Tôi vào làm cho cửa hàng quần áo của chị Hạnh được gần 2 tháng. Tiệm này nhỏ thôi, nhưng khách lúc nào cũng đông vì chị Hạnh biết cách lựa đồ hợp mốt, lại khéo nói nên rất hút khách. Tôi ban đầu chỉ định làm tạm, nhưng lương trả cũng khá mà môi trường thoải mái nên dần thấy gắn bó.

Anh Hoàng, chồng chị Hạnh, là dân công trình, ít khi về nhà. Mỗi lần ghé qua tiệm cũng chỉ tranh thủ mang cơm cho vợ hoặc sửa lại mấy thứ hỏng vặt rồi lại đi ngay. Ban đầu, tôi cũng hơi ngại vì nghe đồn tính anh Hoàng nóng nảy, gia trưởng. Nhưng gặp vài lần thấy anh thật thà, ít nói, có chút xuề xoà của dân lao động. Mỗi lần tôi cúi đầu chào, anh chỉ gật đầu hoặc cười xã giao, chẳng để ý gì nhiều. Chị Hạnh cũng chẳng mấy khi nhắc đến chồng, ngoài vài câu kiểu như: "Anh nhà tôi lại đi cả tuần không về" hay "Mình tôi kinh doanh chứ chờ được chồng chắc đóng cửa sớm".

Mọi chuyện vẫn êm đềm cho đến một ngày cuối tháng trước. Trời mưa nặng hạt, khách ít, tôi và chị Hạnh đang kiểm hàng thì anh Hoàng bất ngờ ghé qua. Anh lách cửa bước vào, tay cầm túi đồ, người ướt nhẹp. Tôi vội chạy ra đỡ túi từ tay anh, hỏi nhanh:

"Anh ướt hết rồi, để em lấy khăn cho anh lau người".

Chưa kịp quay vào thì đã nghe giọng chị Hạnh đanh lại phía sau:

"Thôi khỏi! Để đấy rồi vào kho kiểm hàng đi".

Tôi ngớ người, nhìn thấy ánh mắt lạnh lùng của chị mà khựng lại. Mắt chị không còn cái vẻ thân thiện hàng ngày, thay vào đó là ánh nhìn khó chịu. Cảm giác bầu không khí trong tiệm đột ngột trở nên ngột ngạt. Tôi nhanh chóng bước về phía kho, lặng lẽ tiếp tục công việc, nhưng lòng không khỏi lấn cấn.

13-1747400555226872606357-1747400625680-174740062596871374290-1747479677628-17474796777181545500278.jpeg

Ảnh minh họa

Mấy ngày sau, tôi bắt đầu thấy chị Hạnh thay đổi thái độ. Chị bỗng nhiên chặt chẽ từng chút một, từ việc tôi chưa kịp xếp hàng lên kệ đến cả chuyện giờ giấc nghỉ ngơi. Mỗi lần tôi ngước lên bắt gặp ánh mắt chị, đều thấy cái nhìn đầy dò xét, như đang canh chừng điều gì đó. Có hôm, vừa đi làm về, tôi nghe chị thì thầm to nhỏ với chị Thu – nhân viên bán hàng khác – nhưng thấy tôi bước vào thì im bặt, ánh mắt liếc nhanh rồi quay đi.

Rồi cái chuyện ấy cũng xảy ra. Hôm đó là một buổi chiều giữa tuần, trời âm u, mưa lất phất. Tôi vừa dọn hàng ra kệ thì chị Hạnh từ ngoài xông vào, mặt đỏ bừng, tóc xõa rối tung. Chị lao thẳng tới chỗ tôi, giật mạnh cánh tay tôi kéo vào kho. Cánh cửa khép lại, chị đẩy mạnh vai tôi dựa vào kệ gỗ, mắt long lên sòng sọc:

"Cô giỏi thật đấy! Mới vào làm có hai tháng mà đã biết cách quyến rũ chồng người ta rồi à?".

Tôi sững sờ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chị Hạnh không để tôi kịp phản ứng, tiếp tục cao giọng:

"Đừng tưởng tôi không biết! Lần trước trời mưa, cô lấy cớ đưa khăn cho anh Hoàng đúng không? Mắt lúng liếng, miệng ngọt ngào... Tôi đứng ngay đó mà cô còn dám. Cô đừng tưởng tôi mù".

Tôi lắc đầu, lùi dần ra phía cửa kho:

"Chị nói gì lạ vậy? Em không có làm gì sai hết".

"Không sai? Để tôi cho cô biết thế nào là sai".

Chị lao tới định giật tóc tôi thì cánh cửa kho bật mở. Anh Hoàng đứng đó, mặt đanh lại, giọng trầm lạnh:

“Em thôi đi! Đừng làm loạn ở đây".

Chị Hạnh khựng lại, đôi tay buông thõng nhưng ánh mắt vẫn hằn học nhìn tôi. Tôi nín thở, tim đập loạn xạ. Trong kho chật hẹp, tôi thấy mình nhỏ bé và yếu đuối hơn bao giờ hết.

Rồi anh Hoàng kéo tay chị Hạnh ra ngoài, để lại tôi đứng run rẩy, cả người như vừa rút hết sức lực. Tôi biết, nếu không có anh Hoàng kịp thời can ngăn, có lẽ tóc tôi giờ đã bị chị ấy giật tung.

Tối hôm đó, tôi nằm trằn trọc không ngủ được. Có lẽ đây là lúc tôi nên nghỉ việc. Chẳng ai muốn ngày ngày đối mặt với những ánh mắt nghi kỵ và cơn ghen không căn cứ như thế này nữa. Nhưng tôi cũng không cam tâm khi bản thân bị vu oan. Liệu có nên tiếp tục đối mặt hay lặng lẽ rời đi để tự bảo vệ mình?

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022