Ngày 14/4, Bộ Y tế nói Việt Nam nằm trong 21 quốc gia đã thành công trong việc xóa sổ căn bệnh này. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao vai trò đầu mối chuyên môn của Bệnh viện Mắt Trung ương trong quá trình triển khai chương trình kiểm soát và thanh toán bệnh mắt hột.

Bệnh mắt hột là bệnh nhiễm trùng mắt do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh thường xảy ra ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém và có thể dẫn đến sẹo, mờ mắt, thậm chí mù lòa nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh rất dễ lây lan, thường phát triển thành dịch, đặc biệt ở trẻ em. Việc điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Cách đây 70 năm, có tới hơn 90% người dân Việt Nam mắc bệnh mắt hột (dân gian gọi là bệnh mắt toét). Trong đó, 15% số người bị lông quặm do bệnh mắt hột, tỷ lệ gây mù cho 2% dân số vùng nông thôn. Bệnh gây khó chịu cho người mắc phải, giảm chất lượng sống.

2-1744629475-1744629499-9993-1744629638.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Fo3ntn5XkDR1Ty4WlzYoNg

PGS Phạm Ngọc Đông, GIám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Lê Hảo

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh bệnh mắt hột là căn bệnh của đói nghèo. Những cộng đồng ở vùng sâu vùng xa không có nước sạch và vệ sinh là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Việt Nam đã chứng minh rằng có thể tiếp cận được những nhóm dân cư khó tiếp cận nhất, đầu tư đúng mức để bảo vệ sức khỏe của người dân và đảm bảo một tương lai không còn bệnh mắt hột", bà nói.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022