Bác sĩ Zheng Yizhi, Phó trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) nhắc nhở rằng mùa đông lạnh hay khi thay đổi thời tiết là lúc chúng ta cần chú ý chăm sóc môi nhiều hơn. Hiện tượng môi đột nhiên sưng tấy, viêm nhiễm, bong tróc nhiều có thể nguy hiểm trong một vài trường hợp, vì ẩn sau đó là các bệnh lý nghiêm trọng. Hoặc nếu xử lý muộn, có thể để lại những hậu quả không mong muốn về ngoại hình, chức năng nhai nuốt hay nói năng do ảnh hưởng tới các cơ quan/vùng xung quanh.

Hơn 1 tuần trước, khi ông chuẩn bị kết thúc ngày làm việc thì được gọi tới phòng cấp cứu điều trị một ca viêm môi nghiêm trọng. “Bệnh nhân là nữ, 28 tuổi, họ Triệu (tên họ nhân vật đã được thay đổi), sống tại Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Nhìn sơ bộ, bệnh nhân bị sưng môi nghiêm trọng. Có thể mô tả độ sưng phù và căng tức đến mức gần giống như 2 chiếc xúc xích cỡ vừa. Bệnh nhân tỏ ra đau đớn, khó mở miệng, cổ họng cũng có vẻ như bị tổn thương nên phát âm không rõ ràng” - bác sĩ Zheng kể lại.

-17059336445041472517778.jpg

Thời tiết lạnh và ăn quá nhiều lẩu cay là nguyên nhân khiến cô Triệu bị viêm môi dị ứng nghiêm trọng (Ảnh minh họa)

Còn theo lời kể của bệnh nhân, gần đây trời rất lạnh, cô thường xuyên cùng bạn bè, đồng nghiệp đi ăn lẩu cay. Sau khi thấy môi sưng tấy thì chỉ cho rằng do mình bị nóng trong người, lại ăn nhiều đồ cay nóng. Ngay cả khi môi sưng tấy, đỏ và bong tróc nặng cô Triệu cũng chỉ dừng ăn lẩu, bôi thêm kem dưỡng và uống nhiều nước mà không muốn đi thăm khám.

Gần 5 ngày sau đó, tình trạng môi của cô ngày càng tệ, cổ họng cũng có cảm giác khó chịu. Không chỉ khó mở miệng hay nói chuyện, cô cũng gặp khó khăn trong ăn uống, cả cơ thể đều rất mệt mỏi. Lúc này cô mới gọi điện cho chị gái, cô chị tá hỏa khi thấy môi em gái mình sưng tấy như hai chiếc xúc xích, vội vã đưa em tới phòng cấp cứu.

Kết quả chẩn đoán cho thấy cô Triêu bị viêm môi dị ứng nặng. Nguyên nhân là do dị ứng thời tiết lạnh cộng thêm dị ứng thực phẩm bởi món lẩu cay. Do không điều trị kịp thời, tự xử lý bằng thuốc mỡ, mật ong dẫn đến tình trạng diễn tiến nặng, nhiễm trùng và sưng phù ở mức cấp tính. “Tôi không thể tin nổi mình phải nằm phòng cấp cứu và truyền dịch vì viêm môi” - cô Triệu nói.

Bác sĩ nhắc nhở những lưu ý chăm sóc môi mùa đông

Theo bác sĩ Zheng Yizhi, trường hợp của cô Triệu là viêm môi dị ứng - một loại viêm môi cực phổ biến và càng dễ gặp hơn vào mùa đông.

-1705933642165217272932.jpg

Bác sĩ Zheng Yizhi cảnh báo mùa đông dễ xảy ra tình trạng viêm môi, nhất là viêm môi dị ứng (Ảnh bác sĩ cung cấp)

Ông giải thích: “Mùa đông hanh khô, da dễ bị mất nước, đặc biệt là làn môi nhạy cảm. Trong khi đó, độ dày của da môi chỉ bằng 1/3 da khác trên cơ thể, không có tuyến bã nhờn và không có hắc tố bảo vệ nên dễ bị không khí khô, nhiệt độ thấp, thực phẩm dễ dị ứng tác động.

