tiệm của vợ tôi vẫn hoạt động tốt, khách khứa vẫn ổn, thiếu mấy người đó cũng chẳng ảnh hưởng gì. Được cái vợ chồng tôi không rơi vào tình huống khó xử nữa, cũng không phải đau đầu bù lỗ vì mất tiền oan.

Tôi biết vài thành viên bên đó đã nói xấu sau lưng chúng tôi, bảo vợ chồng tôi tính toán với cả người nhà. Đành giả ngơ giả điếc thôi, chứ chúng tôi cũng phải kiếm sống mà. Bố mẹ tôi cho con dâu tiền có phải đi làm từ thiện đâu!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022