Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội kèm theo co giật. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị huyết khối xoang tĩnh mạch não kèm xuất huyết. Dù được điều trị tích cực bằng thuốc chống đông và chống co giật, bệnh nhân vẫn để lại di chứng tê nhẹ nửa người và cần thời gian dài để phục hồi.

thuoc-tranh-thai-anh-istock-167947854566296183690-1744627646408-1744627646688441954504.jpg

Ảnh minh hoạ

Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân nữ trẻ tuổi (SN 1989 và SN 1995) đột quỵ vì huyết khối xoang tĩnh mạch não. Được biết cả 2 bệnh nhân trên đều đang sử dụng thuốc tránh thai hằng ngày trong thời gian kéo dài.

Trường hợp khác là một phụ nữ 34 tuổi sử dụng thuốc tránh thai. Bệnh nhân cũng nhập viện vì đau đầu kéo dài và được phát hiện huyết khối tĩnh mạch não. May mắn thay, tổn thương không ảnh hưởng đến nhu mô não và bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau một tuần điều trị.

Trong những năm gần đây, thuốc tránh thai đường uống (thuốc tránh thai) đã trở thành một trong những biện pháp tránh thai phổ biến nhờ tính tiện lợi và hiệu quả cao. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích không thể phủ nhận, thuốc tránh thai cũng tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng, đặc biệt là biến chứng huyết khối và đột quỵ. 

Theo nghiên cứu từ Iran (2024), hơn 50% phụ nữ bị huyết khối tĩnh mạch não có tiền sử sử dụng thuốc tránh thai, trong đó 70% dùng thuốc thế hệ 2. Một phân tích tổng hợp năm 2015 cũng chỉ ra rằng, nguy cơ huyết khối tĩnh mạch não ở người dùng thuốc tránh thai cao gấp 7,59 lần so với người không sử dụng.

90066d04-dccc-457d-bd42-eca848e45f45mceu6825107811744601448193-1744625788352-174462578884050592456.png

Thuốc tránh thai chỉ thực sự an toàn khi được sử dụng đúng cách và dưới sự theo dõi của bác sĩ. Ảnh minh hoạ

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Phụ sản Trung ương (2021), gần 50% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từng sử dụng thuốc tránh thai, trong đó gần 20% dùng liên tục >12 tháng mà không qua thăm khám định kỳ.

Những ai cần thận trọng khi sử dụng thuốc tránh thai?

Thành phần estrogen trong thuốc tránh thai có thể kích hoạt quá trình đông máu thông qua việc tăng nồng độ fibrinogen và prothrombin - những yếu tố thúc đẩy hình thành cục máu đông. Đồng thời, estrogen cũng làm giảm protein S, một chất ức chế đông máu tự nhiên của cơ thể. Đối với những người mang đột biến gen Factor V Leiden, nguy cơ huyết khối khi dùng thuốc tránh thai có thể tăng gấp 20-30 lần.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: Phụ nữ dưới 35 tuổi, hút thuốc lá, thừa cân hoặc có tiền sử huyết khối, đột quỵ cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc tránh thai.

ThS.BS Đinh Trung Hiếu - Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra lời cảnh báo: Thuốc tránh thai có hiệu quả và giá trị không thể phủ nhận đối với cộng đồng. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc tránh thai cũng tiềm ẩn tăng nguy cơ huyết khối. Trong quá trình sử dụng, nếu thấy có biểu hiện bất thường như đau đầu với mức độ tăng dần, đau tăng về đêm, uống thuốc giảm đau không đỡ, đặc biệt nếu xuất hiện các cơn giật cơ bất thường hoặc ý thức không tỉnh táo thì cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế. Trong quá trình thăm khám, chú ý cung cấp thông tin đầy đủ về loại thuốc, thời gian đã sử dụng. 

Làm gì để dùng thuốc tránh thai an toàn

ThS.BS Đinh Trung Hiếu khuyến cáo: Thuốc tránh thai là công cụ hữu ích, nhưng đừng biến nó thành "quả bom hẹn giờ".

Vì vậy, theo bác sĩ để thuốc tránh thai hữu ích, cần sử dụng đúng cách để tránh biến chứng. Theo đó, người dùng cần chú ý:

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

- Tư vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc tránh thai, đặc biệt nếu có yếu tố nguy cơ.

- Tầm soát đột biến gen nếu gia đình có tiền sử rối loạn đông máu.

- Duy trì lối sống lành mạnh, uống đủ nước và tránh nhịn ăn khi sử dụng thuốc tránh thai.

Thuốc tránh thai chỉ thực sự an toàn khi được sử dụng đúng cách và dưới sự theo dõi của bác sĩ. Đừng chủ quan với sức khỏe của mình - hãy lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng ngừa rủi ro.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022