Đặc biệt, môi rất nhạy cảm với gió lạnh, ánh sáng mặt trời và các môi trường khắc nghiệt khác. Nếu không chăm sóc cẩn thận, tình trạng khô, đóng vảy và nứt nẻ là những phản ứng rõ ràng nhất. Thậm chí còn có nhiều người bị chảy máu môi, sưng tấy môi, đột nhiên dễ dị ứng hơn với các loại mỹ phẩm. Chưa kể, mùa đông chúng ta có xu hướng ăn đồ cay nóng nhiều hơn, uống thiếu nước và có thói quen liếm môi. Những người tiêu hóa kém, trẻ em thiếu chất, người có tâm trạng thất thường, tỳ vị ẩm ướt hoặc ở ngoài trời quá nhiều cũng dễ viêm môi hơn”.

Ông nhắc nhở, muốn chăm sóc đôi môi khỏe và đẹp, đầu tiên là phải tránh xa những thói quen xấu vừa kể trên. Đặc biệt, không nên liếm môi hay dùng tay bóc da môi sẽ khiến môi bị tổn thương, thậm chí viêm mãn tính. Nhất là khi môi đã bị bong tróc, nứt nẻ hay sưng tấy. “Nước bọt có enzym tiêu hóa có thể gây kích ứng da, không những không dưỡng ẩm được cho môi mà còn có thể khiến tình trạng khô và bong tróc môi trở nên trầm trọng hơn” - bác sĩ Zheng nói thêm.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng việc uống đủ nước và uống nước rải rác trong ngày rất quan trọng để đủ cấp ẩm cho toàn bộ cơ thể, bao gồm cả môi. Không nên ăn nhiều đồ cay nóng, món kết hợp cùng lúc quá nhiều loại gia vị, ăn nhiều thức ăn lạ ngay từ lần đầu mà không thử xem cơ thể có phản ứng dị ứng hay không, Đi ra đường nên che kín môi, nhưng tránh các vật gồ ghề, có nhiều lông hay sợi chạm vào môi.

“Tuy nhiên, cấp ẩm cho môi bằng uống nước là chưa đủ. Bạn cần chú ý dưỡng môi bằng các loại dưỡng môi chuyên biệt, mặt nạ ngủ cho môi nhưng cần bôi thử một chút để kiểm tra phản ứng dị ứng 48 giờ trước khi dùng lâu dài. Cũng nên lựa chọn các loại son dưỡng có chiết xuất tự nhiên, xuất xứ uy tín và bôi đủ, đúng hướng dẫn sử dụng chứ không nên lạm dụng” - ông nói.

-1705933637557934284853.jpg

Viêm môi dị ứng không chỉ khiến môi sưng tấy, tê rát mà còn gây khó khăn cho ăn uống, nói chuyện (Ảnh minh họa)

Khi cô Triệu hỏi về việc sử dụng vaseline để dưỡng môi vì nó rất phổ biến, bác sĩ Zheng cũng đưa ra lời khuyên vô cùng hữu ích. Ông cho biết: "Bình thường, có thể bôi vaseline để điều trị tình trạng khô và bong tróc nói chung. Tuy nhiên, nếu môi bị đỏ, sưng tấy và tiết dịch thì không nên sử dụng vì vaseline ở dạng sệt sẽ gây kích ứng và làm nặng thêm các triệu chứng viêm cấp tính, lúc này càng nguy hiểm hơn. Điều này cũng tương tự đối với mật ong. Nếu sưng môi, bong tróc hay nứt nẻ nghiêm trọng tốt nhất hãy tìm đến bác sĩ thay vì tự xử lý tại nhà".

Nguồn và ảnh: QQ, Top Beauty, Family Doctor

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